Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách và giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả...
Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách và giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả, tăng cường củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Nhiều chính sách đầu tư đã có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội. Qua đó, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện.
Theo báo cáo của HĐND tỉnh, về tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2629/KH - UBND ngày 27/4/2021 thực hiện Quyết định số 1409/QĐ - TTg ngày 15/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2021 của Quốc hội. Đến nay đã có huyện Đơn Dương và huyện Đam Rông xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch 2629 của UBND tỉnh.
Về công tác hỗ trợ nhà ở, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.786 căn nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án 654 của UBND tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Về công tác đào tạo nghề, đã giải quyết việc làm cho 18.200 lao động, trong đó lao động dân tộc thiểu số là 1.051 người.
Các dự án cấp nước sạch nông thôn nhiều năm gần đây đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Cụ thể, hiện nay có 3 dự án nước sinh hoạt do cấp huyện làm chủ đầu tư với tổng mức vốn là 29 tỷ đồng, gồm dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung sử dụng nước hồ Đa So 2, cấp nước cho khoảng 460 hộ dân tại xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt tại xã Gung Ré - huyện Di Linh với kinh phí 2 tỷ đồng, cấp nước cho khoảng 300 hộ dân. Dự án sắp xếp dân cư tự do khu vực Tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, cấp nước cho 192 hộ với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 11 công trình cấp nước do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với kinh phí 169 tỷ đồng. Có 4 dự án định canh định cư đã được bố trí ổn định cho 1.029 hộ dân theo Quyết định 107/QĐ - TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được đầu tư bằng nguồn ngân sách tỉnh năm 2021 là 150 tỷ đồng. Các địa phương đã phân bổ vốn đến các xã để triển khai thực hiện theo quy định. Đến cuối tháng 6 năm 2021 giải ngân khoảng 31 tỷ đồng, đạt 20,67% kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 101/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 91%. Trong đó, có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao. 3 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc quan tâm đến công tác dân tộc còn được thể hiện ở sự định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ đồng bào DTTS trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ khá cao, đạt yêu cầu đề ra. Kết quả đại biểu DTTS có 1 ĐBQH (chiếm 14,29%) và 14 đại biểu HĐND tỉnh (chiếm 21,21%), 67 người trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện (chiếm tỷ lệ 16,92%), 807 người trúng cử đại biểu HĐND cấp xã (chiếm tỷ lệ 24,90%).
Từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền cho các hộ đồng bào DTTS trong tỉnh thụ hưởng chính sách, chương trình, dự án nhằm làm thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ, tạo động lực khí thế trong đồng bào tự vươn lên thoát nghèo được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế. Một số công trình nhà ở trong vùng DTTS theo Chương trình 134, 167 hiện nay đã xuống cấp hư hỏng nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ, sửa chữa kịp thời. Tiến độ giải ngân, thi công một số công trình xây dựng cơ bản nhằm phục vụ đời sống, phát triển KT - XH vẫn còn chậm. Tình trạng sang nhượng đất trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dẫn đến tình trạng đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, cần tiếp tục được cơ quan chức năng quan tâm xử lý, ngăn chặn, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người dân vùng DTTS.
Để tiếp tục đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng cho đồng bào DTTS trong tỉnh, ông Cil Ha Drang - Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh đã có kiến nghị gửi UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, triển khai kiến nghị Ủy ban Dân tộc, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có cơ chế phân bổ đủ kinh phí hàng năm theo từng chính sách để tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025, dự kiến đến năm 2030. Đề nghị Trung ương bố trí kinh phí hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư còn thiếu là 29.985 triệu đồng của 9 dự án thuộc 11 dự án định canh định cư dở dang chưa hoàn thiện để tỉnh Lâm Đồng hoàn thành dứt điểm các dự án định canh, định cư, nhằm ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho bà con DTTS tại Lâm Đồng. Đề nghị các cấp, ngành tiếp tục tạo điều kiện để bà con DTTS được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
NGUYỆT THU