Bằng nhiều hoạt động thiết thực, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai thường xuyên và đạt được một số kết quả đáng kể...
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai thường xuyên và đạt được một số kết quả đáng kể, góp phần từng bước kéo giảm khoảng cách giới, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
|
Các nữ tu tham gia cắm hoa tại Hội thảo Nâng cao năng lực chính sách bình đẳng giới do Hội LHPN huyện Đức Trọng tổ chức năm 2020 |
•
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NỮ
Thực tế cho thấy, với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh ngày càng phát huy được khả năng, thế mạnh của mình, chủ động học tập, phấn đấu vươn lên khởi sự, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia các vị trí lãnh đạo quản lý, cơ quan dân cử các cấp, đóng góp tích cực vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, hiện nay cán bộ, công chức của tỉnh là 29.294 người, trong đó nữ 9.330 người, chiếm 31,8%. Cụ thể, cán bộ, công chức cấp tỉnh 1.106 người, nữ 325 người, chiếm 29,3%; cán bộ, công chức cấp huyện là 1.208, nữ 471, chiếm 39%; công chức cấp xã 3.047, nữ 933, chiếm 30,6%; viên chức 23.933, nữ 17.272, chiếm 72,1%.
Nhằm phấn đấu thực hiện các mục tiêu đề ra để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, Sở Nội vụ đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước, lý luận chính trị, kỹ năng giao tiếp hành chính...; trong đó, quan tâm đến đối tượng nữ nhằm chuẩn hóa nghiệp vụ chuyên môn và tạo điều kiện để cán bộ, công chức nữ được đưa vào quy hoạch.
Minh chứng cho việc làm đó được thể hiện qua những con số cụ thể sau: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015, cấp xã 16,8%, cấp huyện 12,9%, cấp tỉnh 10,9%; nhiệm kỳ 2015-2020, cấp xã 20,8%, cấp huyện 14,1%, cấp tỉnh 18,5%; nhiệm kỳ 2020-2025, cấp xã 561/3.364, chiếm tỷ lệ 16,7%, cấp huyện và 2 đảng ủy 80/564, chiếm 29,6%; cấp tỉnh 5/51, chiếm 9,8%.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 là 1/6 đại biểu, chiếm 16,7% (nhiệm kỳ trước là 42,9%); nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 gồm cấp xã 21,1%, cấp huyện 22,1%, cấp tỉnh 31,5%; nhiệm kỳ 2016-2021 đối với cấp xã 26,3%, cấp huyện 23,6%, cấp tỉnh 32,9%.
Công tác quy hoạch cán bộ nữ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2021-2016, số cán bộ nữ quy hoạch chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương có 10/39 người, chiếm 25,6%; còn số cán bộ nữ quy hoạch chức danh phó giám đốc sở, ngành và tương đương có 20/93 người, chiếm 21,5%; cán bộ nữ quy hoạch trưởng, phó phòng và tương đương thuộc các sở giai đoạn 2020-2025 là 175/545 người, chiếm 32,1%.
Số cơ quan nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 45%, cấp huyện chiếm tỷ lệ 66,6% và cấp xã chiếm tỷ lệ 34,5%.
•
KÉO GIẢM KHOẢNG CÁCH GIỚI TRONG CÁC LĨNH VỰC
Theo đánh giá, thời gian qua, các chính sách ưu đãi của Nhà nước về lao động, việc làm, dạy nghề, giảm nghèo... đã đến với phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đã có những hoạt động cụ thể nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với nguồn lực kinh tế, thị trường lao động cụ thể.
Trong năm 2020, tổng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh là 21.000 người, giảm 8.136 người so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 72,4% kế hoạch năm, trong đó nữ chiếm 46%; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp năm 2020 đạt 32,7%, tăng 1% so với năm 2019; tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100%...
Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế tiếp tục được duy trì thông qua các hoạt động giúp nhau về tiền, ngày công, cây giống, thành lập các tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất các sản phẩm an toàn. Trong năm, tiếp tục vận động các hội viên tham gia xây dựng mô hình tiết kiệm, tổ hùn vốn, tổ quay vòng vốn để giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong phát triển kinh tế tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Các hoạt động đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tập trung vào nội dung truyền thông, thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, các dự án về phòng, chống HIV/AIDS... triển khai các mô hình cao chất lượng dân số: Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, chương trình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề có liên quan, các cấp Hội Phụ nữ tổ chức tập huấn 51 lớp cho 5.345 chị tham gia về các nội dung giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em... Nhiều mô hình thực hiện Đề án 938 đã được các cấp Hội quan tâm, có 142/142 xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình với 16.846 thành viên tham gia. Cụ thể 77 mô hình cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ, nuôi dạy con tốt, câu lạc bộ mẹ và bé...
Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ trong một bộ phận Nhân dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn vẫn còn. Một số cán bộ nữ còn biểu hiện tự ti, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên. Mặt khác, với thiên chức phụ nữ trong gia đình thiếu sự chia sẻ của người chồng trong công việc gia đình, nên nhiều phụ nữ mang tư tưởng an phận, bằng lòng, không muốn phấn đấu vươn lên...
N.MINH