(LĐ online) - Ngày 29/10/2021, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải ký Văn bản số 1961 gửi UBND các huyện, thành phố về việc dạy học trực tiếp...
(LĐ online) - Ngày 29/10/2021, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải ký Văn bản số 1961 gửi UBND các huyện, thành phố về việc dạy học trực tiếp, thực hiện các Văn bản số 4808/BGDĐT-GDTrH ngày 21/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn bản số 7481/UBND-VX1 ngày 20/10/2021 và văn bản số 7644/UBND-VX1 ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung về việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh như sau:
Chào cờ đầu tuần tại trường tổ chức dạy học trực tiếp ở huyện Đạ Tẻh |
•
TỔ CHỨC CHO HỌC SINH TRONG TỈNH ĐI HỌC TRỰC TIẾP TỪ NGÀY 01/11/2021
UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn để xem xét quyết định cho các cơ sở giáo dục được dạy học trực tiếp từ ngày 01/11/2021 và linh hoạt thay đổi phương án dạy học phù hợp trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đối với cấp tiểu học, mầm non, hiệu trưởng căn cứ vào tình hình thực tế đề xuất với Phòng GDĐT để báo cáo UBND các huyện, thành phố xem xét, quyết định việc tổ chức hoạt động bán trú tại đơn vị; khi triển khai hoạt động bán trú phải đảm bảo nghiệm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của ngành Y tế.
Đối với các nhóm trẻ tư thục độc lập, các trung tâm tin học, ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học, dạy thêm học thêm chỉ được tổ chức hoạt động trực tiếp và phải đảm bảo các yêu cầu tại khoản c mục 6 của Quyết định số 2563/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng
(chỉ được hoạt động ở địa bàn (cấp xã) thuộc khu vực Cấp 1, cấp 2 thỏa mãn điều kiện: Đăng ký với UBND các xã, phường, thị trấn nơi tổ chức hoạt động, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19; giáo viên, nhân viên của cơ sở đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19; hoạt động không quá 50% công suất của cơ sở và không quá 50% số lượng trẻ em, học sinh mỗi lớp so với ngày thường).
•
MỘT SỐ YÊU CẦU KHI TỔ CHỨC DẠY HỌC TRỰC TIẾP CHO HỌC SINH
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn về việc tiêm vắc xin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong độ tuổi theo quy định của ngành Y tế để đảm bảo điều kiện an toàn khi tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp; triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương. Khi học sinh quay trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.
Sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Sở Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Bố trí thời gian hợp lý để tổ chức ôn tập, củng cố, dạy bổ sung những nội dung kiến thức cho học sinh trong thời gian học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình, nhất là đối với các học sinh không có điều kiện học trực tuyến, không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ dung kiến thức. Tuyệt đối không thu thêm kinh phí để tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh.
Các cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp có thể triển khai thêm một số hoạt động giáo dục như: ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khối lớp 12, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, phụ đạo học sinh yếu kém. Các nội dung khác vẫn thực hiện theo văn bản số 1804/SGDĐT-GDTrH ngày 07/10/2021 của Sở GDĐT.
Bên cạnh việc tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình với các nội dung phù hợp để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình. Tiếp tục sử dụng hệ thống học liệu dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, xây dựng các video bài giảng hỗ trợ dạy học trực tuyến giúp học sinh có thể tự học để giảm thời gian tổ chức dạy học trực tuyến và phát triển năng lực tự học cho học sinh.
Tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại) và an toàn thông tin trên môi trường mạng; Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tổ chức và quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với bậc học mầm non, tiếp tục thực hiện theo văn bản số 1523/SGDĐT-GDMN ngày 30/8/2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, văn bản số 1592/SGDĐT-GDMN ngày 10/9/2021 về việc hướng dẫn tổ chức CSGD trẻ em mầm non đáp ứng yêu cầu chương trình GDMN trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
M.ĐẠO