Thích ứng với tình hình mới

04:08, 11/08/2021

Những bài giảng của thầy cô được quay, dựng thành video ngắn gọn, sinh động, hấp dẫn, sau đó đăng lên các nền tảng mạng xã hội...

Những bài giảng của thầy cô được quay, dựng thành video ngắn gọn, sinh động, hấp dẫn, sau đó đăng lên các nền tảng mạng xã hội. Đó là cách mà Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện để đưa nội dung bài học đến với học sinh trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, các lớp năng khiếu không thể tổ chức trực tiếp.
 
Các bài giảng của giáo viên được Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh quay, dựng thành video, phát lên mạng xã hội
Các bài giảng của giáo viên được Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh quay, dựng thành video, phát lên mạng xã hội
 
Năm học 2020 - 2021, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Lâm Đồng có hơn 1.600 học sinh, với 21 bộ môn năng khiếu như Hội họa, Khéo tay hay làm, Võ, Anh văn, Khiêu vũ, Cờ vua, Kỹ năng thanh niên, Tin học,... Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các lớp năng khiếu của Trung tâm đã phải tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6. Điều này khiến nhu cầu học tập và sinh hoạt, vui chơi giải trí của thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn thành phố Đà Lạt, nhất là trong mùa hè không thể được đáp ứng.
 
Thay vì chỉ tương tác và giao bài tập qua zalo mỗi nhóm lớp như cách làm trong những đợt dịch trước, từ đầu tháng 7 đến nay, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch quay các video học tập của các đội chuyên, câu lạc bộ và lớp năng khiếu. Chị Trịnh Thị Loan - Giám đốc Trung tâm cho biết, chương trình nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, đồng thời giúp có thêm nhiều thiếu nhi trong và ngoài Trung tâm được tiếp cận với các môn học.
 
Với chủ đề “Mỗi ngày một kiến thức”, hàng ngày, bên cạnh đăng lên phầm mềm quản lý học tập của Trung tâm, các video tương ứng với các môn học sẽ được đăng lên fanpage Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Lâm Đồng với gần 2.600 lượt theo dõi và trang web Thanhthieunhi.lamdong.gov, giúp mọi thiếu nhi và phụ huynh quan tâm đều có thể xem được. Các video phải được đảm bảo nội dung sinh động, chất lượng hình ảnh tốt trước khi lên sóng. “Để thu hút sự tương tác của các em học sinh, cuối mỗi video, thầy cô sẽ ra một đề bài hoặc câu hỏi liên quan đến bài học cho học sinh. Phần thưởng cho những câu trả lời đúng tuy không lớn, nhưng mang giá trị tinh thần và động viên, giúp các em thiếu nhi có hứng thú học tập hơn” - chị Trịnh Thị Loan cho biết.
 
Sau hơn một tháng triển khai, chương trình đã bước đầu mang lại hiệu quả khi thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của học sinh và phụ huynh. Theo thống kê của Trung tâm, nếu trong tháng 6/2021, tổng số người tiếp cận bài viết trên trang fanpage Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh là 7.117 lượt, thì đến cuối tháng 7, con số đó đã tăng lên 27.206 lượt, tăng 290,7% chỉ trong một tháng.
 
Trung bình, mỗi video chỉ kéo dài từ 5-6 phút, nhưng cả ê kíp của Trung tâm phải mất gần 2 tiếng đồng hồ để quay, chưa kể thời gian dựng video. Những buổi đầu chưa quen với ống kính, có thầy cô hơi ngại ngùng, gượng gạo. Nhưng rồi mọi khó khăn đều vượt qua. Dù có vất vả hơn thường ngày, nhưng các giáo viên chia sẻ rằng, chỉ cần học sinh hứng thú với bài học thì bao nhiêu công sức cũng không phí phạm.
 
Cô giáo Hoàng Thị Mỹ Hạnh - giáo viên môn Hội họa của Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: “Từ khi dạy qua video, tôi chuẩn bị kỹ tới lời giảng hơn. Bởi sẽ có nhiều em ở nhiều lứa tuổi khác nhau xem video để học, nên tôi cố gắng nói dễ hiểu, chọn bài vẽ đơn giản, cách vẽ không cầu kỳ để các bé đều dễ dàng vẽ theo được”. Là phụ huynh của 2 con 5 tuổi và 8 tuổi, chị Nguyễn Thị Lập (Phường 9, Đà Lạt) chia sẻ, dịch COVID-19 căng thẳng ngay thời điểm mùa hè khiến các con chị không được vui chơi, du lịch, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. “May nhờ có các video học tập của Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi mà các con tôi vẫn luyện tập được môn Tiếng Anh, không bị quên kiến thức trong thời gian nghỉ dịch kéo dài. Nếu không có các video như vậy, các con ở nhà xem tivi, điện thoại mãi cũng không tốt” - chị Lập nói. Không có sự hướng dẫn trực tiếp từ thầy cô, vợ chồng chị nay trở thành người đồng hành cùng con xem và học theo video mỗi lúc rảnh. Có khi bố mẹ, con cái cùng xem những video học múa, học võ, tiếp cận với các môn học mà trước giờ các con chị chưa từng học.
 
Theo chị Trịnh Thị Loan, Chương trình “Mỗi ngày một kiến thức” sẽ được Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh triển khai tới lúc học sinh được đi học lại. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai các lớp học online theo khung giờ và trình độ cụ thể, với số lượng học sinh giới hạn khoảng 10 em một lớp. “Đổi mới là điều cần thiết lúc này đối với cả Trung tâm, giáo viên và học sinh, nhất là khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến căng thẳng. Đây là thách thức, cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp cận với những cái mới, góp phần tạo nên hiệu quả hơn trong công tác giảng dạy các môn năng khiếu”- chị Loan cho biết.
 
VIỆT QUỲNH