Kể chuyện trồng cây bên Lăng Bác (kỳ II)

04:09, 07/09/2021

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sắp thành công, Lăng Bác phải hoàn thành trước ngày Quốc khánh thống nhất. Tiến độ thi công khẩn trương quên cả ngày đêm...

[links()]
 
Kỳ II: Đồng bào cả nước hướng về nơi yên nghỉ của Người
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sắp thành công, Lăng Bác phải hoàn thành trước ngày Quốc khánh thống nhất. Tiến độ thi công khẩn trương quên cả ngày đêm. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban phụ trách xây dựng Lăng đều chú tâm cho công việc sớm được hoàn thành. Điều đáng nói nhất là tấm lòng đồng bào cả nước cùng hướng về công trình Lăng Bác...
 
Hương sắc Việt Nam hội tụ bên Lăng của Người. Ảnh Đăng Khoa
Hương sắc Việt Nam hội tụ bên Lăng của Người. Ảnh Đăng Khoa
 
TS Nguyễn Đăng Khôi kể nhiều câu chuyện cảm động mà chúng tôi khó lòng ghi hết. Ông nói: “Hồi đó, mỗi khi chúng tôi đến các tỉnh chọn cây thì địa phương coi dịp này là một đại lễ. Hầu như tất cả mọi người, từ già đến trẻ đều tham gia vào công việc thiêng liêng này. Ngày lên Sơn La rước hoa đào, hoa ban cũng thật cảm động. Lúc đầu, chúng tôi lo là làm sao chở cây với hành trình xa như thế mà cây không bị chết. Có ý kiến đề xuất đan bầu tre đựng cây. Nhưng tre đâu? Đan sao kịp? Lãnh đạo địa phương chỉ hô một tiếng, trong một buổi có hàng trăm người tự nguyện chặt tre nhà vác đến rồi đan bầu, đặt cây. Hoặc chuyện lấy đầt phù sa sông Hồng để làm nền trồng cỏ trước Quảng trường Ba Đình. Đất đảm bảo tiêu chuẩn chỉ có ở xã Lĩnh Nam (Thanh Trì, Hà Nội), có nghĩa là lấy từ diện tích mà dân đang canh tác. Chúng tôi bỏ qua các thủ tục hành chính, xuống cùng ban chủ nhiệm hợp tác xã họp dân. Bốn ngày sau, công trường được mở. Nông dân xã Lĩnh Nam tự hào vì được góp đất quê mình vào công trình nơi an nghỉ cuối cùng của vị lãnh tụ kính yêu. Họ từ chối nhận đền bù hoa màu. Một khó khăn nữa là phải làm sạch cỏ dại trên đất phù sa trước khi đưa về Lăng Bác. Ngày 8/3/1975, phụ nữ xã Lĩnh Nam đã bỏ phiên chợ Mơ để làm sạch cỏ dại cho công trình Lăng. Họ tự nguyện đến tổ chức mít-tinh và đặt tên buổi làm sạch cỏ là “lễ Âu Cơ”.
 
* * *
 
TS Nguyễn Đăng Khôi tiếp tục câu chuyện: Trung ương quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các địa phương hằng mong muốn được góp phần nhỏ bé vào công trình lịch sử. Vì vậy, khi Ban phụ trách xây dựng Lăng phân công cho một số tỉnh chọn cây về trồng ở Lăng Bác, các địa phương đều coi đây là một vinh dự lớn lao. Các tỉnh thành lập “Ban chỉ đạo chọn cây trồng ở Lăng Hồ Chủ tịch” do một đồng chí lãnh đạo làm trưởng ban, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các ngành, các đoàn thể để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ cao quý này. Các cơ quan chọn những đồng chí cán bộ, công nhân có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao để giao nhiệm vụ. Đồng chí nào được vinh dự tham gia cũng đem hết nhiệt tình vào công việc.
 
Nhân dân Cao Bằng dâng về Lăng Người những khóm trúc cùng giống với khóm trúc Bác trồng năm 1961 ở hang Pác Bó khi Người về thăm. Trên đường ra thăm vùng mỏ, Bác đã dừng chân nghỉ ở đồi thông Yên Lập, Người khen Nhân dân đã có nhiều cố gắng trong công tác trồng rừng nhưng cần phát huy hơn nữa. Thực hiện lời dạy của Bác, quân dân Quảng Ninh đã lập nhiều thành tích làm xanh các đồi trọc và phấn khởi được gửi một số cây thông tại khu đồi Bác dừng chân năm xưa để về trồng ở vườn hoa quanh nơi Người an nghỉ. 25 dân tộc tỉnh Lào Cai gửi về Ba Đình 25 cây pơmu, loại cây đặc trưng trên quê hương họ. Ngày tiễn cây về Hà Nội, nhà thơ Lê Vân (Lào Cai) đã viết bài thơ “Dáng đứng pơmu”: “ Cây pơmu trên đỉnh Hoàng Liên/ Ngay thẳng như lòng ta đó/ Cây pơmu hôm nay rời đất cũ/ Về thủ đô canh giấc ngủ Bác Hồ...”. Bà con Nam Đàn quê nhà đã gửi ra những bụi hoa râm bụt tách từ hàng rào nhà Bác ở quê nội làng Sen và những bụi mạn hảo ở quê ngoại làng Chùa. Vạn tuế là cây cảnh quý, sống khỏe, lâu đời nhưng lại nhân giống khó, rất hiếm. Để có hai hàng vạn tuế trồng trước hai lễ đài phụ, đã có sự đóng góp của Nhân dân tám tỉnh: Nam Hà, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Tây, Hà Bắc, Nghệ An. Đất Tổ tự hào được kính chuyển những cây chò nâu về trồng ở đường Hùng Vương. Ngày chuyển cây, mỗi cơ quan, đơn vị đều cử những đại diện tiêu biểu đến mở công trường lớn để chuẩn bị kỹ trước khi rước cây về Hà Nội, không để rụng một cái lá, gãy một cái chồi...
 
* * *
 
TS Nguyễn Đăng Khôi xúc động kể tiếp: Vì nghề nghiệp là điều tra cơ bản về thực vật, chúng tôi có nhiều chuyến đi lý thú nhưng chưa bao giờ những chuyến đi để lại những kỷ niệm sâu sắc bằng những ngày tháng cùng đồng bào mọi miền Tổ quốc chọn cây, dâng cây về Lăng Bác.
 
Tây Bắc xứ sở hoa ban, mùa xuân hoa nở trắng núi rừng. Ngày Nhân dân các dân tộc mở hội dâng ban về Hà Nội, cả khu rừng ban Ảng vang dậy tiếng cồng theo nhịp múa xòe. Già trẻ náo nức. Người đào đất, đánh cây, người đan sọt, làm đường, người khiêng vác, vận chuyển. Cụ Hoàng Văn Thàn, người dân tộc Thái bản Búa đã 120 tuổi, không ngại đường xa, mưa rét cũng chống gậy ra tận rừng cùng con cháu đan sọt, buộc cây. Bà con các dân tộc đeo theo giỏ cơm, ngồi ăn dưới tán cây. Họ tự nguyện tham gia với lòng thành kính của mình, không tính điểm với hợp tác xã. Tây Bắc còn được vinh dự chuyển về trồng ở khu vực Lăng Bác những cây bương, cây đào, trong đó có một số cây nhân giống từ cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại Nhà tù Sơn La. Lễ rước cây tổ chức trên nền cũ của nhà tù, những cây đào được những chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm ở ngục tù thực dân này và các đoàn viên ưu tú bứng lên. Đám rước cây có xe chở cây, xe chở người, có cán bộ khu, tỉnh, các cháu ngoan Bác Hồ của Trường phổ thông cấp 1-2 Tô Hiệu, các chiến sĩ quân đội... theo tiễn. Hai bên đường, đồng bào các dân tộc cầm cờ hoa đứng chờ. Dọc đường về Hà Nội, khi qua một số bản làng và nông trường, đoàn xe đều phải đi chậm lại giữa hai hàng người tiễn cây. Nhiều gia đình đồng bào bày hương án bên đường...
 
Địa phương nào có cây được đưa về trồng ở Lăng Bác cũng làm trọn vẹn nhiệm vụ cao quý. Những chiếc ô tô tốt nhất, đẹp nhất được huy động; các lái xe đều là những người gương mẫu, tay lái vững mới được giao nhiệm vụ. Các tỉnh cũng cử các cán bộ kĩ thuật, chiến sĩ công an có tinh thần trách nhiệm cao đi theo chăm sóc, bảo vệ cây, không để cây bị va quệt dọc đường, bị vỡ bầu, rụng lá.
 
Cảm động và công phu hơn cả là đồng bào miền Nam gửi cây ra trồng ở Lăng và vườn Bác. Cuối năm 1974, Nhân dân miền Bắc vui mừng chuẩn bị đón Xuân Ất Mão nhưng ở miền Nam, kẻ thù vẫn còn gây tang tóc, đau thương thì chúng tôi được tin báo đồng bào miền Nam gửi cây cảnh quý ra, đoàn xe đã lên đường. Sau hơn 20 ngày hồi hộp chờ đón, đoàn xe chở cây của Nam Bộ, của Khu 5 vượt Trường Sơn ra đến Hà Nội. Trên xe, những bầu cây ăn trái, cây cảnh được bảo vệ kỹ lưỡng trong các thùng gỗ mới đóng, bó chặt bằng những lớp bao bố và đất bùn đen mịn. Đồng bào, chiến sĩ trong đó đã biến những chiếc xe tải lớn thành những vườn ươm di động. Có tới trên 50 loại cây quý được gửi ra: sầu riêng, xoài cát, măng cụt, mít tố nữ, chôm chôm, mận hồng đào, bòn bon, bưởi ngọt, quýt đường, long nhãn, dừa, lòn bon, quế, trắc... Cây cảnh có lâm tiêm, nhài, dạ hương, mai trắng, mai vàng, mai đỏ, mai tứ quý, tầm vông, sứ đỏ, phong lan và những con nai uốn tỉa nắn nót từ nhiều cây cùm rụm. Cây đã về công trường Lăng Bác từ khắp miền Nam: Đà Lạt, Sài Gòn - Gia Định, Bến Tre, Bình Dương, Biên Hòa, Lộc Ninh, Bình Phước, Bình Định, Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế…
 
Một số kỹ sư trồng trọt và chiến sỹ Quân giải phóng được cử theo để chăm sóc, bảo vệ cây. Anh em kể lại, suốt dọc đường cứ đêm nghỉ, ngày đi. Ngày thì bịt kín cho bụi không dính vào, đêm đến tháo bạt để tưới tắm, chăm sóc và cho cây thở hít sương gió. Trên đường, xe giữ tốc độ trung bình không quá 30 cây số và bám giữ đội hình. Khi có xe bạn vượt, anh em phải nhường đường, đứng đợi vì bụi Trường Sơn dày đặc, nếu không cẩn thận sẽ lọt vào ngập xe. Có bận đường bị tắc, không có nước tưới cây, mọi người phải đi tìm nước cách bốn, năm cây số đường rừng...
 
Đoàn chuyển cây từ miền Nam ra đã kể những câu chuyện cảm động về tấm lòng của đồng bào nửa nước đang chia cắt hướng về Bác kính yêu. Đó là tình cảm Nhân dân gửi vào những loài cây quý như đôi nai uốn bằng cây cùm rụm của người Sài Gòn, cây trái của đồng bào Lộc Ninh, dừa lùn ở Gia Định, quế ở Trà Mi hay mai vàng Kon Tum. Ví như cây dừa của ông Bảy ở một xã vùng ven Gia Định. Trong chuyến đi thăm bà con ở Bến Tre, ông đã mua được hai cặp dừa kì lạ, cây mới cao quá đầu mà quả có tới hàng trăm, kéo dài xuống gốc, nước nhiều, thơm ngọt. Hôm đồng chí cán bộ ta đến ngỏ lời về cặp dừa thì ông đi vắng, bà Bảy, sau khi nghe nói ý nghĩa của việc tìm cây quý vội nhờ người đánh gốc gửi tặng hai cây. Bà giấu không cho ông biết, khi ông về không thấy cây thì cằn nhằn mãi. Đợi khi ông nguôi giận, bà mới kể lại. Nghe xong chuyện, ông Bảy giận trách: “Bà tệ lắm! Vợ chồng ăn ở với nhau cả hàng chục năm mà việc trọng đại như vậy bà không cho tôi biết ngay” và lập tức ông bứng hai cây còn lại gửi cho cán bộ. Ở Trà Mi (Quảng Nam), đồng bào Cơ Tu có phong tục kiêng kị: Không bao giờ đưa vỏ và cây quế về nhà, khai thác để tại rừng và bán thẳng cho người mua. Nhưng nghe tin chuyển quế ra trồng ở Lăng Bác, họ đã bỏ qua tập quán kiêng kỵ, đánh cây mang về để hẳn ở nhà, chờ ngày chuyển đi. Người Cơ Tu còn vót tre thành những đũa bông để cúng Bác và gửi theo cây...
 
 Chuyện trồng cây làm đẹp không gian Lăng Bác, kể sao cho hết nghĩa tình của Nhân dân với Bác. Đồng chí cán bộ quê ở Quảng Ngãi tập kết ra Bắc đã về hưu tại xã Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) gửi thư lên Trung ương xin hiến tặng một cây mai quý. Đồng chí trung tá pháo binh quê ở Hà Tây, nhà có hai cây vạn tuế, tha thiết được đưa về trồng bên Lăng Người. Hai cụ già ở xã Nam Điền (Nam Ninh, Nam Hà) có bốn cây ngâu trắng, một loại cây cảnh quý hiếm, nhiều người hỏi mua giá cao không bán nhưng vô cùng sung sướng khi được gửi về dâng Bác ở Ba Đình. Một đồng chí cán bộ ở Khu 5, ngày Bác mất, đã trồng một cây mai vàng để mong ngày nước nhà thống nhất ra trồng ở vườn Bác; nay được tin xây dựng Lăng Bác, anh đã gửi cây mai quý theo đoàn xe của Khu 5 ra Hà Nội, toại nguyện tấm lòng ấp ủ bấy lâu...
 
* * *
 
Mỗi một gốc cây, mỗi một loài hoa quý được trồng bên Lăng Người đều mang nặng tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước đối với vị lãnh tụ đã hiến trọn cuộc đời vì dân, vì nước. TS Nguyễn Đăng Khôi trầm ngâm giây lát và nói với tôi như một lời tâm sự thốt lên tự đáy lòng: “Trên thế giới này khó có vị lãnh tụ nào mà hợp lòng dân, được dân kính, dân yêu như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta! Chỉ riêng trong công việc trồng cây làm đẹp không gian nơi an nghỉ cuối cùng của Người mà chúng tôi cũng đã được cảm nhận tình cảm thiêng liêng, sâu sắc của đồng bào cả nước với Bác kính yêu...”.
 
UÔNG THÁI BIỂU
(Ghi theo lời kể của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Khôi)