Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế

06:11, 24/11/2021

Nhằm từng bước xây dựng đội ngũ viên chức đủ về số lượng, đúng cơ cấu, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công việc được giao...

Nhằm từng bước xây dựng đội ngũ viên chức đủ về số lượng, đúng cơ cấu, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công việc được giao, Sở Y tế Lâm Đồng đang triển khai kế hoạch tuyển viên chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đợt 2 năm 2021. Việc tổ chức tuyển dụng viên chức được thực hiện theo phương thức xét tuyển với nhu cầu tuyển dụng 289 chỉ tiêu.
 
Ngành Y tế tập trung lực lượng khống chế dịch COVID-19 tại TP Đà Lạt
Ngành Y tế tập trung lực lượng khống chế dịch COVID-19 tại TP Đà Lạt
 
•  XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ Y TẾ CÓ NĂNG LỰC VÀ CHUYÊN MÔN GIỎI
 
Theo Sở Y tế tỉnh, hiện nay, toàn ngành Y tế Lâm Đồng có 3.825 người, đã tuyển dụng 3.089 người. Số lượng người cần tuyển dụng thêm 289 người; trong đó, có 188 chức danh nghề nghiệp hạng III và 101 chức danh nghề nghiệp hạng IV. Việc tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng căn cứ vào vị trí việc làm và tương ứng với các hạng chức danh nghề nghiệp và tương đương. Dự kiến, từ ngày 8-9/1/2022 tổ chức xét tuyển.
 
Trong 5 năm tới, ngành Y tế Lâm Đồng tập trung phát triển hệ thống y tế hoạt động có hiệu quả, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, công bằng, hiệu quả, bền vững, đáp ứng các yêu cầu về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong tình hình mới. Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống; giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm... góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực và chuyên môn giỏi. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 đạt tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2025 khoảng 1,0%; có 8,5-9 bác sỹ/vạn dân; đạt 24-25 giường bệnh/vạn dân và 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
 
Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế với các giải pháp như tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực y tế để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao ngày càng cao trong tình hình mới. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế; điều phối các hoạt động nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên y tế các tuyến bao gồm: công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, chế độ luân phiên...
 
Tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và trình độ sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành. Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, xâm hại đến nhân phẩm và sức khỏe thầy thuốc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cơ sở y tế. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện là các cơ sở thực hành để đào tạo nhân viên y tế; tổ chức đào tạo, đào tạo liên tục cho nhân viên y tế trong bệnh viện và tuyến dưới. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học lĩnh vực y, dược; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
 
•  CÁC CHỈ TIÊU VỀ NHÂN LỰC Y TẾ VÀ GIẢI PHÁP BỔ SUNG
 
Để đạt chỉ tiêu bác sỹ/vạn dân năm 2025, ngành Y tế cần bổ sung thêm từ 100 bác sĩ (8,5 bác sỹ/vạn dân) đến 170 bác sĩ (9 bác sỹ/vạn dân) so với hiện nay (mỗi năm cần bổ sung từ 20 bác sĩ đến 34 bác sĩ). Sở Y tế tỉnh đề ra giải pháp thực hiện các nội dung này như sau: Tiếp tục theo dõi và phối hợp, bố trí công tác đối với số sinh viên đang được tỉnh cử đi đào tạo liên thông, đào tạo theo hình thức cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ tại các trường y dược. Đào tạo bác sĩ theo nhu cầu của địa phương để bổ sung nhân lực cho giai đoạn 2025-2030 theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020. Xác định vị trí việc làm, nhu cầu nhân lực thực tế tại tuyến huyện, tuyến xã để có kế hoạch cử viên chức đi đào tạo bác sĩ theo hình thức liên thông nhằm bổ sung nhân lực cho tuyến xã và một số khoa dự phòng của Trung tâm Y tế tuyến huyện. Đề xuất UBND tỉnh xem xét ban hành cơ chế thu hút nhân lực bác sĩ là con em của địa phương, sinh viên ngoài tỉnh về công tác tại ngành Y tế Lâm Đồng. Các giải pháp khác như: Hợp đồng với các bác sỹ về hưu làm việc ở khu vực y tế tư nhân, xã hội hóa...
 
Về chỉ tiêu dược sĩ/vạn dân đạt 1,25. Tính đến 6 tháng đầu năm 2021, chỉ tiêu dược sĩ/vạn dân của tỉnh là 1,173. Để đạt chỉ tiêu dược sỹ/vạn dân năm 2025, ngành Y tế cần bổ sung thêm 11 dược sĩ (1,25 dược sĩ /vạn dân) so với hiện nay (mỗi năm cần bổ sung trung bình 3 dược sĩ). Giải pháp tuyển dụng dược sĩ từ nguồn đào tạo theo các hình thức: đào tạo theo địa chỉ của tỉnh tại các trường y dược sẽ tốt nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 là 4 người; đồng thời, thực hiện thăng hạng từ dược sĩ hạng IV lên dược sĩ hạng III (năm 2021 dự kiến thăng hạng 22 người). Bên cạnh đó, nguồn dược sĩ chính quy là con em của địa phương đang đào tạo tại các trường y dược trong cả nước, cần có chế độ thu hút bằng các hình thức hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ thu nhập tăng thêm...
 
Tính đến 6 tháng đầu năm 2021, chỉ tiêu điều dưỡng/vạn dân của tỉnh là 16,6. Hiện tại chỉ tiêu này đã đạt, tuy nhiên để đạt chỉ tiêu tối đa là 17 điều dưỡng/vạn dân năm 2025, ngành Y tế tỉnh cần bổ sung thêm 53 điều dưỡng (so với hiện nay, mỗi năm cần bổ sung trung bình 14 điều dưỡng). Giải pháp tuyển dụng điều dưỡng: Nguồn đào tạo điều dưỡng chính quy từ con em tại địa phương, có chế độ thu hút bằng các hình thức hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ thu nhập tăng thêm...
 
Cuối cùng số trạm y tế có bác sĩ đạt 95%, tương đương 135/142 trạm y tế có bác sĩ. Tính đến 6 tháng đầu năm 2021, chỉ tiêu trạm y tế có bác sĩ là 132/142, đạt tỷ lệ 92%. Để đạt chỉ tiêu này cần thực hiện các giải pháp sau: Đào tạo liên thông lên đại học cho đội ngũ y sĩ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ có trình độ bác sĩ, có thể bố trí công tác ổn định và lâu dài tại các trạm y tế vùng sâu, vùng xa. Qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở có đủ trình độ chuyên môn và năng lực để công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Có chế độ thu hút bằng hỗ trợ nhà ở tại khu vực vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ thu nhập tăng thêm...
 
AN NHIÊN