(LĐ online) - Ngày 12/10, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão Kompasu và tình hình mưa lũ, UBND huyện đã có yêu cầu đề nghị các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với mưa, lũ và sạt lở đất.
(LĐ online) - Ngày 12/10, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão Kompasu và tình hình mưa lũ, UBND huyện đã có yêu cầu đề nghị các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với mưa, lũ và sạt lở đất.
|
Mùa mưa đến, một số hộ dân sống dưới chân đồi tại thôn Trung Hưng (xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên) lại thấp thỏm nổi lo sợ sạt lở đất |
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra sạt lở mái ta luy ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn do sạt lở đất gây ra, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, UBND huyện Cát Tiên yêu cầu UBND các xã, thị trấn khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát các ta luy có nguy cơ sạt lở, các công trình, nhà cửa xây dựng ven đồi có độ dốc cao hoặc nằm dưới các mái ta luy không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân (kể cả những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt...) để tổ chức tuyên truyền, vận động và có phương án kiên quyết sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Tuyệt đối không để người dân trở lại nhà khi chưa đảm bảo an toàn; cắm biển cảnh báo và tổ chức ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để cảnh báo, hạn chế qua lại, tránh nguy hiểm cho người dân. Báo cáo tình hình thực hiện về UBND huyện.
Quản lý chặt các điểm khai thác đất, các vị trí san ủi mặt bằng (đặc biệt tại xã Đồng Nai Thượng), các công trình xây dựng ven sông suối để có phương án phòng tránh nguy cơ sạt lở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.
Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng sạt lở đất, sạt lở ta luy, lũ quét, ngập lụt... gây thiệt hại đến tính mạng của người dân.
Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống úng cho diện tích rau màu, cây ăn quả; theo dõi sát diễn biến mực nước trên các sông để chủ động huy động nhân lực, phương tiện tham gia trực gác, phòng, chống úng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo Phương án số 01/PA-PCTT ngày 22/4/201 của Ban chỉ huy PCTT và TKCN, chỉ đạo của UBND huyện tại Văn bản số 1401/UBND-NN ngày 09/9/2021.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng tăng cường kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng, khai thác đất và các vị trí có nguy cơ sạt lở để triển khai thực hiện các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản của Nhân dân và các công trình công cộng.
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai để thông tin, cảnh báo và triển khai các biện pháp phòng tránh kịp thời. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai và các ý kiến chỉ đạo của UBND huyện.
HOÀNG SA