Một kỳ thi ''ngoạn mục''

04:08, 10/08/2021

Đó là Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 tỉnh Lâm Đồng. Khi tôi viết bài báo này thì Ban chấm thi chấm bài làm của 166 thí sinh thi đợt 2 đã bắt đầu, để khép lại một kỳ thi "ngoạn mục" trong đại dịch COVID. 

Đó là Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 tỉnh Lâm Đồng. Khi tôi viết bài báo này thì Ban chấm thi chấm bài làm của 166 thí sinh thi đợt 2 đã bắt đầu, để khép lại một kỳ thi “ngoạn mục” trong đại dịch COVID. 
 
Thí sinh Lâm Đồng sau buổi thi
Thí sinh Lâm Đồng sau buổi thi
 
Vui từ những con số
 
Đợt 1 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hội đồng thi tỉnh Lâm Đồng đạt kết quả rất cao, tỷ lệ 99,63%, với 13.653 thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh có 42 đơn vị đạt tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp 100%, gồm 38 trường THPT và 4 trung tâm GDTX-GDNN. Tỷ lệ tốt nghiệp tăng 0,09% so với năm học trước, xếp hạng 11 trên toàn quốc là những con số vui. 
 
Nhưng với tôi, niềm vui hơn nhiều khi đối sánh về độ lệch điểm trung bình cuối năm lớp 12 so với điểm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: tỉnh Lâm Đồng có 7/9 môn thi nằm trong top 10 toàn quốc về điểm chênh lệch thấp nhất (đợt 1). Cụ thể, môn Toán có 14.052 bài thi; trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT 6.810 điểm/trung bình điểm học bạ 7.174 điểm, chênh lệch 0.363 điểm (cả nước chênh lệch 0.825 điểm) và Lâm Đồng xếp hạng 5 toàn quốc. Cũng so sánh giữa điểm trung bình thi tốt nghiệp/điểm trung bình học bạ, các môn khác như sau: Môn Ngữ văn có 13.974 bài thi, thi 6.678 điểm/học bạ 6.743 điểm, chênh lệch 0.066 điểm (cả nước chênh lệch 0.660 điểm); Lâm Đồng xếp hạng 2. Môn Vật lý có 5.274 bài; thi 6.636 điểm/học bạ 6.741 điểm, chênh lệch 0.105 điểm (cả nước 0.915 điểm); xếp hạng 3 toàn quốc. Môn Hóa học có 5.280 bài thi, thi 6.789 điểm/học bạ 6.869; chênh lệch 0.08 điểm (cả nước 0.870 điểm); xếp hạng 6 toàn quốc. Môn Sinh học có 5.175 bài thi, thi 5.915 điểm/học bạ 6.784 điểm, chênh lệch 0.869 điểm (cả nước 2.070 điểm); xếp hạng 4 toàn quốc. Môn Lịch sử có 8.797 bài thi, thi 5.063 điểm/ học bạ 7.080 điểm, chênh lệch 2.016 điểm (cả nước 2.689 điểm); xếp hạng 11 toàn quốc. Môn Địa lý có 8.737 bài thi, thi 7.147 điểm/học bạ 7.529 điểm, chênh lệch 0.382 điểm (cả nước 0.900 điểm); xếp hạng 11 toàn quốc. Môn Giáo dục công dân có 8.228 bài thi, thi 8.457 điểm/ học bạ 8.196 điểm, chênh lệch -0.26 điểm; xếp hạng 36 toàn quốc. Môn tiếng Anh có 13.358 bài thi, thi 6.199 điểm/ học bạ 6.508 điểm; chênh lệch 0.309 điểm (cả nước 1.247 điểm) và Lâm Đồng xếp hạng 3 toàn quốc. 
 
Những con số trên đã cho thấy ý nghĩa nhiều mặt ở tỉnh Lâm Đồng: chất lượng giáo dục toàn khóa học THPT (2018 - 2021) từ tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá đến làm bài thi tốt nghiệp và kỳ thi diễn ra nghiêm túc... Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng, ông Huỳnh Quang Long chia sẻ niềm vui với tôi: “Không chỉ năm nay mà nhiều năm nay thế rồi đó anh”. Vâng, đáng được tự hào. Trong lúc, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều tai tiếng về tiêu cực ở một số tỉnh phía Bắc và kỳ thi năm 2021 này, phân tích từ các chuyên gia cho thấy một số địa phương nhờ “phao cứu sinh” đã đẩy tỷ lệ tốt nghiệp lên thêm 30%. Điển hình nhất là “phao cứu sinh” đã giúp tỉnh Hà Giang có thêm 41,73% thí sinh đỗ tốt nghiệp! Ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không dùng “phao cứu sinh” cao nhất với 92,99%; còn Đắk Nông tỷ lệ thấp nhất với 72,98%. Sự chênh lệch tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giữa không cần “phao” và cần “phao” ở những địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp là rất lớn: Đắk Nông chênh lệch cao nhất khu vực với 24,12%; Lâm Đồng thấp nhất là 6,64%; các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum chênh từ 16% đến gần 21%. 
 
Đến những quan tâm và sẻ chia
 
Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Lâm Đồng diễn ra, tôi có dịp theo các đoàn kiểm tra kỳ thi. Điều mà nhiều vị lãnh đạo đều ghi nhận, động viên, khích lệ và cả nhắc nhở với đội ngũ thực hiện nhiệm vụ kỳ thi, đó là Lâm Đồng có truyền thống thi nghiêm túc, cần tiếp tục phát huy. Năm nay, đó còn là vấn đề an toàn sức khỏe trong tình hình dịch COVID-19, luôn đặt lên hàng đầu. Tôi còn nhớ, buổi tập trung thí sinh làm thủ tục và nghe quy chế thi, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã tỏ rõ thái độ trước cảnh thí sinh đứng tụm lại nơi hành lang tại mộtđiểm thi. Ông nói với Giám đốc Sở GDĐT và đội ngũ coi thi: “Tôi rất không hài lòng trước tình trạng thiếu nghiêm chỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tôi yêu cầu ngành Giáo dục phải khẩn trương rà soát lại và chấn chỉnh ngay”. Và hôm sau, ngày thi đợt 1 chính thức diễn ra, công tác phòng, chống dịch ở các điểm thi nghiêm túc thấy rõ.   
 
Mới đây, sáng ngày 5/8, cùng Trưởng Ban coi thi, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng, ông Huỳnh Quang Long kiểm tra một điểm thi đợt 2 cách Đà Lạt hơn 30 km, điểm thi Trường THCS - THPT Đạ Nhim, huyện Lạc Dương. Không có thí sinh tỉnh Lâm Đồng mà là 15 thí sinh của tỉnh Khánh Hòa gửi lên. Ông Long nói với tôi: “Mình chuyển điểm thi vào đây để các em từ Khánh Hòa lên cho đỡ di chuyển xa, vất vả. Mình cũng sắp xếp, bố trí nơi nghỉ cho các em ngay trong trường để an toàn anh ạ”. Mọi việc đã chu toàn. Trước đó, lãnh đạo huyện Lạc Dương chỉ đạo Đội Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn, cứu hộ của huyện triển khai phun dung dịch sát khuẩn… 
 
Rời xã Đạ Nhim, Đoàn do Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, nhanh chóng xuyên mưa xuôi hướng nam, đến điểm thi Trường THPT Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, giáp tỉnh Bình Thuận. Lãnh đạo huyện và xã có mặt để báo cáo lần cuối công tác chuẩn bị. Thí sinh ở xa như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Lạt… dự thi được bố trí nhà nghỉ gần đó… Đoàn tiếp tục xuôi về huyện cuối của tỉnh, giáp tỉnh Đồng Nai, điểm thi Trường THPT Đạ Tẻh. Tại đây, Bí thư Huyện ủy Tôn Thiện Đồng - người vừa được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho tôi biết, sáng họp Hội đồng ở Đà Lạt xong ông lên ô tô xuống ngay Đạ Tẻh. Đoàn kiểm tra thi dừng lâu tại phòng thi nơi ngày mai có một thí sinh dự thi, đó là Nguyễn Văn Hướng, sinh năm 1978, đã tốt nghiệp THPT, từ tỉnh Đắk Nông sang thi. Tỉnh Đắk Nông gửi 5 thí sinh qua Lâm Đồng thi, nhưng đến ngày cuối, do áp dụng phong tỏa phòng, chống dịch COVID-19, chỉ còn mình Hướng quyết tâm qua thi. Hướng thi 3 môn Toán, Hóa, Sinh để lấy điểm xét tuyển đại học ngành y. Đoàn kiểm tra nhắc nhở lãnh đạo điểm thi và địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch và tạo điều kiện thuận lợi nhất để động viên thí sinh đặc biệt này yên tâm làm bài tốt. Phòng thi có lối đi riêng, tất cả người phục vụ thi đều mặc đồ bảo hộ. Nguyễn Văn Hướng đã kết thúc kỳ thi an toàn và hài lòng. Trưởng Ban chỉ đạo thi, TS. Phạm S nhắn tin cho tôi: “Thông tin đến bạn đọc về trường hợp thí sinh Hướng thi một mình sẽ góp phần khích lệ cho nhiều học sinh khác về tinh thần nỗ lực học tập. Tất cả tuyệt đối an toàn về chuyên môn và về phòng, chống dịch, Ban chỉ đạo kỳ thi rất vui kết quả này”.
 
Đại diện Đoàn kiểm tra thi của Bộ GDĐT cũng nhận xét với tôi: “Lâm Đồng đã tổ chức một kỳ thi hoàn hảo cả 2 đợt, nghiêm túc, rất an toàn và chu toàn đối với các thí sinh các địa phương ngoài đến tham dự”. Vâng, thành công của một kỳ thi quốc gia trong tình hình dạy và học, tổ chức thi, đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVD-19 đã chứng minh sự chung tay hiệu quả của nhiều người, từ học sinh, thầy, cô giáo, Nhân dân đến nhiều sở, ngành, cơ quan, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã… ở Lâm Đồng. Một kết quả ngọt và sinh động về “học thật, thi thật”. 
 
Ghi chép: MINH ĐẠO