(LĐ online) - Kể từ 19 giờ ngày 6/8, 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành (TP Đà Lạt) chính thực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ...
(LĐ online) - Kể từ 19 giờ ngày 6/8, 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành (TP Đà Lạt) chính thực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 3 ngày sau khi thực hiện, người dân 2 xã ngoại ô TP Đà Lạt này đã dần làm quen với các quy định, thực hiện nghiêm túc, cùng với chính quyền và ngành y tế quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Lực lượng dân quân tự vệ tham gia chở hàng hóa đến từng hộ dân |
Khi có khó khăn, tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tình thân nghĩa đồng bào như thể hiện sức mạnh tinh thần hơn bao giờ hết. Việc giãn cách không làm nên sự xa cách, các tổ Covid cộng đồng, đoàn thanh niên xã… đã nhanh chóng đưa lương thực và các mặt hàng thiết yếu để giúp người dân ở khu vực bị phong tỏa, cách ly.
Tình người giữa tâm dịch
3 ngày thực hiện giãn cách, người dân 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành vẫn chưa hết bàng hoàng khi tại địa phương phát hiện chùm ca lây nhiễm trong Công ty Sợi Đà Lạt. Cũng 3 ngày, bà con cùng trấn an nhau cùng bình tĩnh, phối hợp, hỗ trợ tối đa cho các lực lượng phòng chống dịch thực hiện nhiệm vụ.
Những ngày thực hiện giãn cách, 41 tổ Covid cộng đồng tại xã Xuân Trường và 26 tổ tại xã Trạm Hành làm việc hết công suất. Đây được xem là một trong những lực lượng hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống dịch. Không chỉ có nhiệm vụ hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, các tổ Covid cộng đồng còn giúp bà con các thôn điều phối lương thực, thực phẩm…
Từng vỉ trứng, từng bó rau, bao gạo… bà con các thôn của 2 xã chia nhau vượt qua lúc khó khăn. Chị Kim Thiên - Tổ Covid cộng đồng thôn Trường Vinh, xã Xuân Trường chia sẻ: “Khi thực hiện giãn cách, nhiều hộ dân trong xã vẫn còn khó khăn, chúng tôi cùng một vài hộ góp lại chia trứng, rau, gạo, rồi cùng chia nhau xin rau tại các nhà vườn cho các hộ khó… Tuy không nhiều nhưng tình làng nghĩa xóm lúc này hơn bao giờ hết, thương nhau lắm, giúp nhau cùng quyết tâm chống dịch”. Nói rồi chị lại tất bật chuẩn bị nấu cơm cùng các chị em phụ nữ để phục vụ các suất ăn miễn phí cho các lực lượng đứng chốt chống dịch.
Ngày đầu tiên thực hiện giãn cách, lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng trực nhiệm vụ tại chốt giữa xã Xuân Trường với xã Xuân Thọ cũng giúp đưa các nhu yếu phẩm thiết yếu của người nhà gởi qua các chốt, đến từng địa chỉ cần giúp đỡ.
Chủ tịch xã Xuân Trường Nguyễn Văn Thắng cho biết: Biết rằng cuộc sống của Nhân dân ban đầu sẽ gặp xáo trộn và khó khăn, chúng tôi đã vận động bà con thông cảm, bình tĩnh và cùng cố gắng. Đợt giãn cách này rất cần thiết để giảm nguy cơ dịch lây lan rộng hơn trong cộng đồng; giúp hệ thống y tế có thêm thời gian để tập trung cứu chữa cho những người bệnh đã mắc Covid-19… Tới hôm nay, bà con cơ bản đã ổn định dân sinh, các tổ Covid cộng đồng phát huy vai trò rất tốt, người dân trong xã cũng rất đồng lòng, thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị 16 và các quy định mà UBND tỉnh, TP Đà Lạt ban hành.
Lực lượng Công an phụ người dân vận chuyển nông sản tập kết tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên Quốc lộ 20 để đưa vào tiêu thụ trên địa bàn xã Xuân Trường. Ảnh: Chính Thành |
Màu áo xanh xung kích
Cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, màu áo xanh thanh niên cũng đang miệt mài “chiến đấu” chống dịch tại tâm vùng giãn cách cùng với các lực lượng.
Bí thư Đoàn xã Trạm Hành - Huỳnh Hữu Phước cho biết: Những ngày thực hiện giãn cách, trước mắt các đoàn viên của Đoàn xã đã đưa đồ ăn miễn phí đến hỗ trợ tại các hộ dân trong khu phong tỏa, cách ly. Ai gặp khó khăn chỉ cần liên hệ là lực lượng đoàn viên có mặt ngay để hỗ trợ bà con. Đồng thời, tại các điểm lấy mẫu test, các chốt, trạm… đều có 2 đoàn viên thay nhau trực chiến, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu.
Từ những ngày đầu chống dịch, lực lượng đoàn viên, thanh niên cùng chung sức lập nên một phòng tuyến áo xanh với đầy đủ các nhiệm vụ: Từ việc nhỏ như vác loa kéo, loa tay đi khắp các thôn, xóm để tuyên truyền cho Nhân dân; xây dựng các sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội; tham gia vào tổ Covid cộng đồng “đi từng ngõ gõ từng nhà”; đi xin hỗ trợ từng hộp khẩu trang, lọ nước khử khuẩn, chai nước lọc… phát miễn phí tại các điểm công cộng; vận chuyển đồ đạc, thức ăn vào các điểm cách ly; tham gia các chốt kiểm dịch, phong tỏa; đến những việc khó hơn như thành lập các chương trình vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, nấu cơm hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn; điều phối hướng dẫn người dân lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện nhập liệu thông tin của người dân liên quan đến tầm soát dịch; tham gia nghiên cứu các sản phẩm, thiết bị hỗ trợ phòng chống dịch… Ở mặt trận nào, lĩnh vực nào cũng có bóng áo xanh.
Từ tâm dịch, tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã lan tỏa trong toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, những giá trị tốt đẹp nhất của từng con người, từng thôn, xóm đang được nhân lên. Từ những hỗ trợ sức người, sức của của các tổ chức, cá nhân không những giúp Nhân dân có thêm nguồn lực chống dịch, mà còn là biểu hiện sinh động cho tinh thần đoàn kết chống dịch đang lan tỏa rộng khắp. Đó chính là tinh thần yêu nước, tương thân tương ái, là sức mạnh tinh thần, tiếp thêm niềm tin chiến thắng đại dịch.
DIỄM THƯƠNG