Bước vào năm học mới 2021-2022, trước tình hình chung do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường, công tác dạy và học của xã vùng sâu Lộc Bảo và Lộc Bắc (Bảo Lâm)...
Bước vào năm học mới 2021-2022, trước tình hình chung do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường, công tác dạy và học của xã vùng sâu Lộc Bảo và Lộc Bắc (Bảo Lâm) vừa đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt công tác dạy và học, đồng thời phải chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn, hiệu quả.
|
Cô và trò lớp 5A1 Trường Tiểu học Lộc Bảo đeo khẩu trang trong quá trình dạy và học, đảm bảo sĩ số lớp học tối đa 32 em/1 lớp để phòng dịch |
Trao đổi với chúng tôi, thầy Hoàng Văn Đãng, Phó Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bảo Lâm, cho biết: Năm học 2021-2022, trên địa bàn 2 xã vùng sâu Lộc Bảo và Lộc Bắc dù còn có một số khó khăn nhất định, nhưng trong công tác dạy và học được nhìn nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Cả hai xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Theo thầy Đãng, xác định nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bảo Lâm ngay từ đầu năm học đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo đối với các trường trực thuộc và trường dân tộc nội trú. Trên cơ sở đó, các trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Tại Trường Tiểu học Lộc Bảo (xã Lộc Bảo) trở về đây sau 1 năm, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, phấn khởi hiện hữu trên từng khuôn mặt của mỗi thầy cô giáo, các em học sinh khi năm học này được giảng dạy, học tập trong ngôi trường mới xây khang trang, rộng rãi và sạch đẹp. Ngoài điểm trường chính này, một phân hiệu thuộc Trường Tiểu học Lộc Bảo cách đó 4 km cũng được đầu tư, xây mới.
Thầy Trần Tất Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Bảo vui vẻ cho biết, trường mới khang trang, đáp ứng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đưa vào sử dụng đầu năm học này không chỉ tiếp thêm niềm tin phấn đấu học tập cho con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên hành trình kiếm tìm con chữ, mà còn tiếp thêm động lực cho những thầy cô giáo thêm yêu nghề, cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện cơ sở dạy và học của trường được đầu tư nâng cấp, đáp ứng 20 phòng học trên 20 lớp học với 641 học sinh. Các trang thiết bị dạy học, bàn ghế về cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ngoài ra, còn một số phòng học đang trong giai đoạn hoàn thiện và tiến tới bàn giao cho nhà trường.
Cùng với làm sạch đẹp khuôn viên, các thầy, cô giáo còn chú trọng công tác vệ sinh, bố trí các vị trí rửa tay, sát khuẩn đến việc nhắc nhở học sinh, phụ huynh tuân thủ các quy định của Bộ Y tế khi đến nơi công cộng. Tất cả vì một môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm công tác dạy và học.
“Trong công tác phòng dịch, nhà trường tổ chức dạy học 1 buổi theo hướng dẫn không vượt quá 50% học sinh toàn trường/1 buổi/1 ca. Từ đầu năm học tới nay, chúng tôi ghi nhận việc chấp hành, ý thức tự giác phòng dịch của các em được thực hiện rất tốt. Trẻ đến trường cũng như giáo viên, phụ huynh, học sinh nhà trường đều chú trọng yêu cầu thực hiện thông điệp 5K theo khuyến cáo của ngành Y tế, các thầy cô thường xuyên nhắc nhở phụ huynh và các em tới trường theo phương châm “Một cung đường, hai đểm đến” - thầy Mạnh chia sẻ.
Còn ở xã Lộc Bắc, qua ghi nhận tại Trường Mẫu giáo Lộc Bắc, Trường Tiểu học Lộc Bắc và Trường TH&THCS Hoàng Hoa Thám, cơ sở vật chất đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Các trường vừa chú trọng thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 vừa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Để các em lên trường học đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã triển khai tốt các biện pháp thiết thực để phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Giáo dục và khuyến cáo của ngành Y tế.
Theo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bảo Lâm, thời gian qua chất lượng giáo dục trong huyện nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại hai xã Lộc Bắc và Lộc Bảo nói riêng đã có những thay đổi rõ nét. Theo thống kê năm học 2020-2021 học sinh các cấp xếp loại học lực giỏi, khá tăng; học sinh yếu, kém giảm dần so với những năm học trước. Có học sinh giỏi các môn văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi tới lớp xấp xỉ 100%. Nhiều trường có tỷ lệ hoàn thành chương trình cấp học đạt 100%.
Với việc chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sự quyết tâm cao của toàn ngành, dù phải trải qua nhiều khó khăn của đại dịch COVID-19 nhưng tin rằng, thầy, cô giáo và học sinh các trường học trên địa bàn các xã vùng sâu sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm học 2021-2022.
C.PHONG