''Bà đỡ'' học sinh, sinh viên vượt khó

05:10, 20/10/2021

Hiếu học là truyền thống của người Việt, nhưng với những hoàn cảnh khó khăn, để có hành trang vào đời bằng tích lũy kiến thức, nhiều gia đình học sinh, sinh viên...

Hiếu học là truyền thống của người Việt, nhưng với những hoàn cảnh khó khăn, để có hành trang vào đời bằng tích lũy kiến thức, nhiều gia đình học sinh, sinh viên (HSSV) gặp vô cùng khó khăn. Chính sách cho HSSV vay vốn những năm tháng trên giảng đường được xem như “bà đỡ” quý giá. 
 
Giải quyết vay vốn cho HSSV tại Chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng
Giải quyết vay vốn cho HSSV tại Chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng
 
TRẢ NỢ TỪ KHI CÓ VIỆC LÀM VÀ THU NHẬP
 
Về tín dụng đối với HSSV được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27/9/2007. Thực hiện Quyết định, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có Hướng dẫn số 2162A ngày 2/10/2007. Cụ thể, một số nội dung như: Người vay vốn tại NHCSXH là chủ hộ - đại diện cho hộ gia đình trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ NHCSXH, là cha hoặc mẹ hoặc người đại diện cho gia đình nhưng đã thành niên (đủ 18 tuổi) được UBND cấp xã sở tại xác nhận. Phương thức cho vay thứ 2 là HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động được trực tiếp vay vốn tại NHCSXH nơi nhà trường đóng trụ sở. Mỗi năm NHCSXH thực hiện giải ngân 2 lần vào các kỳ học. Người vay trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học. Số tiền cho vay được phân kỳ trả nợ tối đa 6 tháng/lần, phù hợp với khả năng trả nợ của người vay do ngân hàng và người vay thỏa thuận ghi vào Khế ước nhận nợ. Đến thời điểm trả nợ cuối cùng, nếu người vay có khó khăn khách quan chưa trả được nợ thì được NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ. 
 
Về thời hạn cho vay, khoảng thời gian được tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc và lãi được thỏa thuận trong Khế ước nhận nợ. Người vay và ngân hàng thỏa thuận thời hạn trả nợ cụ thể nhưng không vượt quá thời hạn trả nợ tối đa được quy định. Mức lãi suất cho vay là 0,5%/tháng; lãi suất nợ quá hạn là 130% lãi suất khi cho vay... 
 
Về mức cho vay tối đa đối với một HSSV là 800.000 đồng/tháng (8.000.000 đồng/năm học). NHCSXH nơi cho vay căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu của người vay để quyết định mức cho vay cụ thể đối với từng HSSV, nhưng tối đa mỗi HSSV không quá 800.000 đồng/tháng. Từ tháng 12/2019, mức vay tối đa điều chỉnh tăng lên 2.500.000 đồng/tháng/HSSV. 
 
NHIỀU HOÀN CẢNH ĐƯỢC “GIẢI THOÁT” 
 
 Ngày 16/10/2021, Phòng nghiệp vụ Chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng cung cấp kết quả cho vay tính đến ngày 30/9/2021 như sau: Doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm là 30.618,62 triệu đồng; doanh số thu nợ lũy kế từ đầu năm là 43.441,46 triệu đồng; tổng dư nợ 221.825,05 triệu đồng; số khách dư nợ là 6.289 khách, số lượt khách hàng vay vốn 437 khách. Tổng số HSSV còn dư nợ trong tháng là 6.907 người; số tiền giải ngân 312,50 triệu đồng; trong đó số tiền giải ngân cho vay lần đầu là 37,50 triệu đồng...
 
Chúng tôi đã trao đổi với một số khách hàng là chủ hộ gia đình trực tiếp vay vốn cho HSSV. Anh Nguyễn Liễu, 117, Đào Duy Từ, Phường 4, Đà Lạt là bố của Nguyễn Anh Khoa, SV năm 3 Trường Đại học Yersin Lâm Đồng vay để đóng học phí, sắm dụng cụ học tập, trang trải thêm cuộc sống. “Chúng tôi là vợ chồng già, nhờ vay được 50 triệu đồng cho cháu, nếu không, chắc có lẽ không học được. Thủ tục rất dễ dàng, chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước và ngân hàng tạo điều kiện để được vay. Từ khi vay được tiền, gia đình chúng tôi nhẹ hẳn gánh nặng, cháu thích đi học nên ai cũng mừng. Thực sự chính sách quá hay và thiết thực cho những hoàn cảnh HSSV đi học như gia đình chúng tôi”, anh Liễu nói. Được biết, em của Khoa đã tốt nghiệp ngành Điều dưỡng nay Khoa tiếp tục học thêm ngành thứ 2 là ngôn ngữ Anh. Còn chị Phìn Đào Thu Hương ở 45, Hùng Vương, Đà Lạt, là mẹ của Phạm Tuấn Vũ, SV ngôn ngữ Anh năm 3, Trường Đại học Đà Lạt, 2 đợt vay tổng cộng 25 triệu đồng. Chị Hương chia sẻ: “Do dịch COVID-19, gia đình đâu làm ăn gì được nên khó khăn không đóng tiền kịp các môn con nợ, may xóm làng bình chọn cho gia đình, bên phụ nữ giúp đỡ, nhà trường cấp giấy nên được vay”. Chị Hương cũng cho biết, trước đây do gia đình không biết chính sách cho vay của NHCSXH nên không có tiền, người anh của Vũ đang học năm thứ 3 Trường Đại học Kiến trúc đành phải bỏ dở chừng. Còn chị Lê Thị Thúy nhà ở Khu C5, Nguyễn Trung Trực, Đà Lạt là mẹ của Nguyễn Thị Thanh Loan, SV năm 4 Trường Đại học Tài chính - Marketing, nhờ khoản tiền vay nên giúp con ăn, học và ở trọ... Cũng theo chị Thúy, mọi người đã tạo thuận lợi để đến nay chị đã vay được tổng số tiền các đợt là 72,5 triệu đồng. 
 
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID -19, ngày 17/9/2021, NHCSXH đã có Công văn 8225 nhằm tạo điều kiện cho HSSV vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngày 20/9/2021, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng có Tờ trình 521 gửi UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có Công văn số 6814/UBND-TH3, ngày 24/9/2021, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu Văn bản số 8225 nêu trên để có văn bản đề nghị các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện. Đồng thời, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn; Chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục, hồ sơ, tạo điều kiện cho HSSV vay vốn đảm bảo chính xác, kịp thời và đúng quy trình, quy định...
 
MINH ĐẠO