Một năm học mới với những điều chưa từng có tiền lệ; thầy cô giáo ở huyện vùng xa Đam Rông vừa dạy học, vừa phòng, chống dịch, vừa linh hoạt chủ động các phương án dạy học ứng phó với dịch bệnh và phù hợp điều kiện tại địa phương.
Một năm học mới với những điều chưa từng có tiền lệ; thầy cô giáo ở huyện vùng xa Đam Rông vừa dạy học, vừa phòng, chống dịch, vừa linh hoạt chủ động các phương án dạy học ứng phó với dịch bệnh và phù hợp điều kiện tại địa phương.
|
Các đơn vị trường học trên địa bàn có nhiều giải pháp để đảm bảo công tác phòng dịch |
Đam Rông hiện đang tổ chức dạy học trực tiếp tại trường theo phương án 3 tại Công văn số 1624 của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng. Đối với cấp tiểu học, các trường tổ chức dạy 1 buổi/ngày. Tùy theo số lượng học sinh, số lớp, các trường sắp xếp các buổi học phù hợp, đảm bảo mỗi buổi sáng không quá 50% tổng số học sinh toàn trường. Đối với cấp THCS và THPT, các trường tổ chức dạy học đối với hoạt động dạy học chính khóa. Các hoạt động ngoại khóa, phụ đạo học sinh yếu kém hay bồi dưỡng học sinh giỏi tiến hành dạy trực tuyến.
Ngành Giáo dục huyện Đam Rông yêu cầu, quán triệt và hướng dẫn tất cả các trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của ngành Y tế. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án dạy học phù hợp với tình hình địa phương nếu dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.
Cụ thể, nếu trường hợp các đơn vị trường học nằm trong vùng nguy cơ cao phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục sẽ áp dụng biện pháp dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học. Còn nếu trường hợp các đơn vị trường học nằm trong vùng nguy cơ rất cao, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, ngành Giáo dục địa phương này sẽ áp dụng việc dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Cách thức triển khai cụ thể đối với các tình huống cũng đã được ngành Giáo dục Đam Rông hướng dẫn chi tiết cho các trường học trên địa bàn.
Ông Âu Văn Nghị - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông khẳng định “Đội ngũ giáo viên trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin tốt là thuận lợi của địa phương. Tuy nhiên, đối tượng học sinh trong hoàn cảnh rất khó khăn”. Hiện ngành Giáo dục Đam Rông nói chung và các đơn vị trường học trên địa bàn nói riêng, đã tiến hành rà soát chi tiết các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy, học để có thể ứng phó nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp. Số liệu khảo sát cho thấy có trên 7.000 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Con số này chiếm trên 80% học sinh toàn huyện. Tuy vậy, trong số gần 20% còn lại, mặc dù có phương tiện học trực tuyến, song tại nhiều khu vực đường truyền internet chưa có hoặc không ổn định, hay các gia đình không sử dụng dịch vụ ti vi trả tiền để có thể theo dõi việc dạy học trên truyền hình. “Đặc thù của xã Liêng Srônh nói riêng và huyện Đam Rông nói chung là nơi cư trú của đông bà con dân tộc thiểu số. Bởi vậy, ngoài điều kiện kinh tế khó khăn, các hộ gia đình ở đây thường rất đông con. Không ít hộ có 3, 4 đứa con đang trong độ tuổi đi học nhưng nhà chỉ có duy nhất một cái điện thoại, thậm chí có gia đình chỉ có điện thoại không sử dụng được các dịch vụ internet. Bởi vậy, nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp, việc dạy và học ở khu vực này sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, cô Nguyễn Thị Quỳnh Thư - Hiệu phó Trường Tiểu học Liêng Srônh, khẳng định.
Bà Phạm Thị Ngũ - Phó Phòng Giáo dục huyện Đam Rông cho biết thêm, “Hiện ngành đang chủ động kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ máy tính để giúp các em học sinh khó khăn thêm điều kiện học hành. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng phương án dạy học nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đó là việc chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và giáo viên các bộ môn in sao tài liệu dạy học và chuyển đến tận nhà cho học sinh. Gom học sinh theo từng nhóm nhỏ 5 người và giáo viên trực tiếp đến giảng dạy để vừa hỗ trợ các em học tập trong điều kiện khó khăn, vừa đảm bảo chống dịch. Điều này đòi hỏi rất lớn sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, tuy nhiên tất cả vì đàn em thân yêu nên các thầy cô giáo đều trong tư thế sẵn sàng”.
Ngoài việc chung sức cùng các lực lượng phòng dịch, bảo vệ vùng xanh, Phòng Giáo dục hiện đang phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện lập danh sách con hộ nghèo, cận nghèo, con mồ côi, con gia đình chính sách khó khăn và có kế hoạch hỗ trợ học sinh thiết bị học trực tuyến để Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sớm đến với học sinh nghèo vùng xa, để tất cả các em đều có điều kiện được học tập.
HOÀNG MY - CHÍNH THÀNH