Một ngày trong khu cách ly

08:08, 21/08/2021

(LĐ online) - Xuân Trường, Trạm Hành là 2 xã vùng ven của TP Đà Lạt đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau khi phát hiện những công nhân đầu tiên của nhà máy sợi, có trụ sở đặt tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, mắc Covid-19...

(LĐ online) - Xuân Trường, Trạm Hành là 2 xã vùng ven của TP Đà Lạt đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau khi phát hiện những công nhân đầu tiên của nhà máy sợi, có trụ sở đặt tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, mắc Covid-19. Cuộc sống của người dân từ đó có khá nhiều thay đổi, rất nhiều người dân của vùng này đã trở thành F1 và F0. 
 
Ba mẹ con thư giãn bằng ipad trong khi cách ly
Ba mẹ con thư giãn bằng ipad trong khi cách ly
 
Anh Thành Công chia sẻ, đã vào sống trong khu cách ly được 12 ngày, sau khi tiếp xúc gần với một F0 là người nhà của một trong số những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Công ty Sợi Đà Lạt ở Trạm Hành. Sau khi xét nghiệm và có kết quả âm tính, anh được chuyển vào Trường Mầm non xã Trạm Hành, cách nhà khoảng 300 mét để cách ly tập trung. 
 
Những ngày trong khu cách ly, mọi hỗ trợ y tế, cơ sở hạ tầng khá thoải mái do tình hình dịch bệnh tại Lâm Đồng vẫn được kiểm soát khá tốt, nhưng anh Công cho biết cũng khá thấm thía ảnh hưởng của đại dịch khi liên tục nghe tin người trong thôn, trong xã, bạn bè của mình bị nhiễm bệnh và rất nhiều người trở thành F1, F2. Và cảm giác khó chịu nhất là những người mình tiếp xúc trước đó cũng trở thành F2 và phải tự cách ly y tế tại nhà. 
 
Anh cho biết, ngày đầu tiên khi vào khu cách ly, phòng anh chỉ có 1 mình, đêm nằm cảm thấy sợ vì vắng vẻ và tiếng thạch sùng kêu. 2 ngày sau, phòng có thêm một số người khác, có cả 2 trẻ em cũng đi cách ly cùng ba mẹ. Mặc dù vậy, thì 2, 3 ngày đầu trong phòng vẫn khá yên tĩnh. Mỗi người nằm một góc cách khá xa nhau, luôn mang khẩu trang và thường trực tâm lý “đề phòng”, không lại gần vì chẳng biết chuyện gì xảy ra. Những ngày đầu trôi qua với những lo lắng cho sức khoẻ của bản thân cũng như cho những người mình đã tiếp xúc.
 
Nhưng vài ngày trôi qua, cảm giác lo lắng, khó chịu, giữ ý cũng dần vơi đi, mọi người bắt đầu làm quen, quan tâm hỏi han sức khoẻ nhau nhiều hơn. Tự giác chia nhau giữ gìn vệ sinh trong phòng. Các phòng cũng đều phân lịch trực để giữ gìn vệ phần hiên trước cửa phòng. Các cô, chú lớn tuổi hơn thường dậy sớm mỗi sáng thường nhận phần chăm sóc hoa cây cảnh đặt ở hành lang khu cách ly như một cách để thư giãn, tạo niềm vui. 
 
Mỗi ngày, có nhân viên y tế đến đo nhiệt độ 2 lần và được phục vụ 3 bữa ăn chính, kèm với sữa và viên C. Mỗi khẩu phần ăn được nhân viên mang đến tận cửa phòng để riêng, đặt sẵn trước phòng. Các bữa ăn cũng được nấu khá hợp khẩu vị, đầy đủ dưỡng chất. Mọi người trong phòng cũng được nhắc nhở thay phiên nhau ra hiên phơi nắng và tập thể dục mỗi ngày.
 
Cuộc sống ở khu cách ly tập trung ở xã vùng ven đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có lẽ với mỗi người sẽ là một cảm xúc khác nhau, bởi những lo toan trong cuộc sống của mỗi người cũng khác nhau. Nhưng anh Công chia sẻ rằng, cảm nhận lớn nhất những ngày này của anh đó là tình cảm giữa con người với nhau. “Những người đang phải cách ly như chúng tôi không bị bỏ quên, không hề cô đơn và lạc lõng. Xung quanh chúng tôi vẫn luôn có sự hỗ trợ của đội ngũ y tế, và cả rất nhiều những tấm lòng, sự giúp đỡ, đùm bọc của cộng đồng. Thật cảm động và biết ơn khi mỗi ngày thức dậy ở một nơi không phải là nhà mình, không có người thân bên cạnh, nhưng lại thường xuyên được nghe chiếc loa trong khu cách ly đều đều phát thông báo nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của các nhà hảo tâm ở nhiều nơi; được chứng kiến các y bác sỹ và những người nấu ăn, nhân viên thu gom rác thải tất bật lo toan cho sức khoẻ của mình. Chúng tôi rất biết ơn vì những điều này”. 
 
NGUYÊN THI – THÀNH CÔNG