Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân (Bài 1)

05:11, 09/11/2021

"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" không chỉ là khẩu hiệu hoặc phương châm thực hiện chủ trương, đường lối mà đang dần trở thành một định chế và quyền làm chủ của Nhân dân...

[links()]
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không chỉ là khẩu hiệu hoặc phương châm thực hiện chủ trương, đường lối mà đang dần trở thành một định chế và quyền làm chủ của Nhân dân trong quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn chính là văn bản pháp lý quan trọng thúc đẩy những đổi thay mạnh mẽ về vấn đề này.
 
Bài 1: Nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
 
Trong những năm qua, TP Đà Lạt đang từng ngày thay đổi và phát triển trên tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền có sự chuyển mạnh theo hướng gần dân, sát dân và vì dân phục vụ; các chính sách của Nhà nước được các cấp chính quyền tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch.
 
Quang cảnh Quảng trường trung tâm TP Đà Lạt
Quang cảnh Quảng trường trung tâm TP Đà Lạt
 
Thành phố Đà Lạt được biết đến là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, có tổng diện tích đất tự nhiên là 394,46 km; dân số của thành phố tính đến hết năm 2020 là 230.266 người; có 16 đơn vị hành chính cấp xã; 13 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và 59 đơn vị sự nghiệp. Hệ thống chính trị cơ sở gồm 24 thôn, 180 tổ dân phố hoạt động ổn định góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương.
 
Góp phần vào sự chuyển biến mạnh mẽ ấy, có thể nói rằng được bắt nguồn từ khi có Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là Pháp lệnh 34) về thực hiện dân chủ ở xã, phường. Để thực hiện tốt pháp lệnh này, thành phố Đà Lạt đã triển khai thực hiện quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh đến các phường, xã và triển khai thực hiện dân chủ ở xã, phường. Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể từ phường, xã đến thôn, tổ dân phố nghiêm túc thực hiện công khai các nội dung để Nhân dân biết theo quy định tại Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quán triệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, tạo điều kiện cho Nhân dân phát huy quyền dân chủ thực sự.
 
Tôi có mặt tại trụ sở UBND Phường 3, TP Đà Lạt vào đầu giờ chiều ngày thứ Sáu cuối tuần. Không khí tại bộ phận tiếp dân vẫn diễn ra rất nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm. Rất nhiều thủ tục, quy định, hướng dẫn về chính sách, pháp luật... được niêm yết tại đây. Điều khiến tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của các cán bộ phường đó là thái độ khi làm việc với dân. Tôi tới liên hệ làm một số giấy tờ liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Sau khi hỏi han về thủ tục, giấy tờ cần thiết, tôi được cô cán bộ phường hướng dẫn rất tận tình về những hồ sơ, giấy tờ và các vấn đề liên quan. Cô còn đưa cho mượn một loạt những giấy tờ quy định của Nhà nước về thủ tục nhận con nuôi. Các thủ tục được cô hướng dẫn và giới thiệu, trao đổi khá cởi mở, nhiệt tình trên tinh thần người dân nắm rõ và hiểu rõ mọi vấn đề liên quan. Ngoài các thủ tục liên quan đến tư pháp, tất cả các nội dung công khai để Nhân dân biết như các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết về dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm, dự án, công trình đầu tư, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư,... cũng được niêm yết tại trụ sở UBND phường, xã hoặc phát trên hệ thống truyền thanh hay thông qua các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến Nhân dân. Việc chính quyền cấp xã thực hiện các nội dung công khai để Nhân dân biết đã phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân; chính quyền cấp xã nghiêm túc thực hiện công khai các nội dung theo quy định tại Pháp lệnh 34, qua đó mối quan hệ giữa người dân và chính quyền Nhân dân ngày càng được cải thiện, người dân tích cực tham gia giám sát các hoạt động theo quy định.
 
Thực hiện những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, UBND các phường, xã đã chủ động xây dựng các dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã, dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư; phương án quy hoạch khu dân cư, dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp đến cấp xã... Và những nội dung để Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình, thông qua phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
 
Có thể thấy rằng, thời gian qua, một tín hiệu được đông đảo Nhân dân TP Đà Lạt nói riêng và người dân liên hệ công việc với địa phương này nói chung đánh giá cao và có lời ngợi khen đó là việc UBND thành phố đang làm rất tốt việc công khai các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; công khai giấy tờ, văn bản hay quyết định... của người dân, chính quyền nhanh, kịp thời, rõ ràng và khá đầy đủ... Việc công khai này được niêm yết tại Trung tâm hành chính thành phố, các xã, phường hoặc trên cổng thông tin điện tử... đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Theo báo cáo của UBND TP Đà Lạt, địa phương đã niêm yết công khai 313/326 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, 160/160 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã đã được UBND tỉnh công bố, cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bãi bỏ nhằm giúp Nhân dân thuận tiện khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính.
 
Trên cơ sở thực hiện những nội dung công khai để Nhân dân biết, UBND thành phố Đà Lạt đã thực hiện tốt công tác tiếp dân định kỳ vào các ngày 5, 15 và 25 hàng tháng; tham gia tiếp dân với HĐND thành phố vào các ngày 20 hàng tháng; đồng thời, lãnh đạo UBND thành phố tham gia tiếp dân với Hội đồng tiếp dân của UBND tỉnh vào ngày 15 hàng tháng. Ban hành Quy chế kiện toàn Ban tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố Đà Lạt. Tại 16 phường, xã thường xuyên duy trì tốt việc tiếp dân định kỳ 1 lần/tuần.
 
Có thể nói rằng, Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa mạnh mẽ, nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đảng, từ đó đã phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của Nhân dân, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, tăng cường khối đoàn kết, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; tạo điều kiện cho mọi công dân tiếp cận, hiểu và thi hành nghiêm pháp luật, để giám sát, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, Nhà nước và xã hội. Đặc biệt, tạo sự đồng thuận tích cực trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; nâng cao nhận thức về thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, ngăn chặn và khắc phục tình trạng suy thoái, mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng ở cơ sở.
 
CÒN NỮA
 
NGUYỄN NGHĨA