(LĐ online) - Sau những vất vả mưu sinh cộng với nỗi sợ hãi, lo lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, công dân Lâm Đồng,...
(LĐ online) - Sau những vất vả mưu sinh cộng với nỗi sợ hãi, lo lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, công dân Lâm Đồng, nhất là những người yếu thế trong xã hội đã được UBND tỉnh đón trở về địa phương. Hành trình trở về có niềm vui và cả những giọt nước mắt.
|
Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành có mặt tại cửa ngõ vào TP Đà Lạt để chào đón bà con |
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, kết thúc 2 đợt, gần 2.200 công dân đã được đón về Lâm Đồng an toàn. Ai nấy đều xúc động trước tình cảm cũng như sự chu đáo của chính quyền từ khâu tổ chức đến bố trí ăn ở khi chính thức được hít thở bầu không khí trong lành nơi chôn rau cắt rốn.
“Mấy chị em trích số tiền ít ỏi dành dụm còn lại thuê taxi ra bến xe để về quê. Háo hức bởi nhớ nhà, nhớ con lắm rồi” - chị Kơ Sa Ka Biểu (huyện Đam Rông) xúc động cho biết.
Về đến khu cách ly cũng là lúc số tiền kiếm được từ việc làm công nhân may mặc gần 2 tháng trời cũng chẳng còn là bao. Để mong thoát khỏi cái nghèo, người phụ nữ K’Ho bỏ lại gia đình với 2 đứa con nhỏ để xuống TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, niềm vui có tiền gửi về nhà chưa bao lâu thì công ty thông báo nghỉ vì dịch bệnh. Ròng rã hơn 3 tháng trời bám trụ trong căn phòng trọ vài mét vuông đã khiến người mẹ trẻ càng xót xa hơn khi nghĩ tới mẹ già, con nhỏ ở quê.
|
Công dân trở về được cấp trang phục bảo hộ để đảm bảo an toàn |
“Ban đầu mình tính làm mấy tháng kiếm tiền mua sữa cho con, ai ngờ… Thôi thà mình được về quê, có gì ăn nấy, được sống gần gia đình là hạnh phúc” - chị Ka Biểu nói.
Trước thời điểm đón công dân về, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan lắng nghe những khó khăn từ 12 huyện, thành phố. Cùng với đó là bàn bạc, lên phương án giải quyết các vấn đề phát sinh.
“Sau cuộc họp thống nhất phương án từ UBND tỉnh, gần như là “trắng đêm” để một lần nữa rà soát, liên hệ theo danh sách đã đăng ký. Rồi cũng phải dặn đi dặn lại mọi người nhớ đem theo đầy đủ giấy tờ, làm thủ tục xét nghiệm… Chính vì thế mà đến lúc xuống bến xe mọi việc vô cùng thuận lợi. Nói thật là ai cũng lo lắng, nhưng lo lắng bao nhiêu thì càng phải cố gắng làm tốt bấy nhiêu. Khi đón công dân về an toàn thì tất cả đều vui mừng và lúc ấy mới có thể thở phào nhẹ nhõm” - ông Nguyễn Trọng Phú - Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đơn Dương chia sẻ.
|
Lần này, tỉnh ưu tiên đón 7 nhóm đối tượng |
Trong hàng chục ngàn công dân ở các tỉnh, thành có dịch mong muốn trở về địa phương, UBND tỉnh đã quyết định ưu tiên cho 7 nhóm đối tượng: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người đang điều trị và khám chữa bệnh, phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở lên. Trước đó là hàng trăm thai phụ cùng thân nhân cũng được đón về bằng đường hàng không.
Kế hoạch đón công dân trở về được UBND tỉnh chuẩn bị từ lâu. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, tỉnh tạm ngưng kế hoạch để thực hiện hướng dẫn ai ở đâu, ở yên đó của Thủ tướng Chính phủ.
Như hầu hết những công dân khác, vợ chồng ông Phạm Văn Nghĩa (xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) cũng vô cùng sốt ruột và mong muốn từng ngày được về lại quê nhà. Dự định ban đầu chỉ ở TP Hồ Chí Minh 1 tháng để thăm con nhưng ông bà lại kẹt đến hơn 3 tháng. Tuy không gặp phải khó khăn về tài chính nhưng nỗi lo lắng khi mùa vụ cà phê đã đến mà chưa thể về khiến ông bà đứng ngồi không yên.
|
Các lực lượng căng mình hỗ trợ, sắp xếp tại khu vực Trạm dừng chân Phương Trang |
“Phải nói là ai cũng vui mừng khi được UBND tỉnh tạo điều kiện đón về như thế này. Gia đình cũng đã dự tính có lẽ phải tự túc di chuyển và xin về cách ly vì nhà cửa, vườn tược bỏ không mấy tháng rồi. Vợ tôi cũng bảo chẳng đâu sướng bằng ở quê, sống cuộc sống yên bình bên hàng xóm láng giềng” - ông Nghĩa nói.
Trong các cuộc họp lên phương án đón công dân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng chúng ta đang đón đồng bào, đón công dân của chúng ta về nhà. Chính vì thế, công tác chuẩn bị, tổ chức phải tiến hành hết sức khẩn trương, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Và hơn cả, đó chính là sự an toàn của cả đoàn công tác trong điều kiện dịch bệnh còn có những diễn biến phức tạp.
Dù ít nhiều đã có kinh nghiệm từ việc đón hơn thai phụ và người nhà trước đó nhưng lần này, việc tổ chức đoàn xe ô tô thay vì máy bay kéo theo rất nhiều những vấn đề liên quan. Trong đó, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho đoàn xe di chuyển quãng đường hơn 300 km là việc hết sức quan trọng.
|
Niềm vui của nhóm công dân trở về sau nhiều ngày mắc kẹt tại thành phố |
Thượng tá Cù Tuấn Nghĩa - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã phương án chặt chẽ, phối hợp với công an các tỉnh và công an các đơn vị, địa phương để dẫn đoàn một cách an toàn, nghiêm túc. Hành trình ấy được tiếp lửa bởi Công ty TNHH Phương Trang khi miễn phí toàn bộ các chuyến xe chở công dân, đoàn công tác và vật tư y tế.
Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo các sở, ngành cũng đã có mặt ở chân đèo Prenn chào đón bà con trở về. Ông đánh giá cao công tác chuẩn bị của các sở, ban, ngành, cũng như chính quyền các cấp huyện, thành phố trong việc tổ chức tiếp đón công dân trở về an toàn, tất cả người dân đều chấp hành nghiêm túc việc phòng dịch và luồng tuyến đã được sắp xếp từ trước.
“Ấm lòng”, “hạnh phúc”, “nghĩa tình” là những cụm từ mà những người được trở về nói với nhau. Chứng kiến những người lớn tuổi, người đang mang trong mình nỗi đau bệnh tật hay những em nhỏ mỉm cười khi trở về, những người trong đoàn công tác và chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui. Như thế để thấy được rằng, dẫu trong khó khăn, nguy hiểm của đại dịch, nhất định sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau.
HỒNG THẮM - CHÍNH THÀNH