Đạ Sar trường không xa

04:10, 05/10/2021

Xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương có 85% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, nhưng hộ nghèo còn 1,1% và năm 2021 cơ bản không còn hộ nghèo; cùng đó, khá về các mặt an sinh xã hội...

Xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương có 85% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, nhưng hộ nghèo còn 1,1% và năm 2021 cơ bản không còn hộ nghèo; cùng đó, khá về các mặt an sinh xã hội... Đó là thành quả từ sự quan tâm của chính quyền và nhiều trợ lực khác bên ngoài mà năng lực của hệ thống chính trị và dân trí địa phương quyết định. 
 
Tiết học của học sinh lớp 12 xã Đạ Sar
Tiết học của học sinh lớp 12 xã Đạ Sar
 
  TRƯỜNG TRONG TRƯỜNG, THẾ HỆ NỐI THẾ HỆ
 
Tôi bắt đầu từ câu chuyện với thầy giáo Nguyễn Văn Trí, người gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục xã Đạ Sar, là đại biểu HĐND xã 2 nhiệm kỳ. Thầy từ giáo viên làm quản lý của trường “một trong ba”: Trường Mầm non - Tiểu học - THCS Đạ Sar, nay là Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đạ Sar. Trước ngôi trường THCS&THPT tọa lạc lừng lững trên đồi cao cạnh Quốc lộ 27C, tôi chợt nhớ những ngày xưa, giáo dục gian nan nơi đất này. Hơn 20 năm trước, để tạo thuận lợi cho con em học lên bậc THCS, xã Đạ Sar hình thành những lớp nhô cấp 2 tại trường 3 cấp. Nhờ đó, số học sinh theo học THCS tăng theo từng năm để năm 2000, thành lập Trường THCS Đạ Sar do thầy Trí làm Hiệu trưởng. Tiếp tục giúp học sinh trong xã và 2 xã Đạ Nhim, Đạ Chais học lên bậc THPT, Trường cấp 2 làm thêm 3 phòng học bằng gỗ để mở lớp 10. Chín muồi nhu cầu, ngày 7/6/2005, UBND tỉnh quyết định thành lập Trường THCS&THPT Đạ Sar. Trường có một dãy nhà xây, phòng học gỗ tiếp tục sử dụng, bộn bề thiếu thốn...
 
“Phải cả một quá trình rất dài tuyên truyền trong Nhân dân và cá nhân các em học sinh ý thức rèn luyện mới có được nền nếp như bây giờ, chứ không phải hô cái là có liền. Làm sao phụ huynh vượt qua được tâm lý ỷ lại. Họ là những lớp học sinh được rèn luyện, học tập tại xã, họ có tri thức để phát triển kinh tế gia đình khá lên, nhận thức sâu sắc về học đường để thế hệ nối thế hệ học chữ”, thầy giáo Nguyễn Văn Trí nhận xét.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, Bơ nơ Cil Đa Nim, nhà ở thị trấn huyện Lạc Dương, tăng cường vào làm cán bộ địa chính cho biết, hiện đội ngũ cán bộ, viên chức xã Đạ Sar có gần 70% người đồng bào tại chỗ, riêng trưởng các ban, ngành và đoàn thể tỷ lệ này 100%. Trọng trách cao có Liêng Jrang Ha Rô Ky, Chủ tịch UBND xã, Liêng Jrang Ha Kim nguyên là Chủ tịch xã nay là Phó Bí thư Đảng ủy xã... Đội ngũ này là học sinh phổ thông trên đất Đạ Sar trưởng thành, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội xã; và với sự nghiệp giáo dục, là trách nhiệm của vị trí việc làm, là sự tri ân thầy cô và là tấm gương lan tỏa đến các phụ huynh và học sinh...
 
  PHÁT HUY NGUYÊN LÝ NHÀ TRƯỜNG - XÃ HỘI
 
Nhà nước tạo điều kiện về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; gia đình, chính quyền xã có vai trò huy động người học ra trường, cùng nhà trường duy trì, giữ vững nền nếp học sinh... Sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo, của huyện, xã không chỉ hỗ trợ thiết thực mà còn là động lực để trường học phấn đấu. Tuy nhiên, với trường học chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, bài toán chất lượng luôn thách thức đối với các nhà trường. Cả 3 trường của Đạ Sar, Mầm non, Tiểu học, THCS&THPT đều đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 đủ khẳng định chất lượng giáo dục, bởi đây là một trong những tiêu chuẩn quyết định. 
 
Như thầy Nguyễn Văn Trí nói, ngoài việc “vừa dạy vừa dỗ”, đội ngũ nhà giáo cần nhiều đến tâm huyết và luôn đổi mới phương pháp dạy học... Dẫn ra vài số liệu đạt kết quả ra sao, đó là: Năm học 2019-2020, duy trì sĩ số học sinh ở mầm non, tiểu học đạt 100%; bậc THCS&THPT đạt 95%. Học sinh tiểu học hoàn thành chương trình đạt 98,65%; học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100% và đều vào lớp 1. Bậc THCS, THPT học lực loại khá, giỏi đạt trên 44%, trung bình đạt gần 49%; 7% là học lực yếu và kém. Hạnh kiểm khá, tốt của học sinh toàn xã đạt 98,25%; trung bình 1,75%; không có học sinh yếu kém. Năm học 2020-2021, toàn xã có 429 học sinh mầm non; 768 học sinh tiểu học và 462 học sinh THCS, THPT. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100% ở trẻ 5 tuổi và bậc tiểu học; bậc THCS, THPT giữ vững tỷ lệ huy động 95,8%...
 
  ĐIỂN HÌNH TRƯỜNG THCS&THPT ĐẠ SAR
 
Năm học 2020-2021, trường có 354 học sinh THCS, 108 học sinh THPT, trong đó học sinh dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm trên 87%. Tỷ lệ tuyển sinh lớp 6 đạt 100%; tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 đạt trên 83%, tăng 15% so với năm học 2019-2020. Duy trì sĩ số học sinh vượt 6% so với năm học trước. Hiệu trưởng Phan Văn Thế dẫn chứng nhiều số liệu về “chất lượng hai mặt giáo dục học sinh đều nâng lên so với năm học trước”. Về học lực, trên 9,7% loại giỏi, 45% khá, 43% trung bình và gần 3% học lực yếu, không có học sinh xếp loại kém. Với hạnh kiểm, 74,6% loại tốt, 25% khá, 0,44% trung bình, không có học sinh loại yếu. Nhà trường có 2 học sinh giỏi cấp huyện và 2 học sinh đoạt giải Nhì cấp tỉnh tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật; 6 học sinh đoạt 9 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng hội thao cấp huyện. Càng trân trọng hơn khi Trường THCS&THPT Đạ Sar là một trong 38 trường trên 59 trường của tỉnh Lâm Đồng đạt 100% học sinh tốt nghiệp bậc THPT năm 2021...
 
Thành công nhờ nhiều yếu tố, trong đó vai trò đội ngũ nhà giáo rất quan trọng. Mặc dù đa số nhà ở Đà Lạt, gần 32% dân tộc thiểu số, nhưng ngoài đạt trình độ chuẩn, ở đội ngũ ấy còn là tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Cuối năm học 2020-2021, 36/37 cán bộ, viên chức hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có ai không hoàn thành nhiệm vụ. Trên 14% Chiến sĩ thi đua cơ sở, 81% Lao động tiên tiến và 2 cá nhân được đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khen... Với danh hiệu là một trong 24 Tập thể Lao động xuất sắc của ngành Giáo dục Lâm Đồng; một trong 5 tập thể được Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh Lâm Đồng. 
 
  NĂM HỌC MỚI THÁCH THỨC MỚI 
 
Năm học 2021-2022, xã Đạ Sar có 423 học sinh mầm non, 774 học sinh tiểu học; tiếp tục huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp 1 và tuyển sinh học sinh lớp 6 đều đạt 100%. Đây là cơ sở để Đạ Sar duy trì bền vững phổ cập giáo dục. Bậc THCS có 349 học sinh/11 lớp và THPT có 104 học sinh/5 lớp; cả 2 cấp duy trì sĩ số 96,8%, tăng hơn năm học trước 1,8%... Trường THCS&THPT Đạ Sar hiện có 43 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó 17 nữ, 14 người là dân tộc thiểu số. 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, có 35,7% giáo viên THPT đạt trình độ thạc sĩ. Toàn trường có 28 phòng học và phòng hoạt động chuyên môn, đoàn thể cùng khối văn phòng. “Con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục”, Hiệu trưởng Phan Văn Thế khẳng định.
 
Toàn xã Đạ Sar hiện có 1.339 hộ với 5.999 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Hiện toàn xã còn 15 hộ nghèo, 54 hộ cận nghèo; trong đó có 30 học sinh đang học tiểu học được xã vận động hỗ trợ đồng phục, sách vở và đồ dùng học tập, miễn đóng các khoản phí đầu năm...
 
Như chia sẻ của Phó Chủ tịch Bơ nơ Cil Đa Nim: May mắn đối với xã là chưa xảy ra một ca nhiễm bệnh COVID-19 nào nên tổ chức dạy học phương án trực tiếp. Anh Đa Nim cho biết, đầu năm học, UBND xã đã phối hợp với các trường rà soát hiện trạng, đề nghị dọn dẹp môi trường. Thầy Phan Văn Thế cũng chia sẻ thêm: “Sự quan tâm của sở, lãnh đạo huyện và xã là động lực để thầy và trò nhà trường càng quyết tâm nỗ lực hơn với nhiệm vụ “mục tiêu kép”. Trường chia mỗi lớp thành 2, giáo viên dạy 2 buổi. Và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, giáo viên dạy thêm 2 tiết/buổi bằng trực tuyến. Tuy nhiên, nếu dạy học trực tuyến, khó khăn lớn nhất là chỉ có 30% học sinh đủ điều kiện về thiết bị, phương tiện để học và nhà trường đã lập danh sách gửi báo cáo huyện. Với tôi, một niềm tin mãnh liệt về một năm học 2021-2022 ở Đạ Sar sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả như những quả ngọt mùa thu hoạch của “mảnh đất tình người” này...
 
Bút ký: MINH ĐẠO