Chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe người cao tuổi trong thời kỳ phòng, chống dịch COVID-19

06:09, 29/09/2021

Nhóm người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương do sức đề kháng kém và thường kèm theo nhiều bệnh mạn tính (cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường...), khi mắc bệnh dễ bị nặng, khó hồi phục...

Nhóm người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương do sức đề kháng kém và thường kèm theo nhiều bệnh mạn tính (cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường...), khi mắc bệnh dễ bị nặng, khó hồi phục. Do đó, ngoài các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế (5K + vaccine) người cao tuổi cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, duy trì ăn uống khoa học, hợp vệ sinh, giúp tăng sức đề kháng để phòng, chống bệnh COVID-19.
 
Thay vì hoang mang lo lắng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý ổn định, bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục, đặc biệt luôn đảm bảo tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh.
 
  Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và đa dạng: Để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng phòng bệnh COVID-19, người cao tuổi cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ (năng lượng), cân đối các chất dinh dưỡng, đa dạng các món ăn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong chế độ ăn cần đủ chất đạm từ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt lợn, thịt gà, cá, tôm, trứng, các loại đậu đỗ như đậu tương (đậu nành), đỗ xanh, đỗ đen... Với những người gầy, không thể ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết, nên ăn nhiều bữa và uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng từ 1-2 cốc mỗi ngày. Do khả năng tiêu hóa và hấp thu của người cao tuổi kém nên cần ăn nhiều bữa, ngoài 3 bữa chính (sáng, trưa, tối), nên ăn thêm các bữa ăn phụ như: sữa, sữa chua, hoa quả...
 
• Ăn nhiều rau tươi, quả chín: Rau xanh, quả chín rất cần cho người cao tuổi, đây là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng cho cơ thể, chúng có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, chống oxy hóa, bảo vệ toàn vẹn của tế bào trước những tác nhân có hại từ môi trường (vi khuẩn, virus...). Ngoài cung cấp các vitamin, chất khoáng còn cung cấp chất xơ tránh bị táo bón. Mỗi ngày nên ăn khoảng 300 g rau, 200 g quả chín. Nên ăn những loại rau có màu xanh sẫm như rau muống, mồng tơi, rau dền, rau ngót, rau cải... có nhiều beta-carotene, các loại quả chín như đu đủ, chuối, xoài, cam, quýt, bưởi là nguồn vitamin A, C có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể...
 
  Chú ý uống đủ nước: Uống nước đủ, đúng cách góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Người cao tuổi do cảm giác khát thường giảm vì thế cần đề phòng thiếu nước đặc biệt vào mùa hè. Uống đủ nước giúp cho nhu động ruột tốt, đi đại tiện dễ dàng, tránh táo bón, đồng thời giúp đào thải các chất độc, cặn bã ra khỏi cơ thể. Nước được cung cấp từ đồ uống, thức ăn hàng ngày. Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 2-2,5 lít, ngoài nước đưa vào từ thức ăn trong bữa ăn, cần uống thêm 6-8 cốc, mỗi cốc 200 ml (tương đương 1.500 ml), khi bị sốt cần uống nhiều hơn. Uống nước đun sôi để ấm, nước chè xanh, các loại chè thanh nhiệt (atiso, nhân trần, hoa cúc...), nên uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát để giữ ẩm cổ họng, không uống nước ngọt thay nước lọc. Hạn chế những đồ uống chứa cồn như bia, rượu, đồ uống có ga...
 
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Luôn ăn chín, uống sôi, ăn các thực phẩm tươi, sạch, an toàn, chế biến đảm bảo vệ sinh để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm. Không nên dùng chung các đồ dùng cá nhân (cốc, các dụng cụ ăn uống). Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch đúng cách trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, khi tiếp xúc với các đồ vật...
 
Nếu người cao tuổi có mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, hay suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh này theo hướng dẫn của bác sĩ. 
 
  Chế độ sinh hoạt điều độ: Duy trì hoạt động và tập thể dục phù hợp hàng ngày, thực hiện nếp sống lành mạnh vui vẻ. 
 
  Tăng cường vận động: Người cao tuổi thường hay bị mệt mỏi nên ngại vận động. Đây là dấu hiệu bình thường khi cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hóa. Để năng vận động, đôi khi cần có sự hỗ trợ, động viên từ người bạn đời, từ con cháu. Ngoài tập dưỡng sinh, yoga có thể tập các môn có cường độ thể lực trung bình thấp, một cách nhẹ nhàng như: tập thể dục, xoa bóp cơ thể, dưỡng sinh, đi bộ... Mỗi ngày nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30-45 phút sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khỏe, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
 
  Đảm bảo giấc ngủ ngon và sâu: Khi ngủ sâu, các cơ quan trong cơ thể như hệ thống miễn dịch sẽ bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và hồi phục. Để tăng đề kháng chống chọi với COVID-19, không chỉ người cao tuổi mà tất cả mọi người cần ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Mỗi đêm cần ngủ 6-8 tiếng. Vì thường dậy sớm nên thời điểm đi ngủ tốt nhất khoảng 21-22h. Trước khi ngủ 1-2 tiếng không nên ăn no, có thể uống một ly sữa ấm giúp giấc ngủ sâu hơn.
 
Giữ tinh thần lạc quan và lối sống lành mạnh: Sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tâm lý lạc quan hay tình trạng căng thẳng đều có tác động không nhỏ đến hệ miễn dịch của con người, đặc biệt người cao tuổi. Trong thời điểm dịch COVID-19 do phải giãn cách xã hội, không nên ra ngoài giao tiếp gặp gỡ bạn bè, vì thế người cao tuổi nên dành nhiều thời gian thư dãn như nghe nhạc, nấu ăn, chăm sóc cây cối, tiếp xúc với thiên nhiên giúp tâm hồn thư thái. 
 
Với người cao tuổi, để phòng dịch bệnh COVID-19 quan trọng là có chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn, tinh thần lạc quan vui vẻ sẽ tăng cường được sức khỏe và khả năng đề kháng với các dịch bệnh.
 
THÁI TUYỀN - KA SUM