Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học thể hiện ở đội ngũ làm giáo dục và người học nhằm phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo...
Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học thể hiện ở đội ngũ làm giáo dục và người học nhằm phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo...
|
Cô và trò chan hòa trong môi trường trường học thân thiện |
CỤ THỂ NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ HÌNH THỨC
Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1299 phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Thực hiện Quyết định này, tháng 12/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch 8152 và đầu năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Kế hoạch số 27 nhằm cụ thể nội dung, phương pháp và hình thức thực hiện. Sau 3 năm thực hiện, với sự phối hợp giữa ngành GDĐT và các sở, ngành, cơ quan, UBND huyện, thành phố, Lâm Đồng từng bước có hiệu quả từ tuyên truyền nâng cao nhận thức đến xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử.
Ví dụ, ở giáo dục mầm non, bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, trong các chuyên đề lễ giáo, hoạt động giáo dục... để hình thành và phát triển ở trẻ về ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi. Với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, ngoài bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động và chương trình giáo dục, còn lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của học sinh; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, chia sẻ, bao dung của người học... Đồng thời với đó là đổi mới phương pháp dạy học các môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Ngữ văn, Lịch sử..., theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đặc biệt coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân...
Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa, năng lực giáo dục văn hóa ứng xử phải là 100% trường học tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả bộ tài liệu bồi dưỡng, tập huấn của Bộ GDĐT đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, cán bộ công tác giáo dục chính trị - học sinh, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập. Năm 2019, Sở GDĐT Lâm Đồng tổ chức 4 lớp là giáo viên cốt cán bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh. Đối tượng là cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên. Đã có 231 giáo viên mầm non, 245 giáo viên tiểu học, 140 giáo viên THCS, 59 giáo viên THPT và 12 giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tham gia. Một thực tế khác, để văn hóa ứng xử trong môi trường trường học thực sự chuyển biến tích cực còn cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội, đúng như nguyên lý song phương và tương tác trong giáo dục.
PHÁT HUY TÍCH CỰC TRONG MÔI TRƯỜNG TRƯỜNG HỌC
Đánh giá ý nghĩa của kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án ở Lâm Đồng, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT cho rằng: “Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi nhọn; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, qua đó tạo thuận lợi để các nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Ông Lợi khẳng định: “Phát huy văn hóa ứng xử trong trường học, vì vậy không có tình trạng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên vi phạm quy tắc ứng xử; không có các vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường xảy ra”.
Dĩ nhiên quá trình thực hiện Đề án, Lâm Đồng còn những hạn chế. Đó là, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trường và địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; tính sáng tạo, sự đa dạng chưa cao qua một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại một số trường học. Phía đối tượng học sinh, một bộ phận chỉ quan tâm nhiều đến kỳ thi nên chưa chú trọng trau dồi kiến thức xã hội và rèn luyện kĩ năng sống phù hợp; còn có những học sinh biểu hiện chưa tốt về đạo đức lối sống, thiếu kĩ năng ứng xử, giao tiếp... Bên cạnh đó, tác động tiêu cực từ Internet cũng tạo những hành vi lệch chuẩn mực ở một số học sinh. Và đó còn là năng lực hạn chế trong điều hành, triển khai ở một số trường học trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em...
Để phát huy ý nghĩa và hiệu quả của Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, ngoài khắc phục những hạn chế, còn cần sự quan tâm, giáo dục hiệu quả từ phụ huynh, nhất là làm gương; sự phối hợp đồng bộ, thực chất từ các ngành liên quan và địa phương. Có như vậy chỉ tiêu ngành Giáo dục Lâm Đồng đặt ra từ năm học 2021-2022 và thời gian tới mới đạt được.
MINH ĐẠO