(LĐ online) - Sáng 6/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố chuẩn bị sẵn sàng tiêm vắc xin phòng Covid-19 số lượng lớn.
(LĐ online) - Sáng 6/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố chuẩn bị sẵn sàng tiêm vắc xin phòng Covid-19 số lượng lớn.
|
TP Đà Lạt đang triển khai tiêm vắc xin Vero Cell - Sinopharm mũi 1 phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi quy định từ 18 - 59 tuổi. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để triển khai tiêm vắc xin với số lượng lớn từ nay đến cuối năm 2021. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong triển khai cập nhật lên hệ thống tiêm chủng theo đúng tiến độ tiêm chủng của địa phương.
Tiến hành rà soát, tổng hợp số lượng và lập danh sách toàn bộ số đối tượng được ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế, bao gồm: Các đối tượng ưu tiên của UBND các huyện, thành phố; các đơn vị tuyến tỉnh và tuyến Trung ương đóng trên địa bàn huyện, thành phố hiện chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 để sẵn sàng tổ chức tiêm ngay khi được phân bổ vắc xin.
Tăng cường công tác truyền thông, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 để người dân trên địa bàn được biết và tiếp tục đăng ký tiêm vắc xin. Thực hiện công khai, minh bạch các đối tượng tiêm để người dân biết, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu kiện. Đẩy mạnh công tác truyền thông theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ: “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” để phòng bệnh Covid-19.
Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ tình nguyện, dân quân tự vệ, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số... phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức nhiều điểm tiêm chủng, nhiều bàn tiêm và thành lập các đội tiêm chủng lưu động để có thể chủ động tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 tại cộng đồng, tuyệt đối không để tập trung đông người và người dân phải đi quá xa đến điểm tiêm chủng.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để thành lập nhiều đội tiêm chủng cố định và lưu động theo tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo đủ năng lực tiêm số lượng lớn vắc xin từ 5.000 đến 10.000 liều/ngày/huyện, thành phố. Mỗi điểm tiêm tổ chức tiêm tối thiểu từ 200 - 300 liều/ngày và không quá 5 ngày/đợt tiêm chủng vắc xin. Mỗi đội tiêm tối thiểu có 4 cán bộ y tế/đội tiêm (1 các bộ có trình độ từ y sỹ trở lên để khám sàng lọc, 2 điều dưỡng và 1 cán bộ hỗ trợ khai báo y tế, phần mềm hồ sơ sức khỏe). Bổ sung lực lượng thanh niên, phụ nữ, dân quân tự vệ, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số... phục vụ công tác đón tiếp, hướng dẫn người dân đến tiêm chủng và nhập dữ liệu phần mềm tiêm chủng theo quy định. Chỉ đạo các điểm tiêm chủng thực hiện quy trình tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiêm chủng, trong quá trình thực hiện không phát sinh những thủ tục hành chính, hướng dẫn không cần thiết ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế; tư vấn, hướng dẫn để người dân nắm đầy đủ về đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng; các quy trình, thủ tục trước, trong và sau tiêm chủng.
Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Lâm Đồng nếu tổ chức không hoàn thành đợt tiêm trong 5 ngày theo kế hoạch đã triển khai của ngành y tế.
AN NHIÊN