Giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp càng quan trọng khi đất nước tích cực xây dựng "xã hội học tập"...
Giáo dục thường xuyên (GDTX) và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) càng quan trọng khi đất nước tích cực xây dựng “xã hội học tập”, học tập suốt đời để đáp ứng nguồn nhân lực trước đòi hỏi phát triển và GDTX-GDNN Lâm Đồng đã và đang hòa vào dòng chảy đó.
|
Thí sinh hệ GDTX tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chung điểm thi với hệ THPT |
QUAN TRỌNG NHƯNG CÒN NHỮNG BẤT CẬP
Bất cập phản ánh từ các trung tâm GDNN - GDTX trên toàn quốc là trung tâm (TT) chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện; sự hướng dẫn thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Song 3 đơn vị này không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung. Thực tế, UBND cấp huyện không trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn nên không có cơ sở đánh giá cán bộ quản lý (CB), giáo viên (GV) hằng năm; không luân chuyển, điều phối, bố trí CB, GV được giữa các TT để hỗ trợ nhau về hoạt động chuyên môn.
Cũng do đó, không có một đầu mối quản lý chỉ đạo về con người, cơ sở vật chất, chuyên môn, nhằm hoạt động TT đạt hiệu quả hơn. Quy định chức năng của TT là 70% thuộc GDTX, 30% là GDNN. Sở LĐ-TB&XH không đủ chuyên môn nên không thể chỉ đạo về đào tạo văn hóa, nhưng Sở GDĐT có thể quản lý được chuyên môn GDNN như đã làm trước đây. Vì vậy, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 10/2021 quy định Sở GDĐT quản lý trực tiếp TTGDNN - GDTX là hợp lý, có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.
Năm 2020, Đề án “Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012 - 2020” được tổng kết 8 năm thực hiện. Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ GDĐT chủ trì xây dựng đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 1373. Tuy nhiên, nhận thức về công tác xây dựng XHHT ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức. Nhiệm vụ tới đây, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả đề án này còn là thực hiện Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2021 - 2030. Bộ GDĐT đã xác định nhiệm vụ cụ thể năm học 2021 - 2022 bao gồm: Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ (XMC) gắn kết quả bền vững và có chất lượng; chú trọng đổi mới công tác quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng tích cực phân cấp quản lý quyền tự chủ của các đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng đó, tăng cường công tác chỉ đạo; tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học viên; nâng cao chất lượng đội ngũ CB, GV, cộng tác viên; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018…
LÂM ĐỒNG CÓ NHIỀU TIẾN BỘ
Tỉnh Lâm Đồng hiện có một TTGDTX tỉnh, 11 TTGDNN-GDTX cấp huyện. Năm học 2021-2022, ưu điểm chung là các hoạt động xây dựng XHHT từ cơ sở được đẩy mạnh; hệ thống, mạng lưới cơ sở GDTX được quan tâm củng cố, kiện toàn, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; thực hiện quy chế, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục của các TT tiếp tục chú trọng, chất lượng duy trì ổn định; kết quả XMC tiếp tục giữ vững; các TT tin học, ngoại ngữ được quan tâm chấn chỉnh hoạt động; phát triển, xây dựng mô hình hoạt động các TT học tập cộng đồng (HTCĐ), đặc biệt xây dựng TT điểm được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Về TTGDTX tỉnh, CB, GV có 25/28 đạt chuẩn và trên chuẩn; 10 GV tham gia học và hoàn thành chứng chỉ GV THPT hạng 2; 100% CB, GV hoàn thành bồi dưỡng thường xuyên và 100% đạt từ loại Khá trở lên. Năm học 2020 - 2021, có 28 học sinh (HS) THCS, 274 HS THPT (tăng 170 HS lớp 10 so năm học trước nhờ liên kết). Duy trì sĩ số đạt 96,6% ở THCS, 82,3% ở THPT (giảm 6,7% do HS liên kết tuyển sinh bỏ học)... Giám đốc TT Trần Văn Thảo nhận xét: TT đã có những cố gắng khắc phục khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; nhiều kết quả đạt tốt... Bên cạnh đó, “Chất lượng giáo dục toàn diện chưa thật sự cao, học viên hệ GDTX chưa có những chuyển biến rõ nét, mộ số học viên còn lười học, ý thức học tập của nhiều học viên còn chưa tốt. Nhiều chức năng, nhiệm vụ của TT GDTX cấp tỉnh chưa được triển khai có hiệu quả, chưa thật sự ngang tầm với tiềm năng”, ông Thảo nói.
Với 11 TT GDNN-GDTX cấp huyện, đã có 7 TT thực hiện ổn định mô hình GDTX THPT kết hợp với GDNN. Đã chú ý đến đối tượng học viên là người dân tộc thiểu số, diện chính sách, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. GDTX toàn tỉnh Lâm Đồng khối THPT năm học 2020-2021 có 47 lớp với 1.332 HS. Kết quả tốt nghiệp 408/416 HS, tỷ lệ 98,08% (toàn tỉnh 99,73%); trong đó 4/8 TT GDTX-GDNN có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp 100%.
Tỉnh Lâm Đồng có 142 TT học tập cộng đồng (HTCĐ), đang từng bước ổn định và hoạt động hiệu quả. Một số TT tiêu biểu như xã Tân Hội, huyện Đức Trọng; Phường 7, thành phố Đà Lạt; xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai; xã Đinh Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên; xã Pró và xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương... Năm 2020, xếp loại “Cộng đồng học tập” có 43,7% loại Tốt, 42,3% Khá và 14,1% Trung bình...
ĐỂ PHÁT TRIỂN VÀ PHÁT HUY GDTX Ở LÂM ĐỒNG
Cùng những giải pháp phát huy các kết quả đã nêu, tiếp tục khắc phục những tồn tại và hạn chế. Đó là, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của các TT chưa đáp ứng được yêu cầu. Phòng học, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động thiếu. Tổ chức bộ máy, nguyên tắc bố trí biên chế, cơ chế tài chính chưa xác lập rõ nên hoạt động lúng túng, một số đơn vị gặp khó khăn. Phó giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Huỳnh Quang Long cho rằng: Nhìn chung việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các TT còn hạn hẹp, chủ yếu mới thực hiện công tác GDTX và hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông, các hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng thực hiện chưa nhiều. Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của các TT còn nhiều hạn chế.
Đối với TT HTCĐ, cơ sở vật chất, điều kiện, mô hình hoạt động cũng chưa đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy”; kỹ năng tác nghiệp của đội ngũ TT hạn chế; công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý còn lúng túng. Các TT chưa chủ động, tích cực tổ chức các lớp học, chuyên đề đáp ứng nhu cầu của người dân trong cộng đồng, hiệu quả hoạt động hạn chế. “Nhận thức của CBQL TT, đặc biệt là giám đốc về vai trò, vị trí của TT HTCĐ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương còn chưa đầy đủ nên chưa có sự đầu tư về thời gian, công sức và trí tuệ đúng mức cho nhiệm vụ tại TTHTCĐ”, ông Long nhận xét…
MINH ĐẠO