Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do COVID-19: Đảm bảo công bằng, đúng đối tượng

05:11, 16/11/2021

Thời gian qua, Chính phủ, địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, động viên kịp thời các đối tượng hưởng trợ cấp về an sinh xã hội...

Thời gian qua, Chính phủ, địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, động viên kịp thời các đối tượng hưởng trợ cấp về an sinh xã hội. Qua giám sát, cơ quan chức năng nhận thấy quy trình tổ chức triển khai, thực hiện đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, góp phần động viên người lao động sớm vượt qua khó khăn. 
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Ngọc Hiệp tặng Bằng khen cho doanh nghiệp đã có thành tích trong công tác phòng, chống COVID-19
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Ngọc Hiệp tặng Bằng khen cho doanh nghiệp đã có thành tích trong công tác phòng, chống COVID-19
 
Ngay sau khi có hướng dẫn thực hiện, với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-MTTQ-BTT ngày 19/8/2021 về “giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đối với các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố trong tỉnh.
 
Cụ thể, về giám sát việc triển khai chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Khoản 1, Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP và Điều 1, Điều 2, Điều 3 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Qua giám sát đối với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và báo cáo, tổng hợp của các đơn vị, đến 20/10/2021, BHXH tỉnh đã hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.570 doanh nghiệp, tổng số lao động 40.363 người với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng. 
 
Qua giám sát cho thấy, đến nay đã hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương và hỗ trợ thêm cho người lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ hiện nay 836 người với số tiền trên 3,36 tỷ đồng...
 
Liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Khoản 11, Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP và từ Điều 38 đến Điều 42, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; chi nhánh và các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đã chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Liên đoàn Lao động, các hiệp hội, Ban quản lý các khu công nghiệp, các đơn vị để liên hệ, trao đổi với người sử dụng lao động; qua đó, nắm bắt và tổng hợp được nhu cầu vay vốn của 1.946 doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh có văn bản chỉ đạo Hội Nông dân và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thành phố đã chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp, tiến hành rà soát, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn. 
 
Vay vốn trả lương ngừng việc có 5 doanh nghiệp thực hiện chi trả cho 359 lao động với số tiền trên 1,34 tỷ đồng. Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 1 doanh nghiệp (vay 2 đợt) trả lương cho 407 lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. 
 
Đến nay, có 44.483 đối tượng được vay với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng. Qua đó, từng bước góp phần hỗ trợ khó khăn trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
 
Trao đổi về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trương Thành Được cho biết: Qua việc giám sát của MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương, cơ sở có một số khó khăn, bất cập như: Một số xã, phường, thị trấn còn thụ động, lúng túng trong việc hướng dẫn, họp xét thẩm định đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng, các tình huống phát sinh liên quan đến việc xác định đối tượng hỗ trợ theo quy định nên vẫn còn phát sinh trường hợp bỏ sót đối tượng. Vẫn còn có ý kiến khiếu nại của công dân và có địa phương lưu giữ hồ sơ để kiểm tra, chờ hướng dẫn của cấp trên mà chưa trình UBND huyện thẩm định, xem xét kịp thời. Mặt khác, do hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tương đối nhiều và không có thời gian tổ chức tập huấn, hướng dẫn trực tiếp triển khai nên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bất cập. Do số lượng khá nhiều nên vẫn còn tình trạng trùng tên trong danh sách, trùng đối tượng. Việc kiểm tra hồ sơ của UBND các xã, phường, thị trấn chưa chặt chẽ dẫn đến không đảm bảo đúng quy định phải làm lại, đã ảnh hưởng đến việc tổng hợp danh sách trình phê duyệt. Việc phân bổ kinh phí, phê duyệt hỗ trợ của UBND tỉnh còn chậm, dẫn đến việc hỗ trợ cho người dân chưa đảm bảo đúng với thời gian theo quy định. 
 
Thông qua quá trình giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét thực hiện phê duyệt hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo đúng thời gian được quy định tại Quyết định số 23/QĐ-TTg để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ cho đối tượng cá nhân và hộ gia đình (hộ nghèo, hộ cận nghèo) theo nguyên tắc “hộ gia đình và cá nhân là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau”, bởi trên thực tế Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang hướng dẫn theo quan điểm đồng nhất hộ gia đình là cá nhân và cá nhân là hộ gia đình. Mặt khác, UBND tỉnh cũng cần xem xét hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm 2021 và thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng có hoàn cảnh khó khăn..., Đây chính là những đối tượng khó khăn rất cần được sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.
 
HÀ NGUYỆT