Hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng như một nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt tư tưởng, phổ biến pháp luật... góp phần gắn kết cộng đồng, có thể ví như "mái đình" cộng đồng thời hiện đại.
Hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng như một nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt tư tưởng, phổ biến pháp luật... góp phần gắn kết cộng đồng, có thể ví như “mái đình” cộng đồng thời hiện đại.
|
Thiết chế văn hóa còn là nơi gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. (Ảnh chụp tại Nhà văn hóa Bảo Lâm trước ngày 27/4/2021) |
Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là một nội dung trọng tâm của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa suốt 20 năm qua. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm và tạo được sự đồng thuận, chung sức của Nhân dân. Số lượng và chất lượng thiết chế văn hóa, thể thao không ngừng phát triển đồng bộ. Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, toàn tỉnh hiện có 12/12 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện; 109/111 nhà văn hóa cấp xã, 834/871 nhà văn hóa thôn. Trong đó, có 11/12 nhà văn hóa cấp huyện, 101/109 nhà văn hóa cấp xã, 715/734 nhà văn hóa thôn đạt 4 tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch về: diện tích đất, quy mô xây dựng, trang thiết bị hoạt động, tổ chức hoạt động.
Cụ thể, 12/12 trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao (VH-TT-TT) các huyện, thành phố; trong đó, có 10/12 trung tâm VH-TT-TT đã xây dựng; 1 trung tâm VH-TT-TT cấp huyện đang xây dựng (Cát Tiên); còn lại Trung tâm VH-TT-TT thành phố Đà Lạt hiện được bố trí tạm thời tại các phòng thuộc Quảng trường Lâm Viên. Các trung tâm VH-TT-TT các huyện, thành phố đều đạt tiêu chuẩn diện tích xây dựng, có hội trường, phòng làm việc và các công trình thể thao, công trình phụ,...; chỉ còn một số huyện chưa đủ công trình thể thao theo quy định như nhà thi đấu đa năng, bể bơi. Hệ thống trang thiết bị như bàn ghế, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, trang phục, đặc biệt là hệ thống xe chuyên dùng, dụng cụ tập luyện và thi đấu thể thao được trang bị khá đầy đủ. Hiện tại, trên 80% cán bộ, viên chức của các trung tâm có trình độ đại học, trên đại học, còn lại là cao đẳng, trung cấp, đảm bảo cho các trung tâm VH-TT-TT cấp huyện hoạt động sôi nổi. Ngoài những nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tại chỗ và lưu động về thông tin, tuyên truyền - cổ động, triển lãm, tuyên truyền trực quan; biên soạn, in ấn tài liệu thông tin, tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn về phương pháp công tác văn hóa, văn nghệ cho cán bộ văn hóa cơ sở...; hàng năm các trung tâm VH-TT-TT các huyện, thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, giải đấu TDTT, lễ hội truyền thống, xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ văn thể mỹ, nhóm sở thích, các lớp năng khiếu về nghệ thuật. Tổ chức các hoạt động thường xuyên của thư viện huyện, mở cửa 3 buổi/tuần phục vụ đông đảo bạn đọc, thường xuyên thực hiện chế độ luân chuyển sách phục vụ độc giả tại các nhà văn hóa xã, điểm bưu điện văn hóa xã, các trường học trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương tới đông đảo quần chúng nhân dân bằng các hình thức: Biểu diễn văn nghệ thông tin lưu động, chiếu phim lưu động, cổ động trực quan, loa lưu động...
Trong số 109/111 xã có nhà văn hóa (98,2%) thì có 101 nhà văn hóa xã cơ bản đạt chuẩn theo quy định về diện tích quy hoạch, quy mô xây dựng. Các nhà văn hóa xã đều có các phòng chức năng, công trình phụ trợ và cơ sở vật chất trang thiết bị đảm bảo tổ chức các hoạt động cộng đồng thường xuyên, thu hút được đông đảo Nhân dân đến tham gia. 100% cán bộ quản lý thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn có trình độ từ trung cấp trở lên. Phần lớn các xã, thị trấn đã bố trí được khu thể thao bao gồm các sân bóng chuyền, cầu lông đơn giản, các khu vui chơi giải trí phục vụ người già và trẻ em, trong đó một số xã, phường, thị trấn có trang bị các trò chơi thiếu nhi và một số trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em và người cao tuổi; hầu hết các xã đều có sân vận động. Hàng năm hệ thống thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn tổ chức từ 5 - 7 buổi tuyên truyền phục vụ các hoạt động chính trị; 2 - 3 cuộc liên hoan văn hóa, văn nghệ; 4 - 6 cuộc thi đấu thể dục, thể thao truyền thống; đồng thời duy trì thường xuyên mô hình hoạt động của các câu lạc bộ gia đình văn hóa cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống.
Trong 834/871 thôn có nhà văn hóa (95,75%) với diện tích không đồng đều thì có 715 thôn có nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn theo quy định về diện tích, quy mô xây dựng. Đa số các thôn đã bố trí được các khu thể thao đơn giản (sân bóng chuyền). Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động được trang bị đầy đủ; đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn đã góp phần làm cho hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng hiệu quả.
Ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Việc nỗ lực xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã góp phần quan trọng đối với đời sống, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển ngày càng hiệu quả và chất lượng, tạo sự đa dạng, phong phú của các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, người già, ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động đưa văn hóa về cơ sở, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng điều hành và tổ chức các hoạt động thiết thực, sát với cơ sở, văn hóa cộng đồng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở. Từ đó, đưa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thực sự trở thành địa chỉ văn hóa thân thuộc gắn bó - nơi giao lưu, sáng tạo, rèn luyện cả về thể chế lẫn tinh thần cho người dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu vực dân cư.
QUỲNH UYỂN