(LĐ online) - Hơn 1 tuần nay, hơn 100 em học sinh trường THCS An Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) vẫn đúng giờ lên lớp với quần áo chỉnh tề, cặp sách đầy đủ…
(LĐ online) - Hơn 1 tuần nay, hơn 100 em học sinh trường THCS An Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) vẫn đúng giờ lên lớp với quần áo chỉnh tề, cặp sách đầy đủ… Chỉ khác là các em không phải đi xa đến trường mà có thể học tập ngay tại thôn, gặp gỡ thầy cô và các bạn của mình qua màn hình máy tính, ti vi.
|
Dãy phòng học đầu năm học tại Trường THCS An Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) trở lên vắng lặng bởi mỗi lớp học chỉ có 1 thầy hoặc cô giáo đứng lớp dạy học trực tuyến |
Thầy Nguyễn Hữu Minh - Hiệu trưởng trường cho biết, năm nay, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Trường THCS An Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) tổ chức dạy trực tuyến. Điều này gây không ít khó khăn cho cả thầy và trò trong việc triển khai dạy và học theo đúng chương trình mà vẫn có thể đảm bảo chất lượng cho học sinh.
“Ngay khi có quyết định dạy học trực tuyến, chúng tôi đã cử giáo viên tới nhà từng học sinh để khảo sát về điều kiện học tập của các em. Thực tế, có tới 1/3 số học sinh của nhà trường không có các thiết bị thông minh hoặc không có mạng để kết nối. Trong số đó tập trung nhiều ở thôn Gân Reo này. Rất may mắn đã có hội đồng giáo xứ nơi đây đặt vấn đề hỗ trợ, giúp các em có cơ sở vật chất cũng như điều kiện học tập tốt hơn”, thầy Minh cho hay.
|
Cô Lê Thị Hằng, giáo viên dạy môn toán lớp 8A4 Trường THCS An Hiệp cùng 8 thầy, cô trong trường đứng lớp dạy học online vào sáng 27/9
|
Năm học 2021 - 2022, trường THCS An Hiệp có 634 học sinh và 23 em học sinh của Trường THCS Phổ thông DTNT huyện Đức Trọng. Trong đó, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 31%, tập trung phần lớn ở thôn Gân Reo.
Thầy Minh nhận định, việc học trực tuyến khá bị động bởi ban đầu trường đã có phương án dạy học trực tiếp. Ngoài ra, khó khăn của việc học trực tuyến là cơ sở vật chất có nhiều hạn chế. Hiện nhà trường đã bố trí 8 phòng học có lắp đặt máy tính, máy quay, loa… để giáo viên giảng dạy. Về phía học sinh, trường tổ chức cho các em học tại nhà cùng nhau, chia thành từng nhóm không quá 5 em theo quy định. Tuy nhiên đối với học sinh DTTS, với tâm lý còn nhiều e ngại, thiết bị thiếu thốn nên việc ghép nhóm với học sinh còn lại không dễ dàng. Thế nên, khi được học tại nhà thờ với đầy đủ điều kiện cơ bản ban đầu, các em đều hết sức hào hứng.
|
Một học sinh lớp 7 tại làng Gân Reo có điện thoại thông minh tới học online tại một phòng học giáo lý trong Giáo xứ Gân Reo. Tuy nhiên, số lượng học sinh có điện thoại thông minh tại làng khá hạn chế, bên cạnh đó đường truyền sóng điện thoại yếu nên việc học online rất khó khăn nếu không có đường truyền mạng cáp quang |
“Ở đây em được học với các bạn vui như ở trường. Bố mẹ có điện thoại thông minh nhưng ở nhà em sóng yếu, kết nối chập chờn. Nếu không theo kịp thì em có thể mượn vở bạn để chép lại hoặc hỏi các sơ”, em Ka Uy (học sinh lớp 8A1) chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn cùng với nhà trường, Hội đồng giáo xứ Gân Reo đã chủ động trao đổi, sắp xếp các lớp học trực tuyến ngay trong nhà thờ. Tại đây, thầy Mai Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Hiệp có mặt mỗi ngày để theo sát tình hình học tập của các em. Học sinh khối 7, 9 sẽ học buổi sáng, học sinh khối 6, 8 học buổi chiều.
|
Một học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số làng Gân Reo chăm chú học trực tuyến với các bạn trong làng |
“Các biện pháp an toàn được đặt lên hàng đầu, các em được hướng dẫn sát khuẩn tay, đeo khẩu trang trong quá trình học. Chỗ ngồi trong mỗi lớp cũng được bố trí phù hợp để giữ khoảng cách và đảm bảo các em dễ dàng theo dõi nội dung trên màn hình ti vi. Khó có thể so sánh với học trực tiếp vì mức độ tương tác giữa giáo viên và học sinh không nhiều. Giáo viên cũng không kiểm tra được mức độ tiếp thu của các em với mỗi bài học. Thêm vào đó học sinh dân tộc thiểu số vốn đã rụt rè, nhút nhát thì nay học trực tuyến thì các em cũng vẫn còn nhiều e ngại, nhất là học sinh đầu cấp”, thầy Hùng chia sẻ.
Ở thôn Gân Reo đa phần là người dân tộc K’ho. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân có nhiều đổi thay nhưng số gia đình khó khăn vẫn còn nhiều, không có phương tiện để các em học trực tuyến. Bên cạnh đó, các phụ huynh học sinh tại đây cũng không có khả năng kèm cặp, giúp đỡ các em học tập như ở trên trường.
Theo Linh mục Trần Quang Vinh, Quản xứ giáo xứ Gân Reo, để có thể đảm bảo việc kết nối phục vụ nhu cầu học trực tuyến của các em, hội đồng giáo xứ đã đi mượn máy tính, ti vi, mua loa, lắp đặt internet… tại các phòng giáo lý trong thời gian tạm ngưng các sinh hoạt tôn giáo theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Dưới sự kiểm tra, giám sát của nhà trường và sự hỗ trợ của nhà thờ, các em đi học đầy đủ và tự giác hơn, kỷ luật hơn.
Bên cạnh đó, Ban giám hiệu cũng kêu gọi sự ủng hộ của các nhà tài trợ để có thêm kinh phí, hỗ trợ mua thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh.
“Ban đầu chúng tôi đã tính đến phương án cho các em tới trường nhưng như thế phải mượn thêm máy chiếu, camera… Cũng may có sự hỗ trợ của nhà thờ cùng với nhà trường tạo môi trường thuận lợi cho học sinh. Năm nay, nhà trường và giáo viên cũng đã rất vả để xây dựng giáo trình học trực tuyến phù hợp cho các em trong tình hình mới”, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Minh cho biết thêm.
Theo ông Thái Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Trọng, Trường THCS An Hiệp thuộc các địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nên chuyển sang phương án dạy học trực tuyến. Các trường phải lên kế hoạch, phân công giáo viên giảng dạy, lên thời khóa biểu và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý việc học của con em tại nhà để đảm bảo an toàn.
Đồng thời mỗi trường cũng chủ động, linh hoạt tổ chức, sắp xếp việc học của các em để đáp ứng yêu cầu đặt ra mà vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Qua kiểm tra, theo dõi thì nhà trường đã phối hợp tốt với nhà thờ, đảm tốt quá trình dạy và học cho học sinh cũng như các yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương.
H.THẮM - C.THÀNH