Đọc sách là con đường nhanh nhất giúp con người tiếp thu kho tàng tri thức của nhân loại...
Đọc sách là con đường nhanh nhất giúp con người tiếp thu kho tàng tri thức của nhân loại. Trong thời đại truyền thông số, ngày càng ít người tìm đến sách thì việc hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đang ngày càng trở nên cấp thiết.
|
Xe thư viện lưu động đa phương tiện chở “Ánh sáng tri thức” về với học sinh vùng sâu, vùng xa Tân Thanh - Lâm Hà |
Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, những năm qua, Thư viện Lâm Đồng không ngừng đổi mới hoạt động, mở rộng liên kết với các nhà xuất bản, nhà sách làm phong phú nguồn tài liệu, nâng cao số lượng, chất lượng sách, báo tạp chí. Để văn hóa đọc phát triển bền vững, lan tỏa trong cộng đồng, Thư viện tỉnh đã quan tâm phối hợp xây dựng các “Góc đọc sách”, “Thư viện xanh” tại các trường học, tạo nên không gian đọc thân thiện để các em được làm quen với sách, biết cách chọn sách, phương pháp đọc sách hiệu quả từ khi còn nhỏ. Qua đó, hỗ trợ học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, khơi dậy niềm đam mê đọc sách.
Với phương châm “Sách tìm bạn đọc”, Thư viện tỉnh đã phát triển và nhân rộng việc luân chuyển sách, báo để bạn đọc ở các huyện, thành được tiếp cận với nhiều cuốn sách hay. Thư viện tỉnh hiện có hơn 1 triệu bản sách phục vụ bạn đọc với đầy đủ các thể loại: Văn học, lịch sử, khoa học, tự nhiên, xã hội, chính trị, luật, sách tiếng Anh, báo, tạp chí… và các loại sách, truyện dành cho thiếu nhi. Hàng năm phục vụ từ 250 - 300 ngàn lượt bạn đọc và các thư viện cấp huyện phục vụ khoảng gần 400 ngàn lượt bạn đọc/năm. Năm qua, Thư viện tỉnh đã luân chuyển hơn 900 ngàn lượt sách, báo đến thư viện các huyện và các tủ sách cơ sở để độc giả tiếp cận được nhiều ấn phẩm hơn. Đồng thời, thực hiện hơn 50 chuyến phục vụ các trường học trong toàn tỉnh bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện trong “Hành trình tri thức và mùa xuân”. Thư viện đã phối hợp với các ngành, các đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về sách như: Vẽ tranh theo sách, kể chuyện theo sách, giới thiệu sách; Hội thi “Viết cảm nhận về sách”; trưng bày tư liệu, xếp sách nghệ thuật nhân Ngày Sách Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4)...... Thông qua đó tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu hơn về các loại sách, lợi ích của việc đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Năm 2020 là năm đầu tiên Thư viện tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” với nội dung chia sẻ về một cuốn sách mà em yêu thích, một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của các em; hoặc sáng tác một tác phẩm, viết tiếp lời cho một câu chuyện… Từ các hoạt động đó đã góp phần lan tỏa tình yêu sách trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ.
Trong thời đại ngày nay, văn hóa đọc không chỉ là đọc sách in truyền thống mà rất nhiều độc giả đã chuyển sang phương thức hiện đại hơn, vì thế đọc sách trực tuyến đã trở nên phổ biến. Bà Vũ Thị Hạnh - Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Để bắt kịp xu thế đọc sách hiện nay, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, thu hút bạn đọc, Thư viện Lâm Đồng đang tiếp tục xây dựng “Thư viện điện tử”. Hiện nay, chúng tôi đã dần số hóa các tài liệu về chính trị, địa lý, kinh tế... của tỉnh, tạo thuận lợi cho độc giả khai thác thông tin, tra cứu tài liệu trực tuyến và sẽ tiếp tục thực hiện số hóa nhiều cuốn sách hay, có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học kỹ thuật, góp phần phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số. Thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới, mọi hoạt động của Thư viện tỉnh và cả hệ thống thư viện công cộng sẽ hướng tới mục tiêu chung là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Cụ thể, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu 80% trường phổ thông các cấp, 100% trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp trong tỉnh đưa việc giáo dục kiến thức về sách, kỹ năng đọc, tìm thông tin vào chương trình giảng dạy; duy trì 90% học sinh, sinh viên có thói quen đọc và sử dụng thư viện phục vụ học tập, tìm hiểu, giải trí; 30% trở lên người dân địa phương sử dụng các dịch vụ thư viện công cộng; 70% cán bộ, công chức, viên chức có thói quen đọc sách, sử dụng thư viện phục vụ cho học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Xây dựng một “Đường sách” tại Đà Lạt để đưa sách đến gần hơn với bạn đọc. Phấn đấu 100% nhà văn hóa xã phục vụ sách báo thường xuyên; Thư viện tỉnh và 11 thư viện cấp huyện được đầu tư nâng cấp với trang thiết bị đồng bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Quan tâm bổ sung nguồn tài liệu chất lượng, phấn đấu đạt mức hưởng thụ sách đạt 1 bản/người dân trong hệ thống thư viện công cộng, mỗi người dân trung bình đọc 3 cuốn sách/năm. Bên cạnh hệ thống thư viện công cộng, khuyến khích phát triển hệ thống thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học. Tiếp tục các hoạt động phục vụ lưu động đưa sách đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa đọc...
QUỲNH UYỂN