Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực...
[links()]
Bài II: Xây dựng nông thôn mới - về đích trước hạn
Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Các địa phương đã thực hiện và phát huy hiệu quả cơ chế đầu tư trong Đề án phát triển đường giao thông nông thôn; Đề án phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ theo nhóm hộ; Đề án xã hội hóa, khuyến khích đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn... Đặc biệt, nổi bật vẫn là huy động được nguồn lực lớn đầu tư hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Diện mạo đô thị mới, nông thôn mới nhiều khởi sắc từ việc Đảng, Chính phủ quan tâm đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia |
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 là 360,49 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là 120 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 240,49 tỷ đồng. Hiện đã thực hiện xây mới và nâng cấp được 110 công trình với trên 140 km đường giao thông. Xây dựng được 15 công trình với 154 m cầu, 26 công trình trường học các cấp, 32 nhà văn hóa xã, thôn và nhiều công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn các xã nông thôn mới.
Đến nay, 100% số xã hoàn thành công tác quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và đã ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới. Các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân tại các xã nông thôn mới tiếp tục được ưu tiên đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng và hoàn thành tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch tỉnh đề ra.
Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 60.228 ha, tăng 2.571 ha so với cùng kỳ năm 2019. Về giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy tăng nhanh, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S vui mừng nhận định: Lâm Đồng có nhiều mô hình có giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm - đây là niềm vinh dự tự hào với một tỉnh đặc thù về nông nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh cũng có khoảng 165 chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ với sự tham gia liên kết của trên 16 ngàn hộ dân tham gia. Tổng diện tích đạt trên 24 ngàn ha, sản lượng đạt trên 337 ngàn tấn. Phần lớn nông dân trong tỉnh đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Đã có 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm.
Về giáo dục đào tạo của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, đến nay có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên. 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên. 100% số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 99%. Kết quả nỗ lực của toàn tỉnh đến tháng 9/2021 với tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 81,3%, đạt 100,4%.
Về y tế, mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị y tế tiếp tục được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. 100% xã, phường đã có trạm y tế. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 87,85%. Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%.
Về văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và ngày nay là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, nâng cao chất lượng “Khu dân cư kiểu mẫu” đã và đang được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, bước đầu đạt kết quả khả quan, nhận được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân.
Về môi trường, công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tốt. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, vận hành hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được chú trọng. Việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt đã được chính quyền các xã quan tâm chỉ đạo thường xuyên và bước đầu tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại các vùng nông thôn, khu dân cư trên toàn tỉnh.
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị - một trong những tiêu chí quan trọng xây dựng nông thôn mới đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên rõ rệt. Công tác cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm công vụ được nâng lên; tạo nền nếp văn hóa công sở, thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ cơ sở, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nỗ lực của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian qua đã góp phần quan trọng đưa tỉnh Lâm Đồng thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có: 101/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 91%); 22 xã đạt nông thôn mới nâng cao (trong đó, có 3 xã đạt tiêu chí kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao, 1 xã đạt tiêu chí kiểu mẫu giáo dục, 1 xã đạt tiêu chí kiểu mẫu môi trường); 3 huyện (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 thành phố (Đà Lạt và Bảo Lộc) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2 huyện (Cát Tiên và Lâm Hà) đang lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo về thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tâm huyết: Toàn tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới. Chú trọng tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư, từng hộ gia đình. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”, triển khai có hiệu quả các Cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Đặc biệt, các ngành, địa phương cần tập trung tiếp tục thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân để tạo nguồn lực thực hiện Chương trình. Tập trung cao độ hướng đến xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025. Triển khai có hiệu quả đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới Đức Trọng trong quá trình đô thị hóa.
NGUYỆT THU