Sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch COVID-19

04:08, 24/08/2021

Với mục đích chủ động ngăn chặn, không để bị động trước dịch bệnh COVID-19, các địa phương trong tỉnh đã đề ra các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan trong tình huống có các ca F0 xuất hiện trong cộng đồng.

Với mục đích chủ động ngăn chặn, không để bị động trước dịch bệnh COVID-19, các địa phương trong tỉnh đã đề ra các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan trong tình huống có các ca F0 xuất hiện trong cộng đồng.
 
Lực lượng chức năng kiểm tra các xe tải ra - vào chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại Quốc lộ 20 đoạn giáp ranh xã Trạm Hành và Xuân Thọ, TP Đà Lạt
Lực lượng chức năng kiểm tra các xe tải ra - vào chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại Quốc lộ 20 đoạn giáp ranh xã Trạm Hành và Xuân Thọ, TP Đà Lạt
 
Ngay từ ngày 11/8, thời điểm TP Đà Lạt có một số ca nghi nhiễm trong cộng đồng nhưng may mắn là tới sáng 12/8, ngành y tế báo cáo kết quả truy vết F0 khả quan. Thường trực Tỉnh ủy sau đó đã có buổi làm việc đột xuất với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và quyết định không giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn thành phố Đà Lạt, không áp dụng Chỉ thị 15 đối với 4 huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. 
 
Tuy nhiên, để chuẩn bị chủ động ứng phó với tình huống xấu hơn, ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, thành phố đã lên kịch bản chi tiết, kế hoạch đảm bảo giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong kế hoạch dự phòng ở cấp độ của Chỉ thị 16, TP Đà Lạt yêu cầu hạn chế tối đa việc người dân ra đường, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người trở lên ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, công trường, xây dựng. 
 
Thực hiện nghiêm quy định 5K và giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các điểm công cộng. Yêu cầu tạm dừng tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, trừ siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa thiết yếu, cửa hàng thuốc, vật tư y tế, hoạt động xuất, nhập hàng hóa,… Các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát, không cho người dân ra đường, nếu không phải trường hợp thật sự cần thiết hoặc có yêu cầu công vụ hoặc đi đến nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất, công trình, công trường xây dựng thì bắt buộc phải quay trở về nhà. Nếu cố tình không chấp hành thì phải xử phạt nghiêm.
 
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Phường 11, TP Đà Lạt để truy vết dịch tễ
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Phường 11, TP Đà Lạt để truy vết dịch tễ
 
Thành phố sẽ chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cung ứng cho người dân. Theo ông Tôn Thiện San, trong trường hợp áp dụng Chỉ thị 16, thành phố sẽ phát cho mỗi hộ gia đình 3 thẻ mua hàng thiết yếu trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Ngoài ra, người dân cũng được phát phiếu mua hàng giúp do UBND các xã, phường phát cho người dân. Lực lượng mua hàng giúp cho người dân là 645 tổ COVID-19 cộng đồng với trên 2.220 thành viên trên toàn địa bàn. Bên cạnh đó, TP Đà Lạt cũng xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động chợ truyền thống, như mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ”, “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân”,... để triển khai cho các phường, xã thực hiện.
 
Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 nêu trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đánh giá cao. Người đứng đầu UBND tỉnh nhấn mạnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dịch được đánh giá ở mức nguy cơ cao thì các cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực hiện với tinh thần phòng dịch ở mức nguy cơ rất cao, phòng bị các tình huống xấu hơn. Cũng qua công tác kiểm tra tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Đạ Huoai mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu lãnh đạo các địa phương bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống dịch COVID-19 theo từng cấp độ, diễn biến, đặc biệt trong tình huống phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, thậm chí là Chỉ thị 16.
 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, lãnh đạo các địa phương cần tập trung các giải pháp yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất “3 tại chỗ”; Đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch theo Quyết định 1900/QĐ-UBND tỉnh ngày 20/7; Tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 được đánh giá còn thấp, phải được khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa (mới đạt 40,1% kế hoạch tính đến ngày 12/8).
 
C.THÀNH