Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân (bài 2)

04:11, 10/11/2021

Với quan điểm "Dân là gốc" nên quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu TP Đà Lạt luôn chú trọng việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong mọi lĩnh vực. Các chính sách địa phương ban hành phải xuất phát từ quyền lợi của Nhân dân, bảo vệ những lợi ích chính đáng và tạo điều kiện sống thuận lợi cho Nhân dân; tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. 

[links()]
 
Bài 2: Hiệu quả vai trò giám sát
 
Với quan điểm “Dân là gốc” nên quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu TP Đà Lạt luôn chú trọng việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong mọi lĩnh vực. Các chính sách địa phương ban hành phải xuất phát từ quyền lợi của Nhân dân, bảo vệ những lợi ích chính đáng và tạo điều kiện sống thuận lợi cho Nhân dân; tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. 
 
Bà con nhân dân Tổ dân phố 12, Phường 3, Đà Lạt tham gia giám sát và hỗ trợ đơn vị thi công làm đường
Bà con nhân dân Tổ dân phố 12, Phường 3, Đà Lạt tham gia giám sát và hỗ trợ đơn vị thi công làm đường
 
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phải phát huy bài học được đúc kết “Ðảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước. 
 
Sải bước trên tuyến đường nhựa ở khu quy hoạch Đặng Thái Thân, Phường 3, TP Đà Lạt vừa được trải nhựa đen bóng và khang trang, anh Dương, người dân sinh sống trong khu được bầu là thành viên Tổ giám sát tiến độ và chất lượng tuyến đường Tổ dân phố 12, Phường 3 chia sẻ: Tuyến đường này trước đây vốn là đường bê tông Nhân dân tự đóng góp tiền 100% để làm. Sau vài năm, một số đoạn xuống cấp; được sự hỗ trợ kinh phí 50%, cán bộ Tổ dân phố 12 mà đầu tầu là Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố đã tổ chức họp toàn bộ Tổ dân phố để bàn bạc và lấy ý kiến các hộ dân về việc trải đường nhựa, đóng góp tiền và cách thức tổ chức triển khai... Bà con rất phấn khởi vì được trực tiếp tham gia vào kiến tạo và giám sát chất lượng quá trình tạo dựng ra hình dáng mới cho cung đường của khu phố mình ở ngày càng đẹp và hiện đại.
 
Anh Dương cho biết thêm, ngày đơn vị thi công đến dọn vệ sinh, san mặt đường; không chỉ thành viên tổ giám sát chúng tôi và cán bộ Mặt trận có mặt mà nhiều bà con cũng tự giác tham gia dọn dẹp, giám sát, trao đổi góp ý để nắn đường, san đường cho hợp lý. “Chúng tôi đánh giá cao việc UBND thành phố quan tâm đến ý kiến của người dân tổ dân phố chúng tôi kiến nghị xin nâng cấp mặt đường từ bê tông thành đường nhựa. Chúng tôi cũng đánh giá cao cách thức tổ chức, trao đổi, trao cho dân quyền giám sát và bàn bạc về mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Cách làm này nếu được triển khai ở tất cả các địa phương, tổ dân phố thì chắc chắn chính quyền sẽ luôn nhận được sự đồng thuận và sự quý mến, tin tưởng rất cao của Nhân dân”.
 
Ghi nhận suốt quá trình dài thực hiện Pháp lệnh về dân chủ ở xã, phường cho thấy, việc thực hiện chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng như điện, đường, hội trường thôn, tổ dân phố... đều được chính quyền cơ sở phối hợp với Mặt trận và đoàn thể tổ chức cho Nhân dân họp, bàn bạc dân chủ và quyết định, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Ở thôn, tổ dân phố cũng đã thành lập các ban giám sát đầu tư xây dựng công trình, sau khi hoàn thành công trình đều công khai tài chính. Đồng thời, các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thành phố được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ... Ngoài ra, người dân cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến qua các cuộc họp tổ dân phố, tiếp xúc cử tri, viết thông tin phản ánh cho trang thông tin Đà Lạt trực tuyến... Việc xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố được thực hiện gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thời gian qua được Nhân dân tham gia nhiều ý kiến đóng góp xây dựng. Việc lựa chọn bầu, miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố bằng hình thức bầu cử trực tiếp từ đại diện hộ gia đình thông qua hình thức bỏ phiếu kín hoặc hình thức biểu quyết đã phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lựa chọn người có sức khỏe, nhiệt tình, tâm huyết với công việc, có uy tín đối với Nhân dân, có kiến thức, năng lực để triển khai thực hiện công việc của thôn, tổ dân phố.
 
Sự tham gia tích cực của người dân ở xã, phường, thị trấn cho thấy, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia góp ý kiến với Đảng, chính quyền trong các công việc của địa phương đã có những chuyển biến rất rõ rệt. Sự đóng góp to lớn đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của thành phố, hoàn thành tốt các chỉ tiêu về kinh tế - văn hóa - xã hội.
 
Nhận thức được tầm quan trọng của người dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, các phường, xã tổ chức hội nghị để người dân tham gia ý kiến trong việc triển khai các dự án, kế hoạch liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân và được người dân đồng tình ủng hộ.
 
Việc thực hiện quyền giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã được thực hiện ngày càng đi vào nề nếp, hoạt động hiệu quả. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của các phường, xã cũng đã được củng cố, kiện toàn theo quy định. Trong thời gian qua, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã phối hợp kiểm tra, giám sát các công trình có nguồn vốn Nhà nước và Nhân dân đóng góp như hệ thống đường hẻm, đường liên tổ, liên thôn, hội trường khu dân cư, trụ sở làm việc của UBND phường, xã; xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; việc thu, chi các loại quỹ do Nhân dân đóng góp; các vụ việc tranh chấp đất đai trong nội bộ Nhân dân; phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân và tham gia giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; bầu cử tổ trưởng dân phố, trưởng thôn; sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố. Thông qua giám sát đã kiến nghị chính quyền nhắc nhở chủ đầu tư, đơn vị thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, vệ sinh môi trường nhằm góp phần nâng cao chất lượng các công trình. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động đóng góp trong Nhân dân như mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, cũng như các đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu đều được lấy ý kiến Nhân dân, công khai rõ ràng và được thông báo với Nhân dân tại các buổi họp thôn, tổ dân phố.
 
Có thể khẳng định rằng, việc đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân đã làm chuyển biến rõ nét cả về ý thức trách nhiệm lẫn tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Mối quan hệ trong phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cũng thường xuyên và chặt chẽ hơn; quan hệ phối hợp giải quyết công việc giữa cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức và Nhân dân từ đó được thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực. Thành phố Đà Lạt cũng cho thấy đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc và có ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc phát huy quyền làm chủ, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương và đặc biệt là tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân.
 
NGUYỄN NGHĨA