Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng cho biết: Phần lớn bệnh nhân đến điều trị PHCN là người cao tuổi và trẻ em khuyết tật trong tỉnh...
Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Lâm Đồng cho biết: Phần lớn bệnh nhân đến điều trị PHCN là người cao tuổi và trẻ em khuyết tật trong tỉnh. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho bệnh nhân, bệnh viện đã triển khai hoạt động kiểm soát chặt chẽ, bố trí phục vụ dinh dưỡng tại căn tin với suất ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa được trợ giá để cho bệnh nhân không phải ra ngoài mua, tạo sự hài lòng, yên tâm cho người bệnh.
Lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam ủng hộ tiền mặt cho Bếp ăn tình thương Bệnh viện PHCN Lâm Đồng |
Bệnh viện PHCN tỉnh có quy mô 100 giường, với 89 cán bộ, nhân viên y tế. Bệnh viện đã thực hiện công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực tương đối phù hợp với vị trí việc làm, tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu lực lượng có chuyên môn cao và các chuyên khoa sâu như: Bác sĩ chuyên khoa PHCN, bác sĩ được đào tạo các chuyên khoa lẻ, kỹ thuật viên PHCN trình độ đại học và sau đại học...
Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị giảm mạnh dẫn đến công suất sử dụng giường bệnh giảm, không đạt theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bệnh viện PHCN tỉnh có công suất sử dụng giường bệnh là 53,57%, giảm 54,69% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lần khám bệnh 1.542 lần, giảm 28,58% so cùng kỳ. Bệnh nhân vào viện 1.520 bệnh nhân, giảm 9,3%. Số ngày điều trị trung bình 1 bệnh nhân là 17,79 ngày.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Lâm Đồng, Bệnh viện PHCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động và bệnh nhân tại bệnh viện. Triển khai thành lập phòng khám hô hấp tại cổng bệnh viện theo chỉ đạo của Sở Y tế Lâm Đồng, sàng lọc SARS-CoV-2 cho tất cả những người vào bệnh viện có triệu chứng ho, sốt, cảm cúm...
Bệnh viện tiếp tục duy trì công tác khám chữa bệnh an toàn, thực hiện phân luồng sàng lọc người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở theo đúng quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Duy trì đánh giá bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống COVID-19 tại bệnh viện theo quy định. Cập nhật thường xuyên các văn bản chỉ đạo về tình hình dịch bệnh COVID-19, quán triệt toàn thể cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của bộ, ngành và UBND tỉnh ban hành. Thường xuyên kiểm tra đảm bảo cơ số trang thiết bị, trang phục phòng hộ, thuốc và các nội dung khác theo sự chỉ đạo của Sở Y tế trong khu vực phân luồng và cách ly tạm thời tại bệnh viện. Tổ chức trực cấp cứu, điều trị và đảm bảo các hoạt động chuyên môn trong dịp lễ, tết, phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai thực hiện ứng dụng quét mã QRcode Vietnam Health Declaration tại 2 điểm kiểm soát phòng dịch COVID -19 của bệnh viện. Triển khai 2 kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, gồm: Kỹ thuật sắc thuốc thang và đóng gói thuốc bằng máy và kỹ thuật xét nghiệm virus test nhanh SARS-CoV-2.
Trong thời gian qua, Bệnh viện PHCN tỉnh đã cử cán bộ y tế tham gia hỗ trợ trực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 các huyện Lạc Dương, Đạ Huoai; cử 11 cán bộ hỗ trợ điều tra, truy vết, lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 trên địa bàn TP Đà Lạt. Cử 5 cán bộ y tế của bệnh viện tham gia đoàn y bác sĩ tình nguyện của Lâm Đồng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh viện PHCN tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến chương trình PHCN dựa vào cộng đồng cho 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Theo khảo sát, tỷ lệ người khuyết tật (NKT) được tiếp cận với các dịch vụ y tế trên tổng số NKT được điều tra trong tỉnh là 10.406 người /11.017 NKT, chiếm 94,4%. Tỷ lệ trẻ em từ sơ sinh đến dưới 6 tuổi được sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm các dạng khuyết tật trên tổng số trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh là 81.920 trẻ /84.529 trẻ, đạt 96,9%.
Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã triển khai kiểm tra, giám sát tại 26 xã thuộc 12 huyện, thành phố. Có 27 cán bộ phụ trách chương trình tuyến huyện, xã, phường và trưởng các trạm y tế xã được hướng dẫn về quản lý chương trình, tập huấn chuyên môn về phát hiện, đưa vào quản lý và điều trị NKT. Tổ chức tập huấn chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đạ Tẻh trong năm 2021 cho 62 học viên là cán bộ phụ trách chương trình PHCN dựa vào cộng đồng của các huyện và trưởng các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Bệnh viện PHCN tỉnh đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp với kế hoạch vốn năm 2021 là 18 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án. Hiện nay, chủ đầu tư đang tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến công trình sẽ khởi công vào tháng 12/2021. Đến 31/8/2021, số vốn đã giải ngân là 1 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch. Dự kiến giải ngân đến cuối năm 2021 là 10 tỷ đồng, đạt 100%.
Theo đó, căn cứ vào tình hình thực hiện và khả năng giải ngân của dự án, Bệnh viện PHCN Lâm Đồng đề xuất rút vốn kế hoạch năm 2021 từ nguồn ngân sách địa phương của dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện là 8 tỷ đồng. Lý do, số vốn dự kiến giải ngân đến cuối năm 2021 là 10 tỷ đồng, vì vậy, số vốn không thanh toán hết xin trả lại là 8 tỷ đồng.
Định hướng trong thời gian tới, Bệnh viện PHCN tỉnh tiếp tục triển khai đánh giá việc cải tiến chất lượng bệnh viện tại các khoa, phòng. Tăng cường tiếp nhận bệnh nhân đảm bảo công tác khám điều trị đạt công suất, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Xây dựng kế hoạch thi tay nghề cho nhân viên y tế tại bệnh viện. Xây dựng kế hoạch phát triển kỹ thuật mới năm 2022 tại bệnh viện. Tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đơn vị. Quan tâm, đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị cho cán bộ y tế. Rà soát các tiêu chí cần cải tiến để tiếp tục nâng cao chất lượng bệnh viện.
AN NHIÊN