Điểm tựa vững chắc của dân làng

06:10, 25/10/2021

Từ thuở ấu thơ, dấu chân của Ha U đã theo bà con thôn Kăn Kill (D'Ran, Đơn Dương) với bao cuộc du canh du cư...

Từ thuở ấu thơ, dấu chân của Ha U đã theo bà con thôn Kăn Kill (D’Ran, Đơn Dương) với bao cuộc du canh du cư. Họ đi và mải miết tìm những mảnh đất vỡ hoang với một vụ lúa nương, vài bắp ngô không đầy hạt. Để rồi, khi bà con định canh định cư ổn định thì Ha U (sinh năm 1971) trở thành Bí thư Chi bộ, người uy tín của dân làng. 
 
Ông Ha U (bìa phải) thường xuyên hướng dẫn bà con thôn Kăn Kill phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. (Ảnh chụp ở thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19)
Ông Ha U (bìa phải) thường xuyên hướng dẫn bà con thôn Kăn Kill phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. (Ảnh chụp ở thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19)
 
Hành trình du canh du cư của bà con thôn Kăn Kill, được ông Ha U lưu giữ như những thước phim quay chậm. Ha U chậm rải kể từng thời kỳ, từng đợt du canh du cư. Nhưng cuối cùng ông vẫn kết luận lại rằng cho dù đi mãi, đi nữa, đi cho mòn dấu chân nhưng nghèo đói vẫn đeo bám, cái bụng không đủ no. Đêm nằm gác tay lên trán chỉ mong rằng “cái bụng cao hơn cái mặt”, làm sao cho dân làng mình không còn chạy vạy từng bữa ăn.
 
Những năm gần đây, cuộc sống người dân thôn Kăn Kill đã thay đổi một cách ngoạn mục. Cả thôn hiện có 115 hộ dân, 780 nhân khẩu thì chỉ còn vỏn vẹn 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Họ đã định cư ổn định ngay tại thị trấn dưới chân đập Đa Nhim. Không còn cảnh phá rừng, đốt nương, làm rẫy, tra hạt thóc, hạt ngô mà không biết vụ mùa có thu hoạch hay không; giờ đây, một hành trình mới vươn đến sự khá giả, giàu có đang là động lực vươn lên của Ha U và dân làng.
 
Ha U tâm sự: Trước đây mình từng công tác ở Đảng ủy thị trấn, một thời gian sau mình xin nghỉ để phát triển kinh tế gia đình; được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền và người dân trong thôn, kể từ năm 2008 đến nay mình đảm nhiệm vai trò là Bí thư Chi bộ của thôn. Qua thời gian công tác tại Chi bộ thôn, gần đây mình được bà con bầu là người uy tín của thôn xóm. Lúc mới về nhà làm kinh tế, dân làng và ngay cả gia đình mình còn lắm vất vả, thời buổi đó làm được nông sản cũng khó mua bán. Vả lại, thói quen canh tác: phát, cuốc, đốt, trỉa in hằn khá sâu trong tư duy canh tác của bà con. Chính vì vậy, để thay đổi được điều này, hướng dẫn bà con trồng trọt theo hướng tập trung, thâm canh là một điều mà mình quyết tâm làm bằng được.
 
Diện tích đất nông nghiệp của thôn Kăn Kill khoảng 26 ha, nếu chia bình quân trên số hộ dân là không lớn lắm. Nhưng đối với bản thân ông Ha U thì 3, 4 sào đất nông nghiệp nếu làm bài bản cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Có cơ hội được đi khá nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh khác nên ông Ha U phân tích: Tôi đã ghé nhiều lần ở vùng trồng rau của các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, P’Ró... tại huyện nhà, cũng đi hẳn ra Đức Trọng để tìm hiểu về việc trồng rau, củ, quả. Qua câu chuyện, nhiều bà con ở đó cũng làm chừng 3, 4 sào nhưng thu nhập rất ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang. 
 
Từ đó, Ha U quyết tâm thực hiện ngay trên chính mảnh đất của mình với 4 sào cà chua. Thành công với mô hình này, cất được ngôi nhà khang trang, kiên cố mới chỉ là kết quả của bản thân ông Ha U. Còn một thành công khác mà ông ra sức thực hiện chính là hỗ trợ để bà con ai ai đều làm được, cũng từ 3, 4 sào đất đó mà có thu nhập ổn định, dựng xây nên nhà cửa. Đến từng nhà hỏi chuyện làm nông, họp thôn lần nào cũng “nhờ” bà con nán lại một ít thời gian để nghe Ha U nói về chuyện trồng cà chua, trồng rau. Nhờ vậy, đến nay diện tích đất nông nghiệp ở thôn đã được người dân thâm canh các loại nông sản như: cà chua, rau, củ, quả. 
 
Vài năm trở lại đây, ông Ha U tiếp tục học kỹ thuật ghép cây hồng giòn để dạy nghề lại cho bà con. Theo ông Ha U thì cây giống ở thị trường khá đắt, nếu mua phải giống không chuẩn thì thiệt hại rất lớn. Vì vậy bà con chỉ cần ươm hạt giống vào bầu, sau đó trồng xuống vườn, còn công đoạn ghép thì đã có Ha U. Trước đây dân làng thường thuê người từ nơi khác đến ghép tại vườn nhưng cũng không hiệu quả vì không đúng thời điểm để ghép cây, người ta cũng “giấu nghề”, chỉ bày vẽ sơ qua. Còn riêng ông Ha U thì bắt tay chỉ việc cho nông hộ, qua đó các kỹ thuật như ghép, chiết giờ đây người dân khá thành thạo. 
 
Quyết tâm giúp đỡ bà con thôn Kăn Kill ai ai cũng có cuộc sống khá giả, một lần nữa Ha U lại tiên phong trồng giống chuối Laba, làm vườn su su vừa có thêm thu nhập, vừa giúp đỡ bà con trong khâu chọn giống và kỹ thuật trồng trọt. Trăn trở hiện tại của ông Ha U là làm sao vận động bà con chuyển đổi dần những vườn cà phê già cỗi sang giống mới hay những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
 
Làm giàu, phát triển kinh tế chính đáng trên mảnh đất của mình là điều mà ông Ha U luôn luôn nhắc nhở bà con; qua đó tránh lặp lại nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng làm nương rẫy, giã từ cuộc sống như những cánh chim mải miết bay trong rừng thẳm.
 
ĐỨC TÚ