Bắt đầu từ ngày 20/9/2021, năm học 2021-2022 Lâm Đồng chính thức thực hiện phương án dạy học trực tuyến...
Bắt đầu từ ngày 20/9/2021, năm học 2021-2022 Lâm Đồng chính thức thực hiện phương án dạy học trực tuyến. Dự kiến có 107 trường tiểu học, 43 trường THCS và 36 trường THPT thực hiện theo Văn bản chỉ đạo số 1624 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Vấn đề chất lượng giáo dục trong thực hiện “mục tiêu kép” sẽ là thách thức lớn đối với ngành Giáo dục.
|
Tập huấn đội ngũ cốt cán cấp tiểu học toàn tỉnh về dạy học trực tuyến, ngày 16/9/2021 |
TẤT CẢ HỌC SINH ĐỀU ĐƯỢC HỌC VÀ KHÔNG TẠO ÁP LỰC
Để tổ chức dạy học trong hoàn cảnh ứng phó diễn biến dịch COVID-19, ngày 10/9/2021, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn ký Công điện 905 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các Sở GDĐT; trong đó có nội dung tổ chức dạy học trực tuyến, trước hết, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông phải đảm bảo. Dĩ nhiên ngành viễn thông, điện lực và địa phương cần đồng hành với trách nhiệm cao nhất. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” vừa đem lại hiệu quả dạy học trực tuyến, vừa mang ý nghĩa nhân văn. Ở Lâm Đồng, ngay tại Lễ Khai giảng năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã nhấn mạnh nội dung này, đó là xây dựng kế hoạch thực hiện “để vận động, trao tặng thiết bị giúp học sinh khó khăn có điều kiện học trực tuyến, tuyệt đối không để một học sinh nào không được học tập do hoàn cảnh khó khăn”. “Hãy dành cho trẻ em tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình có”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng kêu gọi.
Đối với ngành Giáo dục, năng lực đội ngũ quyết định sự thành công của dạy học trực tuyến. Đó là kỹ năng tổ chức, năng lực khai thác tài nguyên và sử dụng kho học liệu số, bản mềm sách giáo khoa… Tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt với thời lượng hợp lý theo văn bản tinh giản nội dung của Bộ GDĐT là mục tiêu hướng đến của dạy học trực tuyến. Về phương pháp, dạy học trực tuyến là chủ đạo, kết hợp kênh truyền hình có tính bổ trợ. Đặc biệt, giáo viên hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa, không kéo dài thời gian như học trực tiếp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, ti vi. Khi địa phương kiểm soát được dịch COVID-19, tận dụng tối đa khoảng thời gian để học sinh có thể đến trường tham gia dạy học trực tiếp, nhất là thực hành thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố nội dung đã học trực tuyến.
THÍCH NGHI VỚI HỆ SINH THÁI CÔNG NGHỆ
Đầu năm học 2021-2022, Lâm Đồng dự kiến tổ chức dạy học trực tuyến tại 186 trường trong toàn tỉnh. Tổ chức dạy học trực tuyến mới áp dụng vài năm học nay, vì vậy, giáo viên cả nước đa số lúng túng về phương pháp và thiếu tự tin trong triển khai. Tại các buổi tập huấn kỹ thuật cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở Lâm Đồng không ít người còn lúng túng là điều dễ chia sẻ và cảm thông. Nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực thực hành, kỹ năng thể hiện vào dạy học còn hạn chế; sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến chưa thông thạo. Trong lúc, việc giám sát quá trình học của học sinh bị hạn chế, công cụ khảo sát, đánh giá học sinh đạt mục tiêu học tập còn nhiều lúng túng. Về người học, tuy học sinh khá năng động trong ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo, nhưng điều kiện trang thiết bị của nhiều gia đình không đáp ứng. Mặt khác, học trực tuyến còn cần sự cộng tác đắc lực và thông hiểu của phụ huynh học sinh. Ý thức tự giác học tập của học sinh cũng là yếu tố để đạt chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, tổ chức dạy học trực tuyến, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh có tác động rất quan trọng. Về đối tượng người học ở Lâm Đồng, khó khăn nhất là học sinh lớp 3, 4 và 5, bởi kỹ năng, điều kiện còn ở mức thấp, chưa kể đến mức độ an toàn luôn là vấn đề cần được phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Một trở ngại khác, cơ sở giáo dục ở Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương chưa đủ điều kiện để mua các phần mềm cho giáo viên triển khai, chủ yếu sử dụng phần mềm miễn phí như Zoom, Mesenger của Facebook, Zalo, Google meet..., chất lượng không đảm bảo. Trả lời phỏng vấn chúng tôi, Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải cho biết: “Hiện nay, các trường chưa giám sát được chất lượng học trực tuyến mà chỉ giám sát được số lượng học sinh vào học. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như máy tính, đường truyền chưa đồng bộ, song song với đó là trình độ công nghệ của giáo viên, các bậc cha mẹ, học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu”. Vì vậy, theo Giám đốc Sở GDĐT, triển khai học tập trực tuyến cho học sinh, các địa phương, các nhà trường và bản thân mỗi thầy cô giáo cần có những giải pháp để “gỡ khó”. Về phía Sở, đã thống kê khảo sát tình hình dạy học trực tuyến ở các đơn vị và triển khai hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT. Các cơ sở giáo dục đang tiếp tục tập huấn về kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn, khối lớp...
Giám đốc Phạm Thị Hồng Hải cũng cho rằng: “Các nhà trường cần tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Nhà trường, các thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp. Có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua online, qua nhóm Zalo, Messenger, Facebook, Email... mặc dù các nền tảng trên vẫn còn hạn chế, chỉ ở mức tiếp cận các bài học online đơn thuần và không thể lưu trữ các bài học để học sinh có thể xem lại khi cần. Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kỹ thuật thì cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh như soạn bài ôn tập, in và thông báo phụ huynh đến nhận”.
MINH ĐẠO