Giáo dục Đam Rông nỗ lực vượt khó

04:11, 10/11/2021

Cuối tháng 10/2021, chúng tôi có mặt ở huyện Đam Rông...

Cuối tháng 10/2021, chúng tôi có mặt ở huyện Đam Rông, qua Phó Chủ tịch UBND huyện Liêng Hót Ha Hai cũng như Trưởng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện, cho biết huyện đang tích cực tận dụng “giờ vàng” tổ chức dạy học trực tiếp. Kết quả từ hoạt động này càng rất giá trị đối với một huyện nghèo như Đam Rông. 
 
Giờ học môn Tiếng Việt lớp 1
Giờ học môn Tiếng Việt lớp 1
 
•  CHUẨN VỀ ĐỘI NGŨ GÓP PHẦN NÂNG CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
 
Năm học 2020-2021, huyện Đam Rông có 37 cơ sở giáo dục, trong đó 33 đơn vị trực thuộc UBND huyện và 4 trường trực thuộc Sở GDĐT. Đối với các trường trực thuộc huyện, có 517 phòng học, 31 phòng thư viện, thiết bị, 17 phòng thí nghiệm; trong đó, 380 phòng kiên cố, 180 phòng bán kiên cố và 5 phòng tạm. Toàn huyện đã có 24 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 66,6%. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất trường lớp là sự góp phần nâng cao chất lượng giáo dục 2 mặt.
 
Cũng năm học vừa qua, huyện Đam Rông có 15.509 học sinh/526 lớp; trong đó, mầm non 3.567 cháu/102 nhóm, lớp (tăng 48 cháu so với năm học trước); tiểu học 6.818 học sinh/251 lớp (tăng 128 học sinh/5 lớp so với năm học trước); THCS 3.986 học sinh/138lớp (tăng 51 học sinh so với năm học trước) và THPT 1.566 học sinh/49 lớp. Còn năm học 2021-2022, số liệu mới nhất theo Trưởng phòng GDĐT Âu Văn Nghị cho biết, có 16.705 học sinh/537 lớp. So với năm học trước, mầm non tăng 93 học sinh; tiểu học tăng 160 học sinh; tỷ lệ huy động trẻ học mầm non, tuyển sinh học sinh lớp 1 và lớp 6 đều đạt 100%. Trường THCS thuộc huyện có 3.748 học sinh/125 lớp; trường THCS, THPT thuộc Sở có 2.350 học sinh/65lớp.
 
Chất giáo dục năm học 2020-2021 tiếp tục vươn lên; trong đó mầm non không chỉ đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ mà chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc nâng dần, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm mạnh. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh đạt từ mức hoàn thành trở lên tăng 0,32% so với năm học trước. Học sinh THCS có học lực từ Trung bình trở lên và hạnh kiểm Khá, Tốt cũng tăng so với năm học 2019-2020; cuối năm tỷ lệ duy trì đạt 99%. Bậc THPT duy trì sĩ số đạt 95,8%; lên lớp thẳng đạt 93% và tốt nghiệp THPT đạt 98,57% (417/422 học sinh). Toàn huyện có 19/44 học sinh giỏi cấp tỉnh... Đam Rông tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục tại 8/8 xã từ năm 2020 đến nay về giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, về tiểu học mức độ 3, THCS mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 2...
 
Giáo dục huyện Đam Rông tiếp tục nâng lên ở các tiêu chí, ngoài các yếu tố như sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội, phần quan trọng đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục, giáo viên, nhân viên. Năm học 2020-2021, trực thuộc Phòng GDĐT có 954 người và trực thuộc Sở GDĐT 153 người. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lộc chia sẻ niềm vui với chúng tôi với thông tin: Mặc dù đang là huyện nghèo, nhưng trình độ đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Đam Rông lại là điểm sáng, đạt tỷ lệ cao hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh. Trong đó có ngành giáo dục của huyện. Đầu năm học 2021-2022, bậc mầm non, tiếp tục duy trì 100% CBQL đạt trình độ trên chuẩn (đại học), 89,6% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 61,6% trên chuẩn; bậc tiểu học, 97% CBQL đạt chuẩn (đại học) và 67% giáo viên đạt chuẩn; bậc THCS, 100% CBQL đạt chuẩn, trong đó có 23,8% trên chuẩn và 79% giáo viên đạt chuẩn. Hiện đội ngũ thuộc Phòng GDĐT quản lý đang có 120 người ở 3 bậc học đào tạo trình độ đại học sư phạm. 
 
•  ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU GIÁO DỤC ĐỔI MỚI
 
Nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, đạt mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo, bản thân huyện Đam Rông tiếp tục nỗ lực và sự quan tâm chung tay của Trung ương, của tỉnh trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với giáo dục, còn những khó khăn, tồn tại tiếp tục cần vượt qua. Đó là, công tác duy trì sĩ số học sinh thiếu bền vững; số lượng học sinh bỏ học vẫn còn cao; chất lượng giáo dục mũi nhọn của một số trường THCS chưa tốt, chưa mang tính đột phá. Đó còn là, tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp còn thấp (toàn tỉnh đạt 1,3 giáo viên/lớp, Đam Rông mới đạt 1,08 giáo viên/lớp). Đây là khó khăn lớn để đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Mặt khác, cơ cấu tỷ lệ chưa hợp lý giữa giáo viên tiểu học và giáo viên các bộ môn năng khiếu; một số giáo viên còn chậm đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học chưa đạt hiệu quả cao, chưa chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. 
 
Cơ sở vật chất giáo dục của huyện Đam Rông thời gian qua được đầu tư mạnh. Tuy nhiên, qua Trưởng phòng GDĐT, được biết, một số trường học, hệ thống phòng chức năng, công trình vệ sinh, sân chơi bãi tập hầu hết ở các trường mới đáp ứng nhu cầu cơ bản, tối thiểu; một số trường đang còn ghép, dùng chung các phòng chức năng, chưa trang bị đủ trang thiết bị chuyên nghiệp, phục vụ riêng môn học, hoạt động giáo dục nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện cho học sinh. Tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của các trường THCS chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Công tác xã hội hóa giáo dục, phối kết hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh vẫn là yếu tố khó khăn không nhỏ, góp phần kéo theo việc duy trì tỷ lệ học sinh chưa cao... Trưởng phòng Âu Văn Nghị cho biết thêm, đầu năm học 2021-2022, toàn huyện Đam Rông thực hiện dạy học trực tiếp, nhưng nếu chuyển sang dạy học trực tuyến thì còn trên 70% học sinh không có phương tiện để học. Đây là thông tin để Sở GDĐT nắm bắt, kịp thời điều tiết, hỗ trợ cho huyện Đam Rông trong nguồn kinh phí Quỹ “máy tính cho em”.
 
MINH ĐẠO