Nhiệt huyết nghề giáo

04:10, 18/10/2021

8 năm gắn bó với nghề giáo như một cái duyên, cô giáo trẻ Nguyễn Bảo Châu, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (huyện Lạc Dương) qua nhiều mùa tựu trường vẫn cùng cái "duyên nghề" ấy đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho học trò với tất cả tấm lòng và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. 

8 năm gắn bó với nghề giáo như một cái duyên, cô giáo trẻ Nguyễn Bảo Châu, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (huyện Lạc Dương) qua nhiều mùa tựu trường vẫn cùng cái “duyên nghề” ấy đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho học trò với tất cả tấm lòng và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. 
 
Cô giáo Nguyễn Bảo Châu
Cô giáo Nguyễn Bảo Châu
 
Nghề chọn người chứ người không chọn nghề”, câu nói này có lẽ đúng với cô giáo trẻ Nguyễn Bảo Châu. Sinh năm 1992, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Toán tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, năm 2013, cô chính thức về dạy ở Trường THCS Hùng Vương và gắn bó với trường cho đến nay. Nhớ lại những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô Châu kể, cô vẫn không quên được những bỡ ngỡ, lúng túng của mình khi đó, cứ mãi lo sợ học trò không hiểu bài. Càng về sau, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các thầy, cô giáo trong trường, cô cũng đã tự tin đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học sinh. 
 
Cô Bảo Châu chia sẻ, trong suốt quá trình dạy học, cô nhận thấy có không ít em sợ môn Toán, coi việc học môn Toán là việc nặng nhọc, khô khan và trừu tượng. Để tăng sự hứng thú của học sinh với môn học này, cô đã lồng ghép phương thức “học mà chơi, chơi mà học” trong mỗi tiết Toán. Nhờ những tiết học này mà môn Toán không còn là nỗi sợ của nhiều em học sinh, giờ học môn Toán nay không còn khô khan, mệt mỏi như trước mà trở nên sôi động và hấp dẫn hơn. Học sinh tiếp thu được kiến thức nhẹ nhàng, việc củng cố kiến thức ngay tại lớp được hiệu quả hơn. Qua quan sát, chất lượng học tập của các em có sự tiến bộ rõ rệt.
 
Cô Châu còn cho biết, trường có khá đông học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu của các em còn yếu. Để mỗi em tiếp thu kiến thức đồng đều, cô đã áp dụng “Phương pháp định hướng phát triển năng lực học sinh” bằng cách đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Các tiết học của cô được dạy theo nhiều hình thức như: Kỹ thuật khăn trải bàn (cá nhân đóng góp ý kiến, nhóm trưởng sẽ tổng hợp và đưa ra ý kiến thống nhất); kỹ thuật mảnh ghép (mỗi cá nhân có những ý kiến nhỏ, sau đó ghép tất cả lại thành kiến thức bài học)...
 
“Mình quan niệm kiến thức chỉ có giá trị khi được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Do vậy, trong quá trình dạy học, mình chuyển giao nhiệm vụ, bài tập cho từng em. Khi đó, giáo viên sẽ nhìn thấy được khả năng, điểm yếu của mỗi em mà hỗ trợ. Hơn nữa, mình cũng sẽ rút ra được điểm cần sửa của bản thân trong bài giảng”, cô Châu chia sẻ. 
 
Một tiết học “Học mà chơi, chơi mà học” của cô Bảo Châu
Một tiết học “Học mà chơi, chơi mà học” của cô Bảo Châu
 
Không chỉ siêng năng tìm tòi, áp dụng các phương pháp mới, cô Châu còn tâm huyết viết ra phương pháp dạy Toán của riêng mình. Cô cho biết, giải hệ phương trình là một kiến thức khá quan trọng trong chương trình toán học của cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, ngoài ra nó còn liên quan đến các môn học khác như Vật lí, Hóa học. Tuy nhiên, cô nhận thấy, khi học sinh gặp các dạng toán liên quan đến hệ phương trình các em vẫn còn lúng túng, nhiều em chưa định hình được cách giải. 
 
Cô nghĩ, nếu giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh một số phương pháp đơn giản theo sách giáo khoa thì sẽ không giúp học sinh tìm ra được hướng giải quyết tất cả các bài toán liên quan đến hệ phương trình từ đơn giản đến phức tạp. Do vậy, cô đã nghĩ ra phương pháp “Nâng cao hiệu quả học tập thông qua định hướng một số phương pháp trong giải hệ phương trình cho học sinh lớp 9”. 
 
Bằng việc hệ thống một số phương pháp cơ bản và xây dựng hệ thống bài tập từ đơn giản đến nâng cao, phương pháp này giúp học sinh có những định hình cơ bản khi gặp hệ phương trình. Từ đó, giúp học sinh tiếp cận, làm quen và hình thành kĩ năng giải hệ phương trình ngay từ năm lớp 9. 
 
Với sức trẻ và sự năng động của mình, cô Châu còn giữ vai trò là Bí thư Chi đoàn của trường. Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện và trưởng thành, cô luôn đổi mới xây dựng nhiều phong trào, hoạt động thiết thực cho đoàn viên, thanh niên. Các hoạt động vui chơi, phong trào bảo vệ môi trường hay giúp đỡ bạn học khó khăn... do chi đoàn tổ chức đều thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.
 
Nhận xét về cô giáo Nguyễn Bảo Châu, thầy Đặng Phước Công - Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương cho biết: “Cô Châu là giáo viên trẻ của trường luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Trong chuyên môn, cô không ngần ngại đổi mới, áp dụng nhiều phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Với tính cách vui vẻ, luôn làm việc hết mình, không nghĩ đến thành tích, cô luôn được đồng nghiệp và học trò quý mến”. 
 
Từ những nỗ lực của bản thân, cô Nguyễn Bảo Châu nhiều năm liền đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, cô còn đạt thành tích xuất sắc trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”. 
 
NHẬT QUỲNH