Đừng để những ''bất thường mới'' trong trạng thái ''bình thường mới''

03:11, 29/11/2021

(LĐ online) - Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây liên tục tăng...

(LĐ online) - Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây liên tục tăng. Vấn đề được đặt ra là làm sao để thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại chốt số 1 đèo Chuối (huyện Đạ Huoai) - cửa ngõ phía Nam Lâm Đồng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả. Ảnh: KHÁNH PHÚC
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại chốt số 1 đèo Chuối (huyện Đạ Huoai) - cửa ngõ phía Nam Lâm Đồng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả. Ảnh: KHÁNH PHÚC
 
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, Lâm Đồng đã từng bước nới lỏng các hoạt động từ lao động sản xuất, buôn bán kinh doanh, đi lại, du lịch và nhiều hoạt động khác. Thế nhưng, phải cần hiểu rằng nới lỏng nhưng không được phép buông lỏng công tác phòng chống dịch và thích ứng an toàn trong tình hình mới không có nghĩa là chấp nhận những bất thường mới. 
 
Tính đến sáng 29/11, Lâm Đồng ghi nhận 222 ca mắc mới - con số cao nhất từ trước đến nay. Tổng số ca mắc của tỉnh Lâm Đồng cũng vượt mốc 3.000 ca; trong đó, có 2.285 ca đang tiếp tục điều trị. Điều này cũng dễ hiểu khi mọi hoạt động đang được nới lỏng thì số ca mắc Covid-19 tăng cao là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần được đặt ra đằng sau con số ca mắc tăng lên hàng ngày. Đó là, số ca trong cộng đồng ngày càng nhiều với nhiều chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn lây và số lượng nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh cũng ngày càng tăng. 
 
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh THCS và THPT trên địa bàn TP Bảo Lộc tiến tới phủ vắc xin miễn dịch cộng đồng, phòng chống dịch hiệu quả. Ảnh: KHÁNH PHÚC
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh THCS và THPT trên địa bàn TP Bảo Lộc tiến tới phủ vắc xin miễn dịch cộng đồng, phòng chống dịch hiệu quả. Ảnh: KHÁNH PHÚC
 
Theo dõi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ sau khi thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, ngoài những trường hợp mắc Covid-19 có yếu tố dịch tễ từ vùng dịch đến/về Lâm Đồng tuân thủ đúng các quy định về cách ly y tế/theo dõi sức khỏe và xét nghiệm SARS-CoV-2 nên không làm lây lan dịch trong cộng đồng thì vẫn còn nhiều trường hợp không tuân thủ các quy định trên nên ngày càng có nhiều chùm ca bệnh lây lan trong cộng đồng mà vẫn chưa rõ hoặc không rõ nguồn lây. Nhiều trường hợp dù đã có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn bỏ trốn khỏi khu cách ly, khu điều trị; hay dù có quyết định cách ly tế tại nhà nhưng nhiều người vẫn tự do đi lại, tiếp xúc với nhiều người; hoặc như Thông điệp 5K được tuyên truyền thực hiện nghiêm nhưng vẫn còn nhiều hàng quán, nhất là các quán ăn nhậu, và đặc biệt là tại một số khu vực tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn còn tình trạng tập trung đông người, không giữ đúng khoảng cách... Chính sự chủ quan, lơ là và cả thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch kể trên đã làm cho số ca bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng cao. 
 
Đặc biệt, theo thống kê sơ bộ, đến hiện tại, đã có 18 nhân viên y tế làm việc trong các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và 1 dân quân làm nhiệm vụ phòng chống dịch đã mắc Covid-19. Số ca mắc là nhân viên y tế được ghi nhận liên tục từ ngày 22/11 đến nay. Đây được xem là lực lượng tuyến đầu chống dịch, nên việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng này cũng như an toàn trong môi trường điều trị bệnh nhân Covid-19 là vấn đề cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
 
Trên các trang mạng xã hội và trên một số tờ báo thời gian gần đây đăng tải những bài viết cho rằng Lâm Đồng chống dịch “cực đoan”, chính quyền buộc người dân làm xét nghiệm SARS-CoV-2 bất hợp lý; người Đà Lạt - Lâm Đồng “kỳ thị” du khách. Trước hết, phải khẳng định không có chuyện người Đà Lạt nói riêng và người Lâm Đồng nói chung kỳ thị du khách. Thế nhưng, có một điều dễ hiểu là khi tỷ lệ người dân địa phương chưa tiêm phủ được vắc xin, khi còn nhiều ca mắc Covid-19 vẫn “tự do” đi lại trong cộng đồng thì người dân địa phương buộc phải “thích ứng an toàn” bằng cách chỉ bán mang về, hạn chế tiếp xúc với người khác… Bởi lẽ, hơn ai hết, họ hiểu rằng phải bảo vệ bản thân, gia đình trước hết thì từ đó mới đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Thích ứng an toàn, linh hoạt luôn phải đi đôi với phòng chống dịch hiệu quả. Đó chính là mục tiêu mà Chính phủ cũng như tỉnh Lâm Đồng đặt ra và người dân mong muốn đạt được.
 
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho tiểu thương buôn bán, kinh doanh tại chợ trung tâm huyện Bảo Lâm sau khi phát hiện 4 tiểu thương dương tính với Covid-19. Ảnh: - KHÁNH PHÚC
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho tiểu thương buôn bán, kinh doanh tại chợ trung tâm huyện Bảo Lâm sau khi phát hiện 4 tiểu thương dương tính với Covid-19. Ảnh: KHÁNH PHÚC
 
Trở lại câu chuyện xét nghiệm SARS-CoV-2, Lâm Đồng hiện đang yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan, đơn vị xét nghiệm 3 ngày/ lần cho cán bộ, công chức làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, có nguy cơ cao; người dân đến các cơ quan nhà nước liên hệ công việc phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực và người dân từ vùng có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) trước khi vào Lâm Đồng phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV 2 âm tính còn hiệu lực. Chẳng có gì là “cực đoan” hoặc bất hợp lý khi yêu cầu xét nghiệm này hoàn toàn cần thiết. Cần phải nhìn nhận trên thực tế rằng, chính việc xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng mà Lâm Đồng kịp thời phát hiện và khống chế được nhiều chùm ca bệnh và nhiều chuỗi lây nhiễm; chính yêu cầu có giấy xét nghiệm đối với người dân đến/về Lâm Đồng như thời gian trước đây mà nhiều ca bệnh đã được phát hiện kịp thời. Ngược lại, ghi nhận mới ngày hôm nay, có 7 trường hợp du khách sau khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng du lịch, trước khi về lại địa phương thì làm xét nghiệm phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Vấn đề đặt ra là nếu được sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm sớm hơn thì chắc chắn rằng những trường hợp này sẽ không gây phát sinh những F1, F2 và không có những địa điểm truy vết ngày càng lan rộng. 
 
Theo đánh giá cấp độ dịch, đến sáng 29/11, Lâm Đồng đang ở cấp 2 (vùng vàng) - nguy cơ trung bình. Thế nhưng, có 4/12 huyện, thành là Đức Trọng, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh ở cấp 3 (vùng cam) - nguy cơ cao và 7 xã, thị trấn thuộc 5 huyện ở cấp 4 (vùng đỏ) - nguy cơ rất cao. Vùng xanh - bình thường mới ngày càng thu hẹp, vùng vàng, cam, đỏ ngày càng mở rộng là điều nhìn thấy rõ hàng ngày. Sống chung với dịch cần được xác định đúng là vi rút SARS-CoV-2 không thể “ze rô” trong cộng đồng một sớm một chiều, nhưng không vì thế mà nảy sinh tâm lý chủ quan, không cần e dè, không cần phòng chống, không cần dập dịch. 
 
Để thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả thì ngoài nỗ lực của chính quyền trong việc nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin, đảm bảo năng lực điều trị khi số bệnh nhân tăng cao thì ý thức của người dân chính là liều vắc xin có yếu tố quyết định. 
 
ĐÔNG ANH