Hỗ trợ học nghề, tạo sinh kế qua việc xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tế địa phương luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Lâm xác định là những giải pháp quan trọng...
Hỗ trợ học nghề, tạo sinh kế qua việc xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tế địa phương luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bảo Lâm xác định là những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện đời sống, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và giảm nghèo bền vững.
|
Các tổ vay vốn và tiết kiệm đang mang lại hiệu quả thiết thực cho các chị em phụ nữ |
Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lâm Võ Thị Viết Kha cho biết: “Hiện, phụ nữ Bảo Lâm chiếm 50,2% dân số và chiếm 47,3% lực lượng lao động xã hội trong toàn huyện. Phụ nữ ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm trong các vấn đề xã hội, cũng như góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, quê hương”. Thật vậy, ngày nay, phụ nữ không chỉ trực tiếp lao động tạo ra của cải vật chất, còn góp sức mình giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, trên nhiều lĩnh vực của đời sống như chung tay bảo vệ môi trường, tham gia lực lượng dân quân, tổ an ninh của thôn, tổ dân phố và đấu tranh, tố cáo, lên án hành vi bạo hành gia đình, trẻ em gái... Để chị em nâng cao nhận thức, có chính kiến và việc làm cụ thể, góp phần xây dựng xã hội văn minh, những năm qua, các cấp Hội tập trung lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về giới và bình đẳng giới, về dạy nghề, về giám sát và phản biện xã hội, gắn với phong trào thi đua Cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”...
Theo bà Kha, từ năm 2016-2020, các cấp Hội phối hợp tổ chức được 25 lớp đào tạo nghề, với 1.145 lượt chị em tham gia. Các ngành nghề được đào tạo bao gồm: May mặc, đan thêu, rang xay cà phê, sơ chế trà... Qua đó, các cấp Hội đã thành lập được một mô hình dệt thổ cẩm tại xã Lộc Tân, hai mô hình thêu ren và đan bèo tại Lộc Thành và Lộc Nam, một tổ dệt may ở thị trấn Lộc Thắng và một tổ tranh thêu tại xã Lộc Đức. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn xây dựng và duy trì hơn 120 mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, với nhiều hình thức như: Hũ gạo tiết kiệm, Nuôi heo đất, 5 giúp 1, Vần đổi công... và nhận ủy thác giúp 3.455 hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, với dư nợ hơn 133 tỷ đồng. Ngoài ra, 82 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện Bảo Lâm còn huy động được hơn 10,3 tỷ đồng hỗ trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. “Trong 5 năm qua, với 85 tổ tiết kiệm và số tiền huy động được 1,8 tỷ đồng, chúng tôi đã giúp 300 chị em vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Thêm nữa, chúng tôi còn đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 512 chị em vay 18 tỷ đồng, tạo nguồn vốn làm ăn. Hội LHPN xã Lộc An cũng đã thành lập mới 3 tổ quỹ xoay vòng, với hơn 1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các chị em khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững”, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc An Nguyễn Thị Vân Hải cho hay. Căn cứ vào đặc thù của phụ nữ, những năm gần đây, Hội LHPN xã Lộc Nam cũng đã tích cực vận động, khuyến khích hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn với Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch”. Nhờ đó, Hội đã thành lập được 11 mô hình vườn rau sạch, 2 mô hình ngày chủ nhật xanh, 3 mô hình thu gom rác thải và phế liệu, 10 mô hình tuyến đường hoa... “Từ thực tiễn công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch cho thấy cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa tích cực trong cộng đồng, góp phần trực tiếp đưa địa phương củng cố, duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới”, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Nam Đỗ Thị Chúc chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lâm Võ Thị Viết Kha, các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã được các cấp Hội triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thu hút đông đảo hội viên và các tầng lớp phụ nữ tham gia. Qua đó, vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, trong các vấn đề xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao, nhất là trong phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm giảm còn 2,3% (giảm 4,27% so với năm 2015). Trong đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm còn 6,5% (giảm 7,97% so với năm 2015).
TRIỀU KA