Những trái tim nhân hậu, quả cảm

02:10, 20/10/2021

(LĐ online) - Từ nơi cách ly tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (Khách sạn Đường sắt, số 1 Quang Trung, TP Đà Lạt), chị Hoàng Thị Minh, Cử nhân điều dưỡng Khoa Mắt của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Phó đoàn cán bộ y tế Lâm Đồng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ câu chuyện...

(LĐ online) - Từ nơi cách ly tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (Khách sạn Đường sắt, số 1 Quang Trung, TP Đà Lạt), chị Hoàng Thị Minh, Cử nhân điều dưỡng Khoa Mắt của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Phó đoàn cán bộ y tế Lâm Đồng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ câu chuyện của các nữ y bác sĩ Lâm Đồng làm việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa tâm dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh.
 
Điều dưỡng Minh đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh
Điều dưỡng Minh đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh
 
TỪNG NGÀY MONG CHỜ ĐƯỢC ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
 
“Ngày mốt là ngày kết thúc đợt cách ly tập trung và trở về nhà, cảm giác vui mừng ấy tôi đã chờ đợi suốt 2 tháng qua. Tôi nghĩ chồng và các con của tôi là nguồn động lực to lớn thôi thúc tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe, làm việc cẩn thận, bảo hộ kỹ lưỡng để không bị nhiễm bệnh để trở về bên gia đình thân yêu của mình” – Chị Minh chia sẻ.
 
Từ hôm về Đà Lạt, ngày 15/10, chồng chị Minh đến thăm mang theo áo ấm cho chị và 2 người chỉ đứng cách xa hơn 2 mét nhìn nhau trong thương nhớ. Hai đứa con nhỏ của chị Minh (con gái 12 tuổi, con trai 7 tuổi) vẫn mong chờ mẹ về nhà như 2 tháng đã mong mỏi mẹ về nhà. Mỗi khi chị ra trực, gọi điện về nhà, các con hỏi: “Khi nào mẹ về, mẹ ơi sao mẹ đi lâu thế”, có khi con gái chị khóc đòi mẹ về vì con đang cần ở bên mẹ. Chưa bao giờ chị Minh đi công tác lâu như vậy, cũng không biết ngày nào về. 
 
Ngày 15/10, đoàn cán bộ y tế tỉnh Lâm Đồng tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc sau 53 ngày chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh trở về Lâm Đồng. Đoàn có tất cả 50 bác sĩ, điều dưỡng chia thành 3 nhóm cách ly tập trung tại Bảo Lộc, Di Linh và TP Đà Lạt đối với các trường hợp có con nhỏ, một số thực hiện cách ly tại nhà.
 
Với mục tiêu góp phần đẩy lùi, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và trên địa bàn toàn quốc nói chung, ngành y tế Lâm Đồng đã cử 50 cán bộ y tế có kinh nghiệm, năng lực, trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống dịch Covid-19 tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Trong đó, có 10 bác sỹ và 40 điều dưỡng, chiếm gần 50% là cử nhân điều dưỡng thuộc các đơn vị y tế: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, Trung tâm Y tế Di Linh.
 
Chị Minh nhớ lại, đó là ngày thứ sáu, trước ngày làm lễ xuất quân 24/8 chỉ có 3 ngày, chị nhận thông báo chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, trong hoàn cảnh nhà chỉ có 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ, ông bà đều ở xa, chị Minh đã vội vã đi mua sắm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho con. Sau đó, chị tham gia lớp tập huấn các kỹ năng chuyên môn để lên đường làm nhiệm vụ. Kế hoạch của đoàn công tác không ghi ngày về, chị giao 2 con nhỏ lại cho chồng và lên đường cùng đồng nghiệp đến nơi tâm dịch đang cao điểm với hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 đang cần chăm sóc, điều trị để giành giật sự sống.
 
Trong đoàn công tác có 25 nữ y bác sĩ; trong đó, có 10 chị có con nhỏ. Chị Minh lớn tuổi nhất (40 tuổi), còn bạn nhỏ tuổi nhất 22 tuổi. Có chị con chỉ mới 2 tuổi như: Cử nhân điều dưỡng Hà Thị Huyền Trang (Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng), điều dưỡng Phạm Thị Việt Nhi (Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện II Lâm Đồng) vẫn tình nguyện xung phong vào tâm dịch.
 
Đoàn cán bộ y tế Lâm Đồng chia tay Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh trở về Lâm Đồng ngày 15/10
Đoàn cán bộ y tế Lâm Đồng chia tay Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh trở về Lâm Đồng ngày 15/10
 
KÝ ỨC KHÓ QUÊN
 
Qua 53 ngày làm việc trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều điều để kể và là ký ức khó quên của đoàn chiến sĩ áo trắng Lâm Đồng. Chị Minh kể rằng: “Đến Bệnh viện Dã chiến số 1 có quy mô 4.500 giường, đặt tại Ký túc xá sinh viên Trường ĐHQG TP Hồ Chí Minh - Thủ Đức, chúng tôi được phân công công việc tại 3 bộ phận: Bộ phận làm trong ICU (hồi sức cấp cứu), làm trong block (chăm sóc bệnh nhân) và bộ phận làm hành chính. Tôi làm việc tại ICU - nơi chăm sóc và điều trị cho bệnh ở tầng 3 theo tháp phân tầng điều trị của Bộ Y tế, làm việc từ 6 - 8 tiếng/ngày.  Với bộ đồ bảo hộ cấp 4, thời tiết nắng nóng, mồ hôi tuôn chảy phía trong chiếc áo bảo hộ khiến những người phụ nữ như chúng tôi có những lúc cảm thấy đuối sức. Trong 1 phòng của khoa lúc nào cũng có từ trên 50 bệnh nhân thở máy HFNC, thở ô xy mask và ô xy mũi, nhưng chúng tôi đã hết lòng điều trị, chăm sóc không để bệnh nhân nào tử vong. Bộ phận hành chính và block làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Chúng tôi phải làm việc nhiều giờ liên tục như vậy, môi trường làm việc độc hại dễ lây nhiễm bệnh. 
 
Có 1 kỷ niệm đáng nhớ là bệnh viện đã tổ chức Trung thu cho những bệnh nhi ở đây và đoàn chúng tôi đã tham gia văn nghệ và tặng quà cho các cháu, xem họ như người thân của mình. Có những lúc khóc thầm vì nơi đây chúng tôi chứng kiến quá nhiều bệnh nhân, áp lực công việc nặng nề. 
 
Nhớ nhà, nhớ chồng con nhưng khi lao vào công việc, quên đi những tình cảm riêng tư, cảm thấy nỗi thống khổ của người bệnh Covid-19, không chỉ có người lớn mà cả trẻ em, nhiều gia đình cùng nhập viện. Khi ngày đầu chúng tôi mới đến nhận nhiệm vụ, chứng kiến rất đông bệnh nhân xếp hàng chờ làm thủ tục nhập viện, có bệnh nhân mang theo con nhỏ ẵm ngửa trên tay, nhìn mà rớt nước mắt.
 
2 tuần đầu, đoàn chưa có phòng ở gần nơi làm việc nên được bố trí ở tạm khu B cách 2 km mới đến bệnh viện khu A làm việc. Chúng tôi mặc đồ bảo hộ ngay từ nơi ở, di chuyển ra xe đón đi làm, có nhiều bạn nữ say xe vẫn cố gắng vượt qua. Sau 2 tuần, chúng tôi được bố trí chỗ ở mới gần nơi làm việc 500 m, cũng tuân thủ mặc đồ bảo hộ ngay từ nơi ở đi dưới cái nắng nóng chưa bao giờ chúng tôi trải qua như vậy.
 
 Để đảm bảo an toàn không lây nhiễm Covid-19, chúng tôi lúc nào cũng không được chủ quan trong mọi thao tác mặc và tháo phương tiện phòng hộ cá nhân và tuân thủ quy tắc 5K. Mặc dù vậy, tại Bệnh viện Dã chiến số 1 có hơn 20 y bác sĩ nhiễm bệnh; trong đó, có 3 người đồng đội nữ của chúng tôi đã nhiễm Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ. Các bạn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Y tế gọi điện thoại thăm hỏi, động viên và các bạn đã được ở tại khu cách ly riêng cho đến khi khỏi bệnh, với tinh thần lúc nào cũng lạc quan”. 
 
Với vai trò Phó đoàn công tác, chị Minh ngoài làm nhiệm vụ tại ICU, hàng ngày chị lo đặt suất ăn cho các thành viên trong đoàn, trước 18 giờ hàng ngày chị tổng hợp số lượng, nhu cầu (ăn chay, ăn mặn) để đăng ký suất ăn cho nhà cung cấp thực phẩm và chị cử thành viên phụ trách hàng tuần thêm việc tiếp nhận các suất ăn cho đoàn. Suốt 53 ngày cơm hộp chiến đấu với Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh, đoàn cán bộ y tế Lâm Đồng nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Lâm Đồng và các Điều dưỡng trưởng các bệnh viện trong tỉnh, người dân Lâm Đồng đã gởi hàng thực phẩm, thức ăn (trứng gà ta, phô mai, xúc xích, thịt gà, cá hấp, nước sốt, trái cây…) hỗ trợ, bồi dưỡng cho đoàn công tác.
 
Chị Minh chia sẻ: “Chúng tôi nhận được những lời thăm hỏi động viên qua những cuộc điện thoại của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh và những lời thăm hỏi từ gia đình, đồng nghiệp giúp chúng tôi có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
 
Dù đã kết thúc hành trình tình nguyện chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 của đoàn cán bộ y tế Lâm Đồng, nhưng nhắc lại câu chuyện, chị Minh vẫn nghẹn ngào, xúc động. Trò chuyện qua điện thoại, câu chuyện có lúc rơi vào khoảng lặng, tôi hiểu được trong sự xúc động ấy là trái tim nhân hậu, quả cảm hòa cùng nhịp đập của cả nước trong cuộc chiến chung tay đẩy lùi Covid-19. 
 
AN NHIÊN