Những ngày này, trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đầy gian nan, cùng với những chuyến xe yêu thương ở nhiều vùng miền, từ Nam Tây Nguyên, các đoàn xe biển đỏ chở nặng nghĩa tình quân - dân tiến về phương Nam để san sẻ khó khăn, góp sức băng qua đại dịch.
Những ngày này, trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đầy gian nan, cùng với những chuyến xe yêu thương ở nhiều vùng miền, từ Nam Tây Nguyên, các đoàn xe biển đỏ chở nặng nghĩa tình quân - dân tiến về phương Nam để san sẻ khó khăn, góp sức băng qua đại dịch.
Bài 1: Đội vận tải chuyên trách
Không có sự chuẩn bị, không văn bản giấy tờ, không lễ nghi trang trọng, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với nhiều diễn biến phức tạp, từ mệnh lệnh của thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Đội vận tải chuyên trách đã được thành lập.
|
Đoàn xe biển đỏ tiến về Sài Gòn |
MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM
Đội vận tải chuyên trách được thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: chuyên chở hàng hóa, nhu yếu phẩm vào các vùng dịch trên địa bàn tỉnh và các vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Tây Ninh.
Đội vận tải chuyên trách gồm 8 đồng chí. Ngoài cán bộ, chiến sĩ chuyên làm nhiệm vụ lái xe đến từ Trung đội vận tải thuộc Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh, Đội còn tập hợp những tay lái nhiều kinh nghiệm của Trung đoàn Bộ binh 994, Đại đội Thiết giáp, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh. Nhận lệnh, những người lính lái xe lập tức lên đường. Với họ, đây là một cuộc hành quân dài đặc biệt. Hơn ai hết, họ hiểu sự nguy hiểm của nhiệm vụ mà họ sắp thực hiện, nhưng đó không chỉ là mệnh lệnh của quân đội mà còn là mệnh lệnh của trái tim.
|
Thành viên đội vận tải chuyên trách kiểm tra mọi thứ trước giờ lên đường |
Để đảm bảo dịch bệnh không thể xâm nhập vào các đơn vị quân đội, sức khỏe của bộ đội được đảm bảo tuyệt đối để sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; lệnh cấm trại với 100% quân số đã được Bộ CHQS tỉnh thực hiện ngay từ khi dịch bệnh bùng phát. Toàn đội được bố trí ở khu riêng biệt trong Bộ CHQS tỉnh, không tiếp xúc với các lực lượng khác và chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả vào các vùng dịch trong tỉnh và các tỉnh khác trên địa bàn quân khu.
Bộ CHQS tỉnh đã bố trí 4 xe tải chuyên trách với trọng tải 3,5 - 4 tấn/mỗi xe. Hai tài xế cùng làm nhiệm vụ, nhịp nhàng thay tài trên một xe bởi sau khi đưa hàng tới điểm nhận, lái xe sẽ quay đầu về ngay và sinh hoạt tại khu cách ly riêng. Những đợt hàng hóa nhiều, ngoài 4 xe của đội vận tải, Bộ CHQS tỉnh có sự hỗ trợ từ 3 xe thuộc Học viện Lục quân. Đoàn xe biển đỏ cứ thế mà nối dài thêm.
Để phòng ngừa dịch bệnh, đội ngũ lái xe đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh liên hệ với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng làm xét nghiệm SARS-CoV-2, đảm bảo an toàn trước khi xe thực hiện nhiệm vụ. Và cứ thế, suốt những ngày qua, đoàn xe biển đỏ với số hiệu bắt đầu bằng chữ KP liên tục lên đường chở hàng trăm tấn rau, củ, quả và cả tình cảm của quân, dân Lâm Đồng tiến vào chi viện cho các vùng tâm dịch.
|
Bộ đội cùng bà con chất rau, củ, quả lên xe tiến về Sài Gòn |
|
Bộ đội giúp người dân thu hoạch rau xanh ủng hộ bà con Sài Gòn |
“XE CHÚ BỘ ĐỘI ĐẾN RỒI”
Dịch bệnh bùng phát từ những ngày đầu năm 2020, nhưng với tinh thần quân dân đồng lòng, cả hệ thống chính trị vào cuộc, trận địa Nam Tây Nguyên vẫn được giữ vững an toàn trong thời gian dài. Nhưng khi dịch bùng lên lần thứ 4, lần nặng nề nhất, trận địa này cũng đã bị ảnh hưởng. Sau ổ dịch đầu tiên phát hiện tại huyện Đạ Tẻh, trên bản đồ COVID-19 của Lâm Đồng, vùng xanh dần thu hẹp. Đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng là 1 trong 2 địa phương còn lại chưa thực hiện Chỉ thị 16 trong tổng số 9 địa phương của Quân khu 7. Không chỉ đảm bảo các vấn đề của địa bàn, người Lâm Đồng còn chia lửa khó khăn với bà con trong các vùng cách ly, phong tỏa, giãn cách ở các địa phương khác chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhất là với Thành phố Hồ Chí Minh, nơi vẫn được gọi bằng hai tiếng gần gũi, thân thương - Sài Gòn.
Vào thời điểm đất nước nói chung, Sài Gòn nói riêng gặp nhiều khó khăn, hàng trăm chuyến xe từ các đơn vị, cá nhân, tổ chức từ Nam Tây Nguyên đã tiến về Sài Gòn mang theo hàng trăm tấn nông sản và cả tấm lòng yêu thương. Đặc biệt, trong đó có các đơn vị tôn giáo đã cùng đồng hành để chung sức hướng về đồng bào vùng dịch. Những đoàn xe của Bộ CHQS tỉnh cũng đã có mặt tại Ban CHQS các huyện từ vùng dịch Đạ Tẻh cho tới huyện nghèo Đam Rông để chuyên chở tất cả tấm lòng mà người dân Nam Tây Nguyên gửi gắm các đơn vị quân đội và xuôi về phương Nam.
|
Người dân, các tăng ni Phật tử và những người lính trước giờ đoàn xe lên đường tiến vào tâm dịch |
Tiếng sư cô Chùa Hội Phước (thôn Tân Hiệp, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng) nhẹ nhàng vang lên trong điện thoại lái xe Đặng Giang Sơn “Chú bộ đội đến chưa, cô và bà con tập hợp được nhiều rau lắm, đang chờ các chú bộ đội đến”. Và rồi xe tới, bà con đang đợi sẵn, reo vui “xe chú bộ đội đến rồi”. Xe tiến sâu vào sân chùa, những lái xe mang màu áo lính nhảy xuống từ buồng lái. Bộ đội và người dân cùng nhau chất lên xe nào củ cải, khoai tây, khoai lang, bắp sú, cà chua… Đêm mưa. Gần 10 tấn rau, củ, quả tươi được bà con xã Phú Hội tập kết về Chùa Hội Phước bị ảnh hưởng. “Các chú đợi chút nhé, để bà con tranh thủ nhặt lại bắp sú cho sạch, cho tươi”. Mặt trời đã gần xuống bóng, chờ thêm nghĩa là lộ trình sẽ kéo dài hơn, song bộ đội vẫn đợi để tấm lòng của bà con gửi về Sài Gòn trọn vẹn nhất. Những người nông dân quanh năm quen với ruộng vườn tay thoăn thoắt nhặt rau. Đóng gói tới đâu bộ đội chất lên xe tới đó. Xe trọng tải 4 tấn luôn chất đầy rau, củ bởi những người lính lái xe vẫn tâm niệm rằng “Thêm ít rau, là đảm bảo thêm bữa ăn cho bà con trong vùng dịch”.
Hay như trước đó, tại Chùa Linh Ẩn (thị trấn Nam Ban, Huyện Lâm Hà), đội vận tải chuyên trách có mặt cùng 20 cán bộ, chiến sĩ khác đã cùng với bà con nhân dân, các tăng ni, Phật tử bốc xếp hơn 60 tấn rau, củ, quả. Mọi việc xong xuôi cũng là khi mặt trời bắt đầu khuất bóng. Đoàn xe chở nặng nghĩa quân dân, tình đồng bào lên đường. Tình quân - dân, mối quan hệ khăng khít giữa lực lượng vũ trang và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng ngay lúc này đây lại thắm đượm hơn bao giờ hết. Bởi chảy chung trong họ là tình người, là mong mỏi sẻ chia một phần gánh nặng với Sài Gòn.
Đại dịch đã gây ra quá nhiều tổn thất. Và chính trong lúc này, tình đồng bào, đồng chí và trách nhiệm của chính quyền được thể hiện thật rõ nét. Trên “chiến trường” không tiếng súng ấy, quân đội luôn là điểm tựa vững chắc cho người dân. Đoàn xe biển đỏ vẫn liên tục lên đường tiến vào tâm dịch…
Bài 2: Trắng đêm tiến về Sài Gòn
“Trời… rơi mất mấy quả cà chua, rơi thêm cái bắp sú… vậy là mất bữa rau của bà con vùng dịch. Chắc do mình ráng chất nhiều quá...”, lời tiếc nuối ấy khe khẽ thốt lên xen lẫn âm thanh vọng ra từ kênh FM của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong buồng lái của chiếc xe tải quân sự đang lặng lẽ trong đêm tiến thẳng vào Sài Gòn.
|
Đoàn xe biển đỏ tiến về Sài Gòn |
HÀNH TRÌNH ĐẶC BIỆT
Đã nhiều lần đến với Sài Gòn nhưng tôi chưa bao giờ có hành trình nào đặc biệt như lần này, bởi được cùng ngồi trên cabin xe tải của quân đội để chuyên chở bao nghĩa tình về với mảnh đất vốn giàu năng lượng ấy.
Đoàn xe khởi hành khi mặt trời ngả bóng. Những người lính vội vã lên đường, cầm vô lăng khi mồ hôi còn nhễ nhại sau việc chất hàng mà không kịp chuẩn bị gì thêm cho bản thân. Mấy bịch sữa bắp, một ít trái cây là tấm lòng bà con nhét vội lên xe. Nam Tây Nguyên thời điểm này đang vào mùa mưa, đoàn xe do đã chất lượng rau tối đa so với trọng tải nên cứ chầm chậm lăn bánh. Đồng Nai và Sài Gòn là hai địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nên những người lính quyết định mua cơm từ Bảo Lộc và mang theo lên xe. Biết đoàn xe của những người lính chở rau, củ về cho bà con Sài Gòn, người Bảo Lộc cũng vì thế mà thêm vào suất cơm một ít thức ăn, chúc những người lính lái xe “thượng lộ bình an”. Và đoàn xe lại miệt mài, lặng lẽ băng qua màn mưa, vượt những khúc quanh trên con đèo Bảo Lộc rồi xuôi đèo Chuối và dần sang địa phận tỉnh Đồng Nai. Cung đường dài hơn 300 km từ Lâm Đồng đến với Sài Gòn có lẽ chưa bao giờ vắng lặng đến thế. Trên đường chỉ có những chiếc xe tải chuyên chở các hàng hóa thiết yếu được cấp giấy phép lưu thông. Hai bên đường nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm. Cái im lìm nặng nề mà không bất kỳ ai mong muốn.
Trời tối, những người lính muốn tìm một chỗ dừng chân có đủ ánh sáng để ăn cơm. Xe lăn bánh chậm lại nhưng họ lần lượt bỏ qua những vị trí bằng phẳng, sạch sẽ và sáng đèn, vì sợ tiếng xe dừng trước cổng làm hoang mang lòng dân sau những cánh cửa đóng kín. Bởi người dân vùng dịch bệnh đã quá ám ảnh với tiếng xe đậu vội trước nhà, điều đó đồng nghĩa là có ca dương tính, ca F0 nào đó xung quanh. Và cứ thế phải mãi đến địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, những người lính mạnh mẽ ấy mới dừng lại bên đường vắng, rọi đèn xe và ngồi lại ăn cơm. Cơm vừa bưng lên tay thì trời lại đổ mưa, nhưng chẳng ai nhăn nhó, họ vừa cười vừa chia nhau mỗi người một bịch canh. Tài xế xe nào lên buồng lái xe đó ăn cơm. Bữa cơm chóng vánh ấy có lẽ là kỷ niệm nhớ mãi với tôi - người lần đầu tiên cùng các chiến sĩ trong hành trình đặc biệt đến với Sài Gòn. Lái xe Nguyễn Đăng Đồng còn động viên “lính mới” như tôi, rằng “chịu khó em nhé, chứ tụi anh vậy hoài quen rồi, dịch bệnh mà”.
Không tiện nghi như những chiếc xe tải khác, xe quân đội đơn sơ hết mức. Cửa kính xe muốn điều chỉnh lên xuống, người lái phải quay tay nắm thật nhiều vòng. Dăm ba chai nước lọc, kênh FM của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được lái xe mở suốt hành trình và cứ thế họ tiến về Sài Gòn. Trong câu chuyện của hai người bạn đồng hành trên buồng lái không nhuốm màu buồn lo bởi tình hình dịch bệnh, mà câu chuyện thường xoay quanh những niềm vui bên gia đình và cả tình thương với người dân vùng dịch. Họ nói với nhau về việc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã điều động hơn 6.000 y, bác sĩ hỗ trợ các địa phương trên địa bàn quân khu. Hơn 60.000 đồng đội của họ tham gia phối hợp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các tổ, chốt, điểm cách ly, khu vực phong tỏa, chốt tuần tra biên giới, những khu tiêm vắc xin… Quân khu cũng đã thành lập các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5, 5B, 5C, 5D. Đã có 300 trong số 30.000 người lính giúp dân chống dịch COVID -19 ở Thành phố Hồ Chí Minh nhiễm bệnh. Hàng chục người lính có cha mẹ mất nhưng không về được, phải lập bàn thờ bái vọng từ xa… Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình, hơn ai hết, những người lính như họ hiểu rất rõ những cam go, khốc liệt nhưng trên môi vẫn nở nụ cười. Nụ cười ấy mang cả niềm tin chắc chắn về ngày “mai mốt hết dịch”.
Trên đường đi, xe đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của các địa phương. Mỗi lần tới chốt, sau khi tuân thủ việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, xuất trình các giấy tờ liên quan đến việc xét nghiệm COVID-19 và các quyết định liên quan đến việc thông hành, những người lính lái xe luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi ân cần của các lực lượng làm việc tại chốt. Có lẽ những đoàn xe biển đỏ chở nặng nghĩa tình, những người lính ngồi sau vô lăng và cả tấm băng rôn đỏ thắm in dòng chữ vàng “Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh” đã củng cố thêm niềm tin cho các lực lượng liên ngành làm việc tại các chốt kiểm soát. Những lời chào hỏi, hỏi thăm và những cái vẫy tay của các lực lượng tại chốt mỗi lần xe đi qua là niềm tin cho những người lính lái xe vững tay lái tiến thẳng vào Sài Gòn.
|
Bữa cơm ven đường của những người lính lái xe |
VÀO SÀI GÒN
Đoàn xe vào tới khu dân cư thuộc Sài Gòn khi đêm đã về khuya. Khoác ngoài màu áo xanh bộ đội là màu áo xanh bảo hộ y tế. Nhưng bên trong những con người ấy vẫn chỉ có một mệnh lệnh từ trái tim: Hỗ trợ người dân khó khăn, sẻ chia gánh nặng cho Sài Gòn.
Trước đây, xe từ Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng thường chỉ xuống làm nhiệm vụ tại Cơ quan thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7, nhưng trong nhiệm vụ đặc biệt này, các đoàn xe phải vào tận Ban CHQS các quận, huyện và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Điện thoại của những người lính liên tục hoạt động để dò đường. Google maps giờ đây cũng đã không còn hỗ trợ hành trình của những người lính Nam Tây Nguyên tối đa. Bởi Sài Gòn đang “trọng thương”, những con hẻm phong tỏa, giăng dây nên buộc các lái xe vừa chậm chậm điều khiển vừa dò đường. Điểm đến của xe chúng tôi đợt này là Ban CHQS Quận 12, mỗi lần gặp chốt kiểm soát hay lực lượng tuần tra, các anh lại hỏi đường và được chỉ dẫn tận tình.
Phải đến hơn 12h khuya, xe mới vào được doanh trại của Ban CHQS Quận 12. Cán bộ, chiến sĩ tại đây thực hiện việc đo thân nhiệt và phun khử khuẩn xe, sau đó các xe tải hàng được hướng dẫn vào thẳng khu hậu cần của đơn vị. Chưa bao giờ đồng đội gặp nhau lại vội vàng đến thế, mỗi người đều mang khẩu trang, đồ bảo hộ, đứng cách xa nhau. Lời hỏi thăm khó khăn vang lên sau lớp bảo hộ, trong màn đêm yên tĩnh. Toàn bộ rau, củ, quả nhanh chóng được Ban CHQS Quận 12 bốc xuống, phân loại để ngày mai đưa về với người dân. “Cảm ơn các đồng chí, có rau xanh lúc này bà con mừng biết mấy”, chúng tôi không biết mặt, biết tên người đồng đội ấy, nhưng có một điều chắc chắn được cảm nhận rõ là niềm vui của anh và cả của những người đồng đội. Sự khẩn trương của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS Quận 12 cũng làm chúng tôi như cảm thấy được phần nào sự mong chờ và niềm vui của bà con khi ngày mai họ nhận được tấm lòng của người Lâm Đồng mà đoàn xe biển đỏ chở xuống. Mọi việc hoàn thành cũng là khi bước vào 2h sáng của ngày hôm sau, tạm biệt vội vàng và những người lính lại lên buồng lái quay xe trở về ngay.
|
Dân quân tự vệ tại Ban CHQS Quận 12 nhanh chóng bốc dỡ rau, củ, quả xuống để đoàn xe nhanh chóng quay trở lại Lâm Đồng |
TRẮNG ĐÊM Ở SÀI GÒN!
Xe giờ đã nhẹ hơn nhưng lòng người thì vẫn còn trĩu nặng. Đoàn xe lặng về trong đường vắng. Một thành phố vốn năng động, náo nhiệt, đóng góp lớn vào nguồn ngân sách cả nước chưa bao giờ lặng im như thế. Dù phải đương đầu với dịch bệnh nặng nề, song vẫn thấy trên bản tin 6 tháng đầu năm 2021 về Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 198.566 tỷ đồng, về tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 680.328 tỷ đồng… Có lẽ những điều đó làm vững chắc thêm niềm tin để trên buồng lái lúc trở về, những người lính nói với nhau rằng “Mong thành phố mang tên Bác mạnh khỏe, vậy thì sẽ có thêm nguồn lực mạnh cho đất nước”. Họ lại mong biết mấy những chuyến công tác về Sài Gòn, ngồi uống ly cà phê đá vỉa hè để được thấy một Sài Gòn đông đúc, năng động trở lại.
Trong miên man cảm xúc cùng câu chuyện của những người lính ấy, tôi cũng trôi vào dòng cảm xúc của riêng mình với thành phố chỉ thường cho đi mà ít khi nhận lại. Rằng ngày còn bé, mẹ tôi vẫn thường nói rằng: “Quê mình nghèo lắm, mai mốt lớn rồi vô Sài Gòn xin làm công nhân”. Mẹ nói thế bởi đối với mảnh đất nghèo ở xứ Nghệ như quê tôi, trai gái lớn lên đều chọn “vô Sài Gòn”. Nhưng mẹ ơi! thành phố nhộn nhịp ấy không chỉ dành cơ hội cho những đứa trẻ quê mình mà người trăm miền vẫn được Sài Gòn ấp ôm để mưu sinh và học tập thành tài. Biết bao ước mơ và hoài bão đã thành hiện thực ở nơi ấy. Cô bạn thời đại học cũng đã từng chọn Sài Gòn làm điểm đến đã nói với tôi rằng “Mảnh đất quê người ấy đã cưu mang không biết bao nhiêu thân phận. Quê người thành quê mình. Mảnh đất của những con người hào sảng luôn bao dung với tất cả, chia đều cơ hội cho những ai chọn lấy nó”. Nhưng hôm nay, nơi phồn hoa ấy đang gặp nhiều khó khăn. COVID-19 khiến cuộc sống thay đổi, bất ổn với tất cả, nhất là những người nghèo, những người tha hương, những người ở trọ. Và chính lúc này đây, cả nước đang hướng về miền Nam, hướng về Sài Gòn.
Chúng tôi bắt gặp ở cửa ngõ Sài Gòn những chuyến xe từ nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước với tấm băng rôn “Ủng hộ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. Những chuyến xe ấy có lẽ cũng đong đầy, chất chứa tình cảm như đoàn xe biển đỏ từ Nam Tây Nguyên. Xe ngang qua, họ nháy đèn chào nhau - một cách chào hỏi rất riêng của những người tài xế. Còn riêng tôi như bừng lên nhiều cảm xúc bởi thực sự thấm thía tình quân - dân, nghĩa đồng bào. Chính điều đó làm tôi tin hơn vào sức mạnh của quân đội, về tinh thần dân tộc và tin vào ngày không xa Sài Gòn sẽ mạnh khỏe, COVID-19 sẽ bị đẩy lùi trên đất Việt yêu thương.
NGỌC NGÀ