Bên cạnh việc tiếp thu những giá trị văn hóa mới thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng, được chính quyền và Nhân dân Lâm Hà đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh việc tiếp thu những giá trị văn hóa mới thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng, được chính quyền và Nhân dân Lâm Hà đặc biệt quan tâm.
|
Làng nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch trong thời gian qua |
Lâm Hà là địa phương có nền văn hóa truyền thống đa dạng được tạo nên từ nhiều dân tộc đã và đang sinh sống trên địa bàn. Trong đó có văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa (tiêu biểu là dân tộc K’Ho), nhóm dân tộc phía Bắc (tiêu biểu là Thái, Tày), và nhóm dân tộc Kinh (đại diện là đồng bằng Bắc Bộ). Thông qua Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc với các chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng gắn với trình diễn trang phục các dân tộc, các vùng miền, các món ăn truyền thống, các trò chơi dân gian như: thi đẩy gậy, nấu cơm, kéo co, giã gạo, đi cà kheo, đấu vật, chèo thuyền, bắt vịt… đã thực sự thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân tới cổ vũ, động viên.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin Lâm Hà, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã tổ chức 9 lớp truyền dạy cồng chiêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Duy trì và tạo điều kiện hoạt động của 28 đội cồng chiêng, 16 câu lạc bộ (CLB) thơ, ca, CLB đàn và hát dân ca, mở 7 lớp tiếng K’Ho cho 300 cán bộ, công chức của huyện, hàng tuần đều có bản tin tiếng K’Ho được phát trên sóng Đài Truyền thanh - truyền hình huyện.
“Trong điệu hát Then chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội và cả phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Tày. Vì thế nên việc gìn giữ và phát huy hát Then đàn Tính luôn được những người con dân tộc Tày coi trọng. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội thì ý thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân cũng ngày một nâng lên, tuy nhiên chỉ những cái nào thực sự có sức sống về văn hóa thì mới còn tồn tại, còn những phong tục lạc hậu, cổ hủ cũng dần bị đào thải”, anh Hoàng Nhật Quang, cán bộ văn hóa - xã hội xã Phi Tô cho hay.
Chính vì vậy mà ở Phi Tô đã duy trì CLB Hát then - đàn tính từ nhiều năm nay. CLB hiện có 21 thành viên, trong đó người nhỏ nhất mới 9 tuổi. Trong quá trình gầy dựng, các thành viên cũng từng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chính nhờ “dòng chảy” văn hóa Tày vốn có trong mỗi cá nhân đã góp phần tạo dựng một vùng văn hóa khá ấn tượng trong không gian văn hóa Nam Tây Nguyên. Dù thực tế hiện nay không còn nhiều dịp để tổ chức các lễ hội liên quan đến hát Then thì hoạt động của CLB vẫn duy trì.
Nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc K’Ho trên địa bàn, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo ngành Văn hóa - Thông tin xây dựng và đưa vào thực hiện 2 đề tài khoa học về sưu tầm, phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ, văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn huyện như lễ hội mừng lúa mới, lễ cưới của dân tộc K’Ho, các làn điệu cồng chiêng, các bài dân ca, các vật dụng sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên.
Thông qua việc thực hiện các đề tài này, đã sưu tầm, chỉnh lý, hoàn thiện được 8 điệu chiêng cổ của đồng bào K’Ho, 10 bài hát dân ca, 5 bài khèn M’Buốt, R’Ken; Phục dựng được một nghi thức lễ hội như: Lễ hội mừng lúa mới, Lễ cúng thần lửa, Lễ cưới người K’Ho… Đến nay, huyện Lâm Hà đã có 11 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp bộ, cấp tỉnh, nhiều tập thể, cá nhân đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng khen thưởng.
Theo bà Chế Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Vừa qua, UBND huyện cũng đã có kế hoạch triển khai chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021- 2025. Trong đó tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên trên địa bàn huyện; nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền để ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh và có kế hoạch lưu giữ và truyền dạy; bảo tồn và phát huy giá trị các làng văn hóa truyền thống tiêu biểu để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch; hỗ trợ các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống.
Đồng thời tiến hành khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn nhằm phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, du lịch xanh,…
Huyện sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng để được hỗ trợ, hướng dẫn nghiên cứu, thống kê, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền; đồng thời được hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, tư vấn thiết kế, bố trí bục kệ, trưng bày hình ảnh hiện vật, từng bước đưa nhà truyền thống đi vào hoạt động là nơi để triển lãm, quảng bá, giới thiệu thành tựu kinh tế, xã hội; hình ảnh, con người, lịch sử, quá trình hình thành, phát triển của huyện Lâm Hà…
HỒNG THẮM