Dịch bệnh đến, cả xã phong tỏa, nhà ai ở nhà nấy nhưng vẫn có những người phụ nữ bất chấp nỗi sợ...
Dịch bệnh đến, cả xã phong tỏa, nhà ai ở nhà nấy nhưng vẫn có những người phụ nữ bất chấp nỗi sợ, ngày ngày cùng nhau tất bật trong bếp để chuẩn bị bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu ngay từ những ngày đầu cho đến khi dịch bệnh qua đi.
|
Chuẩn bị bữa cơm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trong những ngày phong tỏa |
“Sợ chứ, dịch bệnh ai mà không sợ, nhưng khi cần thì mình phải làm thôi” - đó là tâm sự của chị Lê Thanh Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Xuân Trường và chị Bùi Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trạm Hành - 2 xã vùng ven Đà Lạt nơi vừa trải qua 31 ngày phong tỏa vì dịch COVID-19 bùng phát nơi đây.
Là người làm công tác Hội, 2 chị cho biết luôn quan tâm đến cuộc sống hội viên xã mình, cố gắng tạo điều kiện góp phần nâng cao đời sống cho phụ nữ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Những ngày giữa tháng 7 năm nay khi cả nước cùng nhau hướng về TP Hồ Chí Minh nơi đang là tâm dịch của cả nước, cả 2 chị đã cùng địa phương vận động hội viên phụ nữ trong xã mình chung tay đóng góp rau, củ, quả gửi đến thành phố này trên những chuyến xe 0 đồng. Tại Xuân Trường, chị Dung cho biết đã vận động được hơn 10 tấn rau, củ để chuyển về thành phố này trao cho người dân các khu phong tỏa, khu cách ly.
Nhưng cả 2 chị và những người dân nơi đây, đâu ngờ rồi dịch bệnh lại đột ngột xuất hiện ngay tại xã mình. “Có lẽ ngày 4/8/2021 là ngày mà người dân nơi đây trong đó có tôi không bao giờ quên trong cuộc đời mình, ngày mà chùm ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Công ty Sợi Đà Lạt, một doanh nghiệp đóng chân ngay chính giữa trung tâm xã chúng tôi. Thảng thốt, bất ngờ, hoang mang vì tôi cũng không bao giờ nghĩ lại có ngày dịch bệnh vô hình không biết từ đâu lại xuất hiện ở quê tôi như thế” - chị Liên nhớ lại.
Hãy hình dung Xuân Trường và Trạm Hành, 2 xã nằm tách biệt một mình trên những đỉnh núi. Cách Đà Lạt gần 25 km, từ 2 xã này xuống Đơn Dương với đường đèo dốc quanh co cũng trên 10 km, dân cư thưa thớt, thế nhưng COVID-19 lại đến hỏi thăm.
Hai ngày sau đó, ngày 6/8, cả 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh. Gác lại chuyện vận động giúp TP Hồ Chí Minh, 2 chị bắt đầu vận động các chị em trong xã cùng góp sức chống dịch ngay tại địa phương mình.
Ngay trong ngày đầu phong tỏa, chị Liên và chị Dung đã vận động được 8-9 hội viên phụ nữ trong các thôn của xã mình để tổ chức bếp nấu ăn hằng ngày phục vụ cho lực lượng chống dịch tại xã; trung bình mỗi buổi nấu từ 120-150 suất ăn, ngày nấu 2 buổi để cung cấp cho các chốt dân quân bảo vệ ở xã và các thôn, công an, cho bác sỹ, y sinh... Kinh phí nấu ăn ban đầu do xã cấp, sau đó được thành phố, tỉnh, nhiều nơi hỗ trợ.
|
Mang rau hỗ trợ đến nhà người dân trong những ngày phong tỏa |
Tại Xuân Trường, tổ nấu ăn này ban đầu đặt tại thôn Trường An. “Cứ tưởng dịch bệnh rồi sẽ qua mau, nhanh chóng được khống chế nhưng tình hình sau đó có vẻ không ổn, tâm lý ai cũng bất an” - chị Dung kể lại. Sau gần chục ngày tại thôn Trường An, theo chỉ đạo của xã, bếp ăn được dời vào thôn Đất Làng, là vùng xanh của xã, an toàn hơn cho công việc bếp núc, hậu cần. Vào Đất Làng chị Dung lại phải vận động một đội ngũ nội trợ mới, nhiều chị khi được vận động cũng ngần ngừ, lo lắng nhưng rồi hầu hết đều vui vẻ tham gia.
Tại Trạm Hành cũng vậy, chị Liên cũng vận động các chị em trong Hội cùng nấu ăn cho lực lượng chống dịch của xã. Vì đây là vùng trọng điểm nơi dịch bùng phát nên các bếp ăn trong xã được chia nhỏ, 19 chị cùng tham gia nấu ăn được chia thành 5 bếp, mỗi bếp ngày nấu 2 buổi, mỗi buổi cũng trên dưới 150 phần ăn, trước khi nấu phải chuẩn bị mọi thứ.
Để có những bữa cơm ngon, đảm bảo sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, các chị chủ động lên thực đơn, đổi món ăn hằng ngày. Thiếu gia vị, thiếu rau củ, thiếu thịt cá, thiếu gia vị... thì các chị lại gọi xin hỗ trợ, từ chị em hội viên trong xã, từ các đơn vị hội phường, xã trên địa bàn thành phố, từ Hội tỉnh, từ những nhà hảo tâm, nhà tài trợ. Nhiều người sau đó cũng tham gia nấu ăn sáng cho lực lượng tuyến đầu. Đến giờ, cơm và thức ăn được đóng gói, mang đến tận nơi, tất cả đều còn nóng.
Với tất cả các thành viên trong các bếp ăn tại 2 xã này thời gian đó là chuỗi ngày sáng mở mắt dậy là lo đến bếp, đi lại trên những con đường trong xã vắng ngắt bóng người; tối về trong tâm trạng lo lắng vì không biết mình ra ngoài cả ngày có lỡ nhiễm bệnh không dù đã trang bị áo quần, khẩu trang bảo hộ mọi thứ. Ngay cả người thân gia đình trong thời gian này các chị cũng tránh không dám tiếp xúc vì sợ lỡ mình có thể lây nhiễm cho cả gia đình. Nhiều cái tên được chị Liên, chị Dung nhắc đến trong những ngày nấu ăn này, ở Trạm Hành đó là chị Đặng Thị Châu, người thôn Trường Thọ; chị Nguyễn Thị Hồng Vân, người thôn Phát Chi; chị Trần Thị Nguyên Thủy, người thôn Phát Chi... Tại Xuân Trường, đó là chị Trần Thị Như Thùy, thôn Trường An; chị Thu, thôn Đất Làng...
Với vai trò là Chủ tịch Hội xã nên ngày ngày trong thời gian dịch bệnh 2 chị cũng thường xuyên hỏi thăm tình hình các chi hội, các hội viên trong xã ra sao, hỏi gia đình nào có chị em, người thân đi cách ly tập trung có con nhỏ ở nhà thiếu thốn thực phẩm gì không để tìm giải pháp tiếp tế, giúp đỡ. “Cùng với các chị em nấu bếp, ngày đó các cán bộ y tế ngày ngày chống dịch, đêm về ngủ lại ở Trạm xá xã chứ đâu được về nhà. Rồi các dân quân, lực lượng chống dịch của thành phố nhiều người cũng ở lại đây, ai cũng vậy thôi mà, khó là khó chung” - chị Liên kể lại.
Ngày 6/9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn chỉ đạo áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với xã Trạm Hành và Xuân Trường sau 1 tháng 2 xã này áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 21/9 vừa qua, 2 xã cũng đã ngừng giãn cách xã hội trong sự hân hoan chờ đón của mọi người dân nơi đây.
Với chị Dung và chị Liên, đây là một niềm vui vô bờ. “31 ngày phong tỏa, với 7.650 suất cơm cho tuyến đầu, tôi và các thành viên nhóm hậu cần rất vui vì đã đóng góp một phần nhỏ cho công tác chống dịch tại địa phương. Cứ mong sao dịch bệnh mau qua đi, mùa vụ đã đến để người dân còn tham gia sản xuất, các em nhỏ được đi học như mong đợi”- chị Dung nói.
Đặc biệt, với chị Liên, trong những ngày cuối gần dỡ bỏ phong tỏa, có một gia đình hảo tâm trong xã muốn tặng 1 vườn rau 40 tấn cho công tác chống dịch, chị đã vận động hội viên ra quân thu hoạch toàn bộ vườn rau này, ủng hộ 30 tấn cho TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu, còn 10 tấn phân phối đến các gia đình trong xã.
Điều ấm áp nhất theo 2 chị và những người dân nơi đây, trong những ngày dài dịch bệnh phong tỏa là biết rằng mình không cô đơn, bên cạnh luôn có sự quan tâm giúp đỡ rất lớn của cả thành phố, cả tỉnh, của nhiều nơi. “Đó chính là động lực lớn để người dân trong vùng dịch thêm hy vọng và niềm tin vượt qua được khó khăn” - chị Dung nói.
VIẾT TRỌNG