(LĐ online) - Những bức thư, dòng cảm tưởng xúc động của những công dân ở các khu cách ly y tế tập trung chính là "liều thuốc tinh thần" động viên cho những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
(LĐ online) - Những bức thư, dòng cảm tưởng xúc động của những công dân ở các khu cách ly y tế tập trung chính là "liều thuốc tinh thần" động viên cho những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
|
Lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly |
ẤM ÁP NHỮNG DÒNG THƯ VIẾT VỘI
Ngày 12/8, sau những ngày cách ly tập trung, 40 công dân thuộc diện F1, được cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung Trường Mầm non Phú Hội (huyện Đức Trọng) chính thức hết thời gian cách ly.
Kết thúc đợt cách ly này, nhiều công dân đã không khỏi xúc động và đã có rất nhiều thư cảm ơn gửi đến những cán bộ, chiến sĩ quân đội, những cán bộ y tế đang lặng thầm ở tuyến đầu chống dịch. Trong số hàng chục bức thư mà chúng tôi được đọc, có bức thư của một cô giáo ở TP Hồ Chí Minh, có thư của bà con giáo dân, hay thư của một em nhỏ 7 tuổi...
Với cô giáo P.T.S về từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh, cảm xúc trong những ngày cách ly là kỷ niệm khó quên. Bức thư của cô giáo S. có đoạn viết: “... Chúng tôi từ vùng dịch trở về với bao vất vả, lo âu và một chút sợ hãi. Lo vì không biết mình cách ly có được chia sẻ, thăm lo, ân cần, một cách nhìn thiện cảm hay không? Nhưng quả thật, sự lo ngại của tôi được tan biến đi trong từng ngày. Từ lúc bước lên xe cứu thương để vào khu cách ly, chúng tôi nhận được sự ân cần, chỉ bảo từ các anh trong đội y tế, cũng như các cô y tế đo thân nhiệt, hướng dẫn phòng ở. Dù trong đêm khuya lạnh giá nhưng trong tôi lại được ấm dần lên sau một ngày vất vả di chuyển... Rất cảm ơn những người thầm lặng, cảm ơn anh thủ trưởng đơn vị vui tính, nhiệt tâm, tận tình chăm lo tâm tư nguyện vọng cho anh em chúng tôi. Cảm ơn các y, bác sĩ nhiệt tình, nhẹ nhàng thăm hỏi sức khỏe. Cảm ơn anh chị nhà bếp rất có tâm, chuẩn bị những món ăn ngon, đầy dưỡng chất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được những viên C sủi, sữa cho các bé để nâng cao sức đề kháng...”.
Bác T.T.D – là một giáo dân, ngụ tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, viết: “Thời gian tôi ở khu cách ly này, tôi và tất cả mọi người được các cán bộ, y tá, anh chị em chăm sóc rất tận tình. Tôi được các cô y tá như những đứa con chăm lo cho người mẹ của mình, tôi xin thành thật cảm ơn”. Còn cô bé 7 tuổi L.Q.T thì xúc động viết: “Các cô chú rất thân thiện, luôn quan tâm và chăm sóc tất cả mọi người ở đây thực hiện cách ly như con để tất cả mọi người có sức khỏe” và con cũng không quên cảm ơn các cô, các chú y, bác sĩ, quân đội, công an và các cô chú nhà bếp.
Trung tá Trương Kỳ Bảo - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Trọng, Chỉ huy khu cách ly tập trung Trường Mầm non Phú Hội bộc bạch, khi đọc những dòng tâm sự trong thư của các cô, chú lớn tuổi cảm giác rưng rưng, cay cay ở khóe mắt, như nhận được lá thư của người thân từ thư quê nhà, rồi sau đó, cảm xúc vỡ òa khi có một lá thư khác muốn gặp trực tiếp anh em cán bộ để tri ân, để được cầm tay cảm ơn nhưng không thể vì phải thực hiện 5K... Một thứ tình cảm khó cắt nghĩa lắm, vừa là tình cảm của một gia đình nhỏ bé của riêng mình, vừa bao la và thiêng liêng của nghĩa tình "đồng bào" trong hoàn cảnh nan nguy. Lời dặn dò, chia sẻ chân thành, sự luyến lưu của sự chia tay của người đi, kẻ ở.. “Khi đọc hết những dòng thư của mọi người, tôi đã tự dặn mình cùng anh em đồng đội rằng những lời trong những lá thư ấy là đại diện cho lời căn dặn, gửi gắm niềm tin của "Nhân dân", là "mệnh lệnh từ trái tim"... Để bản thân tiếp tục vững bước nhiệm vụ trong khu cách ly là phục vụ Nhân dân...” - anh Bảo chia sẻ.
|
Trung tá Trương Kỳ Bảo đang hớt tóc cho các y, bác sỹ tại khu cách ly |
CÔNG VIỆC LẶNG THẦM
Từ lúc khu cách ly tập trung Trường Mầm non Phú Hội được kích hoạt, có 11 cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp làm nhiệm vụ tại đây. Việc đầu tiên Ban điều hành khu cách ly phải làm sau khi tiếp nhận công dân vào cách ly là tuyên truyền để mọi người không hoang mang, lo lắng. Song song với đó là phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho các công dân. Với nhiệm vụ được phân công, dưới thời tiết oi bức, nắng, mưa thất thường, các y, bác sỹ, lực lượng công an, bộ đội tại tổ cách ly luôn phải mặc trang phục bảo hộ làm việc trong nhiều giờ. Dù mỏi mệt nhưng họ luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Trung tá Bảo cho biết thêm, trong thời gian qua, khu cách ly đã nhận được rất sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Số rau, củ, quả được nhận thì nhà bếp đã bổ sung vào bữa ăn hàng ngày của công dân; riêng tiền nhận được thì Ban điều hành có thông báo cho bà con biết và dùng số tiền này để mua thêm C cho người lớn và sữa cho các cháu nhỏ. Ngoài ra, hàng ngày, Ban điều hành khu cách ly còn mở chương trình thời sự phát trên loa truyền thanh nội bộ để bà con nắm được thông tin thời sự. Bên cạnh đó, ban điều hành khu cách ly cũng làm bản tin nội bộ, trung bình 3 ngày/1 bản tin...
Trung tá Bảo cũng kể thêm rằng, từ lúc nhận nhiệm vụ tại đây, anh được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Đó là câu chuyện về bác Thành, một công dân trong khu cách ly sau khi biết đến hoàn cảnh của 3 mẹ con chị Hoa đi làm thuê ở Long An về, vào cách ly tại đây nhưng không có tiền để đóng tiền ăn thông qua bản tin nội bộ hàng ngày trong khu cách ly, bác Thành đã hỗ trợ cho 3 mẹ con chị Hoa 3 triệu đồng. Hay đó còn là câu chuyện của những thanh niên trong khu cách ly khi chứng kiến những vất vả của lực lượng làm nhiệm vụ đã xin tình nguyện được đỡ đần, chia sẻ nhưng theo quy định phòng chống dịch thì không được.
Vượt qua những bỡ ngỡ, lo lắng lúc ban đầu, những ngày trong khu cách ly tập trung là những ngày đáng nhớ đối với không riêng các công dân, mà còn cả với những người đang làm nhiệm vụ tại đây. Xin mượn những dòng thư của H.Y.N gửi các cán bộ chiến sĩ tại đây, sau khi hoàn thành cách ly để kết thúc bài viết này: “Cảm ơn rất nhiều đến tất cả mọi người, anh em chiến sĩ, cán bộ y tế, những anh chị nhà bếp đã rất nhiệt tình và chu đáo. Các anh chị em đã không ngại khó, ngại khổ, không ngại nguy hiểm để có thể gần gũi với tất cả mọi người. Ấm lòng với tình cảm đó, chúng ta như một gia đình, yêu thương, chăm sóc nhau. Những bữa cơm gia đình thật đặc biệt...”.
NHẬT MINH