Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, cũng là khi những hàng rào phòng thủ kiên cố nhất đã bị ảnh hưởng. Tỉnh Lâm Đồng cũng không là ngoại lệ...
Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, cũng là khi những hàng rào phòng thủ kiên cố nhất đã bị ảnh hưởng. Tỉnh Lâm Đồng cũng không là ngoại lệ. Nhưng chính trong thời điểm khó khăn nhất, sự đồng thuận, tình đoàn kết của cộng đồng và ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong cuộc chiến đầy cam go này lại được đẩy lên cao nhất, trở thành một loại “vắc xin đặc biệt” cùng hướng tới mục tiêu chung: Chiến thắng đại dịch.
Dịch bệnh COVID-19 xâm nhập và gây ảnh hưởng ở Việt Nam từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, sự chủ động của chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đã giúp trận địa Nam Tây Nguyên được giữ vững trong thời gian dài. Cho đến ngày 2/7/2021, khi ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Lâm Đồng cùng cả nước bước vào cao điểm chống dịch. Tất cả hệ thống chính trị, mọi cơ quan, tổ chức từ cấp tỉnh đến tận thôn, xóm; các lực lượng y tế, quân đội, công an, phường xã, doanh nghiệp…; từ người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến mỗi tình nguyện viên đều đã bước vào cuộc chiến với khả năng, sức lực, tinh thần cao nhất. Ngoài lực lượng chuyên môn trực tiếp làm nhiệm vụ, các tầng lớp nhân dân tùy theo đặc thù công việc, lợi thế của mình để có những đóng góp khác nhau, tất cả chung sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh chung chống dịch.
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng:
PHÁT HUY TINH THẦN XUNG KÍCH CỦA TUỔI TRẺ
Thời gian qua, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã luôn có mặt ở cả tuyến đầu lẫn hậu phương để góp sức cùng các cấp, ngành triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
156 đội hình Thanh niên tình nguyện với hơn 4.600 bạn trẻ đã chủ động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Hơn 100 tình nguyện viên là các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt và Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng đã xung phong lên đường chi viện cho tỉnh Bình Dương và các địa phương trong tỉnh. Đội hình xe cấp cứu tình nguyện với 56 đầu phương tiện do Đoàn Thanh niên thành lập sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Không chỉ có mặt trên tuyến đầu, thanh niên còn là lực lượng xung kích hỗ trợ các chuyến xe yêu thương do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đoàn thể các cấp tổ chức. Gần 1.300 tấn nông sản và nhu yếu phẩm cần thiết đã được gửi đi để chia sẻ khó khăn ở các vùng dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên, Đồng Nai, Khánh Hòa... Việc thành lập Đội Phản ứng nhanh với 30 xe bán tải của thanh niên đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ vận chuyển nông sản, nhu yếu phẩm phục vụ công tác hậu phương chống dịch. Các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh cũng đã đồng hành với bà con nông dân trong tỉnh qua Chương trình “Chuỗi kết nối bao tiêu nông sản”, hỗ trợ tiêu thụ hơn 200 tấn nông sản.
Hàng chục nghìn khẩu trang, kính chống giọt bắn, nước/cồn sát khuẩn, quần áo bảo hộ… mang theo tấm lòng của thanh niên đã được chuyển đến các vùng dịch trong và ngoài tỉnh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm, nhưng sức khỏe của Nhân dân và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh là động lực to lớn, thôi thúc màu áo xanh thanh niên vững tinh thần, vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
ÔNG Hoàng Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng:
ỨNG PHÓ NHANH, CHĂM LO CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO DỊCH BỆNH
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. “Tổ Thường trực ứng phó với dịch bệnh COVID-19” đã được thành lập để kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cũng chỉ đạo các cấp công đoàn phát huy hiệu quả hoạt động của “Tổ an toàn COVID-19”; phối hợp với chính quyền đồng cấp lãnh đạo doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” - doanh nghiệp an toàn không có dịch.
Ngoài ngân sách của Nhà nước, nguồn kinh phí của LĐLĐ tỉnh cũng hỗ trợ cho người lao động là F0, F1 và các trường hợp F2 có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc xét chọn, chi hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, LĐLĐ còn chi hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch số tiền trên 1,99 tỷ đồng; hỗ trợ 119 đơn vị tuyến đầu chống dịch với số tiền 813,9 triệu đồng (riêng LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 23 đơn vị với số tiền 529 triệu đồng); chi hỗ trợ cải thiện, tăng cường dinh dưỡng bữa ăn cho 139 viên chức, sinh viên ngành y được tăng cường để làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh với số tiền 139 triệu đồng từ nguồn tài chính tích lũy của LĐLĐ tỉnh.
LĐLĐ tỉnh và CĐCS cũng vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19 và Quỹ Vắc xin cho công nhân. Các cấp công đoàn đã tích cực vận động, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ để hỗ trợ, chi viện cho người lao động và Nhân dân các địa phương có dịch trên 408 tấn nông sản, nhu yếu phẩm trị giá gần 4,5 tỷ đồng.
“Để không ai bị bỏ lại phía sau”, LĐLĐ đã và đang thực hiện những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Đồng thời, đồng hành với doanh nghiệp giúp người lao động vững vàng vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà:
ĐẢM BẢO VAI TRÒ HẬU PHƯƠNG TIẾP SỨC CHO TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội Nông dân huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân nắm rõ nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Hội viên Hội Nông huyện Lâm Hà không chỉ ủng hộ khu cách ly tập trung của huyện mà còn gửi 150 tấn nông sản về TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Yên…, và khoảng 86 tấn nông sản tham gia các chuyến xe yêu thương do Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tổ chức để chia sẻ khó khăn với bà con trong vùng dịch. Trong thời gian tới, cán bộ, hội viên Hội Nông dân sẽ tiếp tục chung tay bảo vệ, giữ gìn vùng xanh mà huyện Lâm Hà vẫn đang nỗ lực, cố gắng duy trì. Đồng thời, tích cực tham gia vào các tổ COVID cộng đồng, các mô hình tự quản của từng thôn, tổ dân phố, tiếp tục tham gia trực chốt, nấu ăn phục vụ cho chốt kiểm dịch và các khu cách ly tập trung. Song song với nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch vẫn đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, Hội Nông dân huyện đang chỉ đạo, hướng dẫn hội viên, bà con nông dân tăng cường diện tích trồng rau màu để kịp thời cung ứng nông sản cho địa phương, cũng như hỗ trợ cho các tỉnh, thành gặp khó khăn do dịch bệnh.
Cô Trần Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Quảng Hiệp, huyện Đức Trọng:
MỘT MÙA HÈ ĐẶC BIỆT
Trong cuộc đời đi dạy của mình, đây là mùa hè đặc biệt nhất của tôi và các đồng nghiệp. Mùa hè này, các thầy cô giáo Trường THCS Quảng Hiệp đã tổ chức 3 đợt xuống vườn, cùng thu gom nông sản để gởi về cho người dân vùng dịch. Gần 5 tấn xà lách được thầy cô tận tay thu hoạch, đóng gói, bốc vác lên xe để đưa về LĐLĐ huyện Đức Trọng. Cùng với đó là gần 2 tạ cà tím, su su, hành lá, ớt chuông,... được phụ huynh ủng hộ. Toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường, trừ những ai ốm đau hay có con nhỏ, còn lại đều cố gắng sắp xếp tham gia. Chuẩn bị bước vào năm học mới, chúng tôi mong và tin rằng dịch bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát và đẩy lùi, để học sinh lại được đến trường, giáo viên lại an tâm đứng trên bục giảng sau một mùa hè đặc biệt với nhiều yêu thương và chia sẻ.
Bà Nguyễn Thu Huệ - thôn Tân Trung, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông:
MỘT MIẾNG KHI ĐÓI BẰNG MỘT GÓI KHI NO
30 tấn nông sản gởi xuống TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn do dịch bệnh và hơn 10 tấn nông sản góp sức trong Chương trình Chuyến xe yêu thương do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động là những gì tôi có thể làm được để chia sẻ khó khăn với bà con vùng dịch.
Là nhà nông, việc sản xuất, buôn bán nông sản của tôi đương nhiên cũng gặp khó khăn trong gần 2 năm dịch COVID-19 xảy ra, nhưng một miếng khi đói bằng một gói khi no, tôi vẫn mong muốn mình có thể sẻ chia trong khả năng có thể. Mình bớt ra một miếng ăn, nếu có khó thì cũng khó hơn chút xíu chứ không đói được, nhưng tôi hiểu mỗi túi rau, củ, quả có giá trị với người dân rất lớn trong thời điểm này.
***
COVID-19 là kẻ thù nguy hiểm vô hình và chưa từng có tiền lệ. Công cuộc chống dịch của cả nước nói chung, cũng như tỉnh Lâm Đồng nói riêng cũng vì vậy mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đã có những thắng lợi bước đầu nhưng cũng có những mất mát, hy sinh không tránh khỏi. Cuộc chiến này còn dài, khó khăn còn chồng chất. Hơn lúc nào hết, ý thức trách nhiệm và sự chung tay của cả cộng đồng chính là sức mạnh vô cùng to lớn để đại dịch được đẩy lùi, mở ra niềm vui chung trong cuộc sống bình thường mới.
VIỆT QUỲNH - NGỌC NGÀ