Trường THPT Lang Biang và mô hình nội trú dân nuôi

06:10, 29/10/2021

Thành lập 16 năm, có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là mô hình nội trú dân nuôi nên Trường THPT Lang Biang - Lạc Dương đang khẳng định là địa chỉ tin yêu của xã hội, nhất là đối với phụ huynh học sinh. 

Thành lập 16 năm, có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là mô hình nội trú dân nuôi nên Trường THPT Lang Biang - Lạc Dương đang khẳng định là địa chỉ tin yêu của xã hội, nhất là đối với phụ huynh học sinh. 
 
Giờ ăn trưa của học sinh nội trú
Giờ ăn trưa của học sinh nội trú
 
•  TRƯỞNG THÀNH THEO NĂM THÁNG
 
Năm học đầu tiên (2005-2006), Trường THPT Lang Biang có 468 học sinh/13 lớp; trong đó, học sinh phải ở nội trú tại trường gần 100 em. Năm 2009, nhằm tạo điều kiện thuận lợi học tập hơn cho học sinh, nhà trường xây dựng đề án tổ chức bán trú khoảng 100 học sinh và đổi tên Trường THPT bán trú Lang Biang. Tháng 7/2014, trường có tên mới như hiện nay: Trường THPT Lang Biang - Lạc Dương. Sau gần 6 năm tích cực đầu tư, cơ sở vật chất của trường hoàn thiện với 23 phòng học, hội trường, khu hiệu bộ, các phòng chức năng, phòng thực hành thí nghiệm. 
 
Thành lập chưa lâu, đầu vào tuyển sinh hạn chế năng lực, với học sinh DTTS chiếm trên 50%, có năm 70%, nhưng Trường THPT Lang Biang nỗ lực phấn đấu để đạt nhiều kết quả rất trân trọng. Trường có nhiều giáo viên giỏi cấp trường, có giáo viên giỏi, giáo viên nghiệp vụ sư phạm giỏi cấp tỉnh, nhà giáo tiêu biểu của ngành. Nhiều năm học có học sinh giỏi cấp tỉnh; học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học, Vật lý; học sinh Bon Jơ Ngân cùng Đào Vũ Nguyên đoạt giải Nhì về nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, được tuyển thẳng vào đại học... Nhiều năm học, Trường THPT Lang Biang nhận bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo.
 
Năm học 2020-2021, Trường THPT Lang Biang có 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trên 40% đảng viên, gần 19% là DTTS; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Trường có 409 học sinh/12 lớp, tăng hơn 8% so với năm học 2019 - 2020. Sự nỗ lực của nhà trường đã đưa đến nhiều kết quả: 3 học sinh giỏi và giải học sinh nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh; Huy chương Vàng bóng đá nữ và 5 Huy chương Đồng võ thuật cấp tỉnh; học lực học sinh xếp loại từ trung bình trở lên gần 93%, tăng 2,7%; không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu. Toàn trường có 69 học sinh giỏi và 173 học sinh tiên tiến...
 
•  NGÔI NHÀ THỨ HAI CỦA HỌC SINH 
 
Đó là nhìn nhận của thầy giáo TS. Cil Duin, nguyên Phó Hiệu trưởng, nay là Phó phòng Giáo dục và Đào tạo Lạc Dương, khi nói về khu nội trú của Trường THPT Lang Biang. Những ngày đầu, cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn nhưng còn gánh vác thêm nhiệm vụ quản lý và nuôi dưỡng học sinh các địa bàn vùng sâu, vùng xa như Păng Tiêng, Đạ Nghịt, Đưng K’nơh, Lán Tranh trọ học. Các em cách trường từ 35 km đến trên 60 km, điều kiện kinh tế gia đình và đi lại rất khó khăn. Khẩn trương tận dụng toàn bộ các dãy nhà nội trú cũ để bố trí cho các học sinh ở trọ là sự tiếp sức đến trường. Tổ chức hoạt động của khu lưu trú chủ yếu dựa vào chính sách của Nhà nước (150 ngàn đồng/học sinh/tháng (năm 2005); bình quân mỗi học sinh 5 ngàn đồng/ngày, trong lúc học sinh THCS của trường nội trú được chế độ ăn 12 ngàn đồng/ngày). Để giúp và giữ học sinh ở lại với trường, Trường THPT Lang Biang huy động sự góp sức của cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng cách vận động quyên góp giúp đỡ. Sở Giáo dục và Đào tạo biên chế 2 nhân viên tạp vụ và cấp dưỡng tổ chức nấu ăn cho học sinh lưu trú (chỉ ăn trưa và tối còn bữa sáng học sinh tự túc). Bù đắp cho các em là đời sống tinh thần và bồi dưỡng kiến thức bằng các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, phụ đạo của giáo viên. Tốt nghiệp THPT năm học 2005-2006 và 2006-2007, học sinh lưu trú đạt tỷ lệ cao hơn học sinh DTTS không phải lưu trú.
 
Từ năm 2009, nhờ nhà trường quyết tâm xây dựng đề án trường bán trú, học sinh được tăng chế độ. Tháng 3/2015, khu nội trú xây dựng trên tổng diện tích khuôn viên 2.000 m2 hoàn thành, khang trang như hiện nay: dãy nhà 2 tầng với 14 phòng ở (các công trình phụ khép kín), khu vực ăn, chế biến và nấu nướng tách biệt. Cùng đó, Quyết định 36/2013 và Quyết định 12/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp sức rất có giá trị đối với học sinh (mỗi em được 15 kg gạo/tháng và tiền ăn bằng 40% lương cơ bản, tương đương 460 ngàn đồng/tháng, không quá 9 tháng). Chi phí tiền điện, nước và sinh hoạt do phụ huynh đóng. Từ tháng 9/2016, theo Nghị định 116 của Chính phủ, khu nội trú còn được cấp kinh phí để hợp đồng người nấu ăn, mua dụng cụ thể dục thể thao, thuốc chữa bệnh với tổng cộng 150 ngàn đồng/học sinh/năm. Nhờ vậy, phụ huynh cơ bản không phải đóng góp nữa. Năm học 2020-2021, trường có 227 học sinh DTTS; học lực từ trung bình trở lên đạt 88,5%, không có học lực kém; không có học sinh hạnh kiểm yếu; 100% học sinh (56 em) đều tốt nghiệp THPT. 
 
•  KHÓ KHĂN KHI THAY ĐỔI QUY ĐỊNH
 
Từ tháng 6/2021, căn cứ quyết định về vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thay đổi, học sinh khu nội trú của Trường THPT Lang Biang chỉ còn 4 thôn thuộc diện được hưởng chính sách theo Nghị định 116 (29/100 học sinh). Khó khăn trở lại đối với các học sinh nội trú. Theo thầy Đặng Thành Long - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lang Biang, tiết kiệm tối đa, mỗi tháng học sinh phải đóng 1.060.000 đồng/em. Năm học 2021-2022, toàn trường có 488 học sinh, trong đó 53% là học sinh DTTS (ở nội trú khoảng 100 học sinh). Tuy nhiên, một số học sinh đành phải ra ngoài ở trọ, số khác đi về hàng ngày với quãng đường khoảng 20 km. Trước khó khăn này, đầu năm học, Huyện ủy Lạc Dương hỗ trợ các học sinh nội trú 20 triệu đồng; Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng kêu gọi hỗ trợ giếng nước cho học sinh nội trú qua phong trào “trường giúp trường”...
 
Khó khăn vẫn hiện hữu đối với nhiều học sinh DTTS nói chung, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa không thuộc diện hưởng chính sách theo Nghị định 116. Nhưng chất lượng giáo dục học sinh DTTS Trường THPT Lang Biang đang nỗ lực giữ vững. Thầy giáo Đặng Thành Long cho biết: Vấn đề phân luồng đầu năm học luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng; tổ chức góc học tập để tạo nề nếp, ý thức của học sinh và cả phụ huynh được giáo viên quan tâm đặc biệt. Cùng đổi mới phương pháp dạy học phân hóa năng lực học sinh là tổ chức phụ đạo miễn, giảm học phí; học sinh nội trú còn được tổ chức tự học trên lớp...
 
Hai trong 3 cô giáo phụ trách khu nội trú chia sẻ thêm với chúng tôi. Cô Cil Kồng nói: “Một số em ở nhà như con chim tự do bay nhảy, vào ở nội trú ban đầu cần phải quản lý nghiêm, có cả trường hợp mời phụ huynh cùng nhắc nhở để đưa các em vào nền nếp. Giáo viên phụ trách, các em tự quản đã xây dựng nội trú dần dần vào khuôn khổ, cùng nhau tiến bộ”. Cô Nguyễn Mai Anh chia sẻ, để đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn, tuy rất hạn chế về kinh phí nhưng hàng ngày cô lên thực đơn cố gắng tối thiểu đủ món, hợp đồng chặt chẽ về an toàn thực phẩm với nơi cung cấp, có tủ lưu mẫu hàng ngày, nhân viên y tế của trường thường xuyên kiểm tra... Chúng tôi cũng gặp học sinh lớp 12 đã ở 3 năm nội trú, Kơ Să Nghịu và Lơ Mu Ha Ni (xã Lát), Cil B’Ràng (xã Đưng K’Nơh), các em đều cảm nhận: Ở nội trú vui và học hỏi qua bạn bè, ăn và ngủ nền nếp... Đó là môi trường, động lực để học sinh DTTS Trường THPT Lang Biang tin yêu và tiến bộ. 
 
MINH ĐẠO