Giáo dục trung học - kết quả và định hướng

04:08, 06/08/2021

Kết thúc năm học 2020 - 2021, giáo dục trung học tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều kết quả của nhiệm vụ năm học, quan trọng hơn, đã và đang bắt kịp yêu cầu của chương trình đổi mới...

Kết thúc năm học 2020 - 2021, giáo dục trung học tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều kết quả của nhiệm vụ năm học, quan trọng hơn, đã và đang bắt kịp yêu cầu của chương trình đổi mới, trong đó đặc biệt là năm đầu tiên sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018).
 
Giáo viên Lâm Đồng bồi dưỡng chương trình lớp 6 để dạy học năm học 2021-2022
Giáo viên Lâm Đồng bồi dưỡng chương trình lớp 6 để dạy học năm học 2021-2022
 
Những kết quả làm nền tảng
 
Năm học 2020 - 2021, tỉnh Lâm Đồng có 59 trường THPT, THCS&THPT, 158 trường THCS, TH&THCS. Một trong những kết quả làm nền tảng là tỷ lệ đạt trường đạt chuẩn quốc gia 82%. Một ưu điểm khác của năm học qua là đầu tư các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành cơ bản đảm bảo thực hiện chủ trương tăng khả năng thực hành của HS; gắn lý thuyết với thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng đó, phòng học kiên cố, các phòng chức năng thực hiện chương trình giáo dục.
 
 Với những yếu tố tích cực trên, năm 2020, kết quả phổ cập THCS tỉnh Lâm Đồng phấn khởi. Số trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,42%; số học sinh (HS) lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 99,6%; số đối tượng trong độ tuổi 15 đến 18 có bằng tốt nghiệp THCS đạt 95,09%. Tổng số xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS tính đến tháng 12/2020 là 142/142, tỷ lệ 100 %. Trong đó, mức độ 1 đạt 100%; mức độ 2 đạt 97,2% và mức độ 3 đạt 52,8%. 12/12 huyện, thành phố đủ điều kiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS tháng 12/2020. Trong đó, mức độ 1 đạt 100%; mức độ 2 đạt 91,1% (trừ huyện Đam Rông) và mức độ 3 có thành phố Đà Lạt (chiếm 8,3%). Ở bậc THPT, kết quả thi tốt nghiệp đợt 1 của Lâm Đồng đạt 99,63%, tăng 0,09% so với năm học trước.
 
Khắc phục tồn tại, khó khăn đáp ứng giáo dục đổi mới
 
Nhìn lại những khó khăn, tồn tại của năm học 2020 - 2021 để có những giải pháp, biện pháp khắc phục trong năm học mới. Việc duy trì sĩ số ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân rõ nhất là điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình ít quan tâm đến việc học của con em mình. Cũng hạn chế ở vùng sâu, vùng khó khăn đó là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số địa bàn còn thiếu, chưa đúng chuẩn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Những khó khăn nêu trên cũng là trở ngại trong công tác phổ cập giáo dục THCS. Đó còn là việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS vẫn còn cao (83,41%) ở luồng 1 (học tiếp THPT); vào luồng 2, 3 (học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề) vẫn còn thấp. 
 
Để đạt chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục trung học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS, vấn đề cần khắc phục ở một số trường học là cần mạnh dạn để GV được chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới dạy học thông qua sự linh động, đổi mới quản lý của hiệu trưởng. Năng lực quản trị của cán bộ quản lý đòi hỏi nâng lên thì công tác tham mưu mới chủ động, tích cực và hiệu quả. Việc phân cấp quản lý tại một số địa phương còn bộc lộ chưa hợp lý, không phát huy được tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và sáng tạo của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Cũng cần nêu thêm, vấn đề thực hiện quy chế dân chủ trường học thời gian qua chưa thực sự tốt ở một số địa phương trong tỉnh. 
 
Đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS còn đòi hỏi các điều kiện cần và đủ ở giáo viên (GV). Đó là nắm vững và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, tránh máy móc, lạm dụng và đồng thời tránh lệ thuộc vào tiến trình các bài học trong sách giáo khoa. Chương trình giáo dục mới cần năng lực chủ động trong việc thiết kế tiến trình xây dựng kiến thức phù hợp với các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực của GV. Mặt khác, một trong những điểm mới và nổi bật của CT GDPT 2018 là tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở HS, do đó rất cần đến chiều sâu trong tổ chức, thực hiện của GV... Để tiếp cận đúng với đối tượng người học trong mối tương quan chương trình mới, GV cần đổi mới cách dạy và hình thức kiểm tra, đánh giá.
 
Năm học mới 2021 - 2022 chỉ còn tính bằng ngày. Cùng với toàn ngành, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tích cực triển khai các hoạt động. Đó là chuẩn bị tài liệu giáo dục địa phương lớp 6, tuy nhiên việc biên soạn đã chậm theo kế hoạch. Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi, “Hiện nay, Sở đang tích cực phối hợp với nhà xuất bản để đẩy nhanh tiến độ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 và các lớp tiếp theo theo lộ trình áp dụng Chương trình CT GDPT 2018”. Công tác tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho đội ngũ cán bộ và GV do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chưa chủ động được giữa các địa phương và nhà xuất bản trong triển khai, thực hiện. Riêng công tác rà soát đội ngũ, phân công GV giảng dạy các môn học/hoạt động giáo dục lớp 6 năm học 2021 - 2022 Sở GDĐT Lâm Đồng đã hoàn thành. Theo đó có 3.139 GV phụ trách 11 môn học, đảm bảo khai giảng năm học mới. Sở đã tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến theo kế hoạch của Bộ GDĐT. Tỷ lệ hoàn thành ở 3 mô đun bồi dưỡng đạt từ 90,8 - 99,8% đối với THCS và từ 82,9 - 99,9% đối với THPT; tỷ lệ hài lòng từ 90,8 - 96% ở THCS và 82,9 - 95,6% ở THPT. 
 
Chuẩn bị bước vào năm học 2021 - 2022, tỉnh Lâm Đồng cơ bản đã chủ động bằng nhiều ưu điểm, từ công tác bồi dưỡng, triển khai các giải pháp đổi mới trong quản lý và dạy học đến chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà... Trở ngại lớn nhất là cơ sở vật chất trường học chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Ngày 2/8/2021, Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi đã ký công văn đề nghị các đơn vị giáo dục và trường học thực hiện công tác chuẩn bị phương án dạy - học trong tình hình dịch COVID-19; đồng thời, tổ chức công tác kiểm tra lại và rèn luyện hè của HS. Những nội dung yêu cầu báo cáo trước ngày 10/8 để chủ động cho chuẩn bị đầu năm học mới. 
 
MINH ĐẠO