Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 tác động, phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học" là một trong những giải pháp của năm học 2021-2022 linh hoạt và thích ứng...
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 tác động, phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” là một trong những giải pháp của năm học 2021-2022 linh hoạt và thích ứng. Học sinh các trường nói chung, trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng đang được sử dụng làm nơi cách ly phòng, chống dịch COVID-19 càng cần thể hiện sự năng động và thích ứng.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng trong giờ học năm học 2020-2021 |
Mới đây, ngày 3/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 24 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp...
Tại Lâm Đồng, ngày 25/8/2021, UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Ngày 1/9, Sở GDĐT Lâm Đồng tiếp tục công bố Kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến với 3 phương án triển khai theo tình hình cụ thể từng địa phương, trường học. Theo đó, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Sở GDĐT sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp và biện pháp rất hiệu quả, nhưng dịch bệnh luôn khó lường. Một số cơ sở trường học, trong đó có Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng đang sử dụng làm khu vực cách ly nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chúng tôi trao đổi với Phó Giám đốc Sở GDĐT, ông Trần Đức Lợi cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đang làm khu cách ly chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục khác để tổ chức học sinh được học tạm thời cho đến khi không còn sử dụng làm khu cách ly. Đây là giải pháp đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.
Chúng tôi cũng trao đổi với Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng, bà Phạm Thị Hồng cho biết, nhà trường đã khẩn trương tổ chức hội nghị trực tuyến giữa các trường liên quan để tiến hành triển khai theo tinh thần chỉ đạo của ngành Giáo dục, thống nhất tạm thời gửi tất cả học sinh THPT của trường về học tại các trường THPT, THCS&THPT nơi các học sinh đang cư trú và tùy sự lựa chọn của các em. Năm học 2021-2022, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng có 155 học sinh lớp 10; 153 học sinh lớp 11 và 149 học sinh lớp 12 thuộc các huyện Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Các học sinh được chọn một trong trên 30 trường THPT, THCS&THPT tại các địa phương trên để học tập. “Tất cả các trường tiếp nhận học sinh học tạm thời đều thống nhất cao và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các học sinh thoải mái bước vào năm học mới”, Hiệu trưởng Phạm Thị Hồng cho biết.
Sự nghiệp giáo dục học sinh dân tộc thiểu số nói chung, trong đó hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng ở tỉnh Lâm Đồng luôn được đặc biệt quan tâm, từ đầu tư đến nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Riêng hệ thống các trường nội trú, trên địa bàn tỉnh, ngoài Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng đặt tại Đà Lạt còn có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS thuộc các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm và Trường THCS-THPT liên huyện phía Nam tại Đạ Tẻh. Năm học 2020-2021, tổng số học sinh tại 9 trường nêu trên là 2.018 học sinh THCS và 660 học sinh THPT. Kết quả cuối năm học, đối với THCS, về Hạnh kiểm, xếp loại Tốt đạt tỷ lệ trên 82,5%, loại Khá 15%; về Học lực, loại Giỏi, Khá và Trung bình đạt tỷ lệ 98%. Đối với THPT, về Hạnh kiểm, xếp loại Tốt và Khá đạt tỷ lệ 99%; về Học lực loại Giỏi, Khá và Trung bình đạt 98,4%... Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng 140/140 (100%) học sinh lớp 12 đều được công nhận tốt nghiệp THPT.
Bước vào năm học 2021-2022, từ các kết quả của những năm trước cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành và các bậc cha mẹ học sinh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng tiếp tục giữ vững danh hiệu của một trong 8 trường phổ thông dân tộc nội trú ở tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn quốc gia.
MINH ĐẠO