(LĐ online) - Sau 4 ngày (từ 24 đến 27/8) tình nguyện vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, 50 bác sĩ, điều dưỡng đến từ Lâm Đồng đang cùng y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị Covid-19 số 1 TP Hồ Chí Minh nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm chung tay bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
(LĐ online) - Sau 4 ngày (từ 24 đến 27/8) tình nguyện vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, 50 bác sĩ, điều dưỡng đến từ Lâm Đồng đang cùng y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị Covid-19 số 1 TP Hồ Chí Minh nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm chung tay bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
|
Các y, bác sĩ tỉnh Lâm Đồng trước giờ vào ca trực điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Ngọc Hoan |
Họ là 10 bác sĩ, và 40 điều dưỡng thuộc các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xung phong tình nguyện tạm rời xa gia đình, người thân lên đường về TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Sau khi có mặt và nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (TP Thủ Đức), 50 bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh Lâm Đồng cùng các đồng nghiệp đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang làm tất cả những gì có thể để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Tại đây, dù phải làm việc với công suất gấp nhiều lần so với bình thường, nhưng tinh thần của các “chiến binh” áo trắng luôn vững vàng. Tất cả họ đều xác định cùng chung tay chạy đua với thời gian để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 sớm khỏi bệnh là quan trọng nhất.
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, điều dưỡng Đinh Ngọc Hoan, công tác tại Bệnh viện II Lâm Đồng, nói vội: “Hơn lúc nào hết, tất cả các F0 được thu dung điều trị tại đây lúc nào cũng cần y, bác sĩ bên cạnh để chữa trị, chăm sóc. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là thương xuyên giúp các bệnh nhân kéo hơi thở của họ về trạng thái bình thường khi họ khó thở hay ho nhiều…”.
Cũng theo điều dưỡng Hoan, tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến này, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ luôn tự nhủ bản thân phải xem các bệnh nhân như người thân của mình. Để từ đó điều trị, chăm sóc tốt nhất giúp họ sớm khỏi bệnh trở về đoàn tụ với gia đình, người thân.
Bác sĩ Nguyễn Duy Tân, công tác tại Bệnh viện II Lâm Đồng đang chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh, chia sẻ nhanh qua điện thoại: “Trong mỗi ca trực, các bác sĩ, điều dưỡng đến từ Lâm Đồng được bố trí chung ê kíp 9 người. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng tôi hỗ trợ nhau trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân. Có những thời điểm nhiều bệnh nhân cần hỗ trợ cùng lúc, chúng tôi chia nhau xử lý nhanh từng trường hợp”.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Duy Tân và điều dưỡng Đinh Ngọc Hoan, hầu như các F0 lúc mới vào Bệnh viện dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh đều có chung tâm trạng lo lắng, bất an dẫn đến lo sợ, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Do đó, ngoài nhiệm vụ điều trị cứu chữa cho bệnh nhân, thì đội ngũ y, bác sĩ phải thường xuyên tiếp cận bệnh nhân để an ủi, tư vấn từ đó giảm sự căng thẳng cho họ.
Đối với 50 bác sĩ, điều dưỡng Lâm Đồng nói riêng và hàng trăm y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh nói chung, mỗi lần vào ca trực là họ thể hiện quyết tâm, ý chí và trách nhiệm cao nhất của bản thân để chung tay đánh thắng “giặc” Covid-19. Trong môi trường luôn đối diện với vất vả, nguy hiểm nhưng mỗi y, bác sĩ vững vàng ý chí và nghị lực để dốc tâm sức điều trị, chăm sóc với quyết tâm cao nhất cứu bệnh nhân qua những cơn nguy kịch, hạn chế tối đã các trường hợp F0 diễn biến nặng dẫn đến tử vong.
Tin rằng, với sực tiếp sức của nhiều lực lượng trên khắp mọi miền Tổ quốc; trong đó, có những “chiến binh” áo trắng và các lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên và Nhân dân Lâm Đồng sẽ góp phần giúp các tâm dịch như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… sớm khống chế, chiến thắng đại dịch Covid-19.
KHÁNH PHÚC