Xuyên rừng gieo chữ

04:10, 18/10/2021

Lâu nay, người dân trong Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên sinh sống giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên nên gần như "biệt lập" với bên ngoài, vì vậy việc học hành của lũ trẻ cũng không dễ dàng...

Lâu nay, người dân trong Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên sinh sống giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên nên gần như “biệt lập” với bên ngoài, vì vậy việc học hành của lũ trẻ cũng không dễ dàng. Thế nhưng, với tấm lòng yêu thương con trẻ, những thầy cô giáo đã vượt lên vất vả để mang chữ đến với học trò vùng khó khăn này.
 
Để đến được điểm trường, các thầy cô phải băng qua 10 km đường rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên; trong đó, có hơn 5 km đường đất, mùa mưa đường trơn như đổ mỡ
Để đến được điểm trường, các thầy cô phải băng qua 10 km đường rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên; trong đó, có hơn 5 km đường đất, mùa mưa đường trơn như đổ mỡ
 
  GIAN NAN ĐƯA CHỮ ĐẾN TRƯỜNG
 
Điểm trường Thôn 4, Trường Tiểu học Phước Cát 2 nằm cách trung tâm thị trấn Cát Tiên chừng 40 km, được thành lập vào khoảng 35 năm nay. Để đến được điểm trường này, chúng tôi phải trải qua một hành trình dài với hơn 10 km xuyên qua những cánh rừng già Vườn Quốc gia Cát Tiên; trong đó, có hơn 5 km đường đất, mùa mưa đường trơn như đổ mỡ.
 
Điểm trường hiện có 21 em học sinh, được chia thành 3 lớp học. Trong đó, lớp 1 có 4 em do thầy Nguyễn Xuân Trà (sinh năm 1974) phụ trách; lớp 2 có 4 em, lớp 3 có 6 em do thầy Bạch Hồ Nam (sinh năm 1967) phụ trách; lớp 4 có 3 em, lớp 5 có 4 em do thầy Phan Gia Lợi (sinh năm 1966) phụ trách. Tại điểm trường này, chỉ có các em học sinh lớp 1 là được học trong một phòng riêng biệt; các lớp 2 và 3, lớp 4 và 5 được xếp học chung một phòng. Ở các lớp học ghép, mọi thứ đều sẽ phải chia đôi, từ bàn ghế đến tấm bảng. Chẳng hạn, như khi các em lớp 3 đang học làm toán thì học sinh lớp 2 được học Tiếng Việt. 
 
Lớp học tuy có ít học sinh, nhưng điều đó không đồng nghĩa với công việc giảng dạy của các thầy trở nên dễ dàng. Ngược lại, hành trình đem con chữ đến với các em khá vất vả. Thầy Nguyễn Xuân Trà chia sẻ: Thông thường, chiều thứ Sáu, các thầy lại trở về nhà. Đến sáng thứ Hai, các thầy trở lại trường, mang theo lỉnh kỉnh đồ ăn đủ dùng cho cả tuần.
 
Để đến được điểm trường, các thầy phải leo những con dốc rất cao, mất cả tiếng đồng hồ. Nhưng đó là lúc trời nắng, còn trời mưa, con đường trở nên trơn trượt. Muốn về, các thầy thì phải quấn xích vào bánh xe để di chuyển ra bên ngoài con đường lớn. Ấy thế mà cũng phải mất hàng giờ mới có thể đến được trung tâm xã.
 
Nhưng bù lại, các em học sinh ở đây rất ngoan, đi học rất đều, còn phụ huynh thì rất yêu quý các thầy. Đơn cử như ngày đầu tiên của năm học 2021-2022, khi các thầy đến, 100% các em học sinh cùng phụ huynh đã có mặt từ sớm, kể cả các em học sinh lớp 1 mà không cần phải đi vận động. Đó chính là động lực để chúng tôi thêm quyết tâm gắn bó với nơi này - thầy Trà cho hay. 
 
Tiếp lời, thầy Bạch Hồ Nam cho hay: Vì ở tách biệt với cuộc sống xung quanh nên các em học sinh rất nhát, ít nói chuyện và các ngôn từ tiếng Việt rất hạn chế. Do đó, những thầy cô vào dạy, thì phải học tiếng địa phương trước để nói chuyện với các em cho các em hiểu rồi mới dần dần dạy tiếng Việt. 
 
“Đối với những thầy giáo lớn tuổi như chúng tôi, dạy chữ nơi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn yêu thương. Yêu thương không chỉ là tình cảm thầy trò mà còn là niềm thương mến với con người, vùng đất”, thầy Nam bộc bạch. 
 
Thầy Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không chỉ việc đi lại rất khó khăn, điểm trường Thôn 4 còn không có sóng điện thoại. Chính vì vậy, việc liên lạc giữa nhà trường với các thầy rất khó khăn. Tại khu vực Thôn 4, chỉ có một số nhà dân là có sóng điện thoại, chính vì vậy nhà trường phải nhờ phụ huynh học sinh làm trạm thông tin mỗi khi có công việc gấp. Bên cạnh đó, công tác triển khai giảng dạy các môn học như Tin học, Tiếng Anh cho các em học sinh tại điểm trường cũng không thể thực hiện được.
 
  THẮP SÁNG NHỮNG HI VỌNG
 
So với những năm về trước, đời sống của người dân Thôn 4, xã Phước Cát 2 đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Đa số quãng đường vào thôn đã được Nhà nước đầu tư bê tông hóa kiên cố, ánh sáng lưới điện quốc gia đã được kéo về. Thế nhưng, nơi đây vẫn còn tụt hậu nhiều so với các khu vực khác, cái đói, cái nghèo vẫn mãi đeo bám người dân nơi đây. 
 
Ông Phan Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Cát Tiên cho biết: Những năm qua, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo huyện Cát Tiên, cơ sở vật chất hạ tầng nói chung, của ngành Giáo dục nói riêng ngày càng được đầu tư khang trang, đồng bộ; đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên, nhất là tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa của huyện. Hiện đời sống của bà con Thôn 4 đã có nhiều đổi thay, trẻ em trong thôn đến độ tuổi đến trường đều được đi học, cái chữ giờ không còn khó khăn với đồng bào nữa. Song trên tất cả, đồng bào nơi đây vẫn mong ước được hoàn thiện con đường lớn dẫn vào thôn để người dân và các thầy cô giáo đi lại thuận tiện, tiếp tục gắn bó với học sinh, thắp lên niềm hy vọng vượt qua nghèo đói và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
 
HOÀNG SA