Vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất và an sinh xã hội

05:09, 03/09/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, biến chủng mới xuất hiện gây lây nhiễm nghiêm trọng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước...

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, biến chủng mới xuất hiện gây lây nhiễm nghiêm trọng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, riêng tỉnh Lâm Đồng đến ngày 1/9 đã ghi nhận 244 ca COVID-19. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh để vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất và an sinh xã hội. 
 
Các ban, ngành, đoàn thể của TP Đà Lạt ủng hộ rau, củ, quả cho 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch COVID-19
Các ban, ngành, đoàn thể của TP Đà Lạt ủng hộ rau, củ, quả cho 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch COVID-19
 
NHANH CHÓNG KHOANH VÙNG, DẬP DỊCH
 
Từ ca bệnh đầu tiên xuất hiện đầu tháng 7 tại huyện Đạ Tẻh, số ca bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong tháng 8/2021, Lâm Đồng đã xuất hiện 3 chùm ca bệnh COVID-19 tại Công ty Sợi Đà Lạt, Nhà xe Như Vinh và vựa rau Thu Bé (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương). Trước tình hình đó, các ngành, địa phương đã khẩn trương, thần tốc khoanh vùng, truy vết, đưa người đi cách ly đối với các trường hợp liên quan. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm cộng đồng tại các xã Trạm Hành, Xuân Trường (TP Đà Lạt) và thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), cũng như tại các chợ, nơi công cộng có nguy cơ cao, nhóm đối tượng nguy cơ. 
 
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng, công tác phòng, chống dịch tại các khu vực công cộng, cơ quan, đơn vị, khu, cụm công nghiệp, chợ, siêu thị... luôn được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Công tác này cũng đặc biệt được chú trọng tại các bệnh viện trong toàn tỉnh. Đến nay, 17/17 bệnh viện trong tỉnh triển khai thực hiện đảm bảo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống COVID-19 để vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực, đảm bảo an toàn trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300-500 giường tại Trung đoàn 994, huyện Đức Trọng thực hiện thu dung, cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 theo quy định khi cần thiết.
 
Để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa phương và lan rộng trong cộng đồng, tỉnh Lâm Đồng đang duy trì 15 chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn; thành lập 2.313 tổ COVID cộng đồng và hàng trăm tổ tự quản “bảo vệ vùng xanh”. 
 
Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10 ngày 2/8, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống dịch của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh dưới nhiều hình thức; bố trí số người làm việc hợp lý tại các cơ quan nhà nước theo hướng tăng cường giải quyết công việc, thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua.
 
Song song với công tác phòng, chống dịch, tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng và khẩn trương triển khai tiêm vắc xin cho các đối tượng. Đến ngày 29/8, đã tổ chức tiêm mũi 1 cho 100.140 người và mũi 2 cho 27.801 người. Tổng số đã tiêm 127.941 mũi trên tổng số vắc xin được Bộ Y tế phân bổ là 130.860 liều, đạt tỷ lệ 97,77%.
 
ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, “CHIA LỬA” CHO VÙNG DỊCH
 
Bên cạnh công tác tập trung phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội. Trong thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện kịp thời một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng quy định. Đến ngày 27/8, tỉnh đã chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định số 1900/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh, với tổng số 72.071 đối tượng được hỗ trợ số tiền hơn 108 tỷ đồng. Trong đó, chi cho người có công gặp khó khăn 2.540 người với số tiền 3,8 tỷ đồng; đối tượng bảo trợ xã hội 32.388 người với số tiền hơn 48,5 tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo 13.499 hộ với số tiền hơn 20 tỷ đồng; lao động tự do 22.201 người với số tiền 33,3 tỷ đồng; người bán vé số lưu động 1.643 người với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
 
Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp cung ứng nông sản để cung ứng rau, củ, quả về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Từ ngày 10/7 đến ngày 25/8, tổng lượng rau, củ, quả của tỉnh Lâm Đồng cung ứng cho TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và một số tỉnh khác là gần 160.000 tấn. Ngoài đảm bảo nguồn cung ứng rau, củ, quả cho các tỉnh trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác hỗ trợ nông sản cho các tỉnh, thành phố được triển khai kịp thời. Theo thống kê sơ bộ, đã có 11.000 tấn nông sản các loại được các tổ chức, cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vận chuyển, hỗ trợ cho người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Từ ngày 23/8 đến 15/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương như: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và TP Đà Lạt thực hiện thu gom, vận chuyển hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh với tổng số 5.000 tấn rau, củ, quả các loại. 
 
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chi viện 3 đoàn y, bác sỹ, điều dưỡng, sinh viên ngành y tế cho TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, nhằm “chia lửa”, hỗ trợ cho các tỉnh, thành này chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
 
Với mục tiêu ưu tiên cao nhất là phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới lãnh đạo, điều hành linh hoạt nhưng phải quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; tăng cường ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm phương châm “Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, kiên quyết không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh.
 
AN NHIÊN