Không gian trưng bày di sản văn hóa K'Ho ở Di Linh

06:11, 19/11/2021

Ngay ở Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Di Linh một không gian trưng bày di sản văn hóa K'Ho...

Ngay ở Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) huyện Di Linh một không gian trưng bày di sản văn hóa K’Ho đã làm nên dấu ấn đẹp đẽ về trách nhiệm, nhiệt huyết của những người làm công tác văn hóa với di sản của người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
 
Các hiện vật được anh Lê Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Di Linh sưu tầm gìn giữ gần 20 năm qua
Các hiện vật được anh Lê Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Di Linh sưu tầm gìn giữ gần 20 năm qua
 
Tham quan không gian trưng bày di sản văn hóa K’Ho Di Linh khiến người xem ngỡ ngàng trước những hiện vật đang ngày càng quý hiếm như: các loại nhạc cụ, dụng cụ lao động sản xuất nông nghiệp, dụng cụ săn bắt hái lượm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, vật dụng dùng trong lễ hội... Qua đó, nhìn lại và thấu hiểu về vùng đất của người K’Ho Srê (người K’Ho làm ruộng, trồng lúa nước) - nơi có không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng mênh mông trên ruộng rẫy ở cao nguyên Di Linh, mà “chỉ nghe giai âm, tiết tấu của tiếng chiêng, cả làng đã biết cộng đồng mình có chuyện vui hay buồn”. 
 
Năm 2004, anh Lê Hùng Cường (hiện là Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Di Linh) được chuyển công tác về Trung tâm VHTT, anh nhận thấy việc bảo tồn truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa, trong đó gìn giữ hiện vật của người K’Ho là việc làm cấp thiết. Các hiện vật đang mai một dần, nếu không gìn giữ kịp thời thì sẽ mất đi không bao giờ lấy lại được và không còn nhiều thời gian để sưu tầm. Với trách nhiệm được giao và sự tâm huyết, suốt 17 năm qua, trong những chuyến đi công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh lại gom góp mang về lưu giữ. Số lượng nhiều dần lên, tất cả hơn 120 hiện vật đều được anh mua từ đồng lương của mình, có cái đắt, có cái rẻ. Anh Cường tâm sự: Quá trình gom góp hiện vật cũng gặp không ít khó khăn, bởi phải đi tìm tòi, sưu tầm thì mới có được, vì hiện tại các hiện vật trong đời sống của bà con còn rất ít và không dễ gì họ bán, để mang về được anh phải nói rõ cho bà con hiểu mình mua về để gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ trẻ hiểu về cha ông, thì mới được đồng bào ủng hộ. 
 
Để quảng bá cho mọi người biết và cùng nhau nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ, cách đây 3 năm, Trung tâm VHTT huyện Di Linh đã xây dựng không gian trưng bày giới thiệu hiện vật đến công chúng. Ngắm nhìn các hiện vật, người ta sẽ dừng lại với dàn ché 42 cái đa dạng, phong phú, đủ kích cỡ, niên đại. Ché đối với người K’Ho là tài sản lớn được đổi bằng trâu. Có nhiều chiếc ché đi qua nhiều mùa rẫy, được truyền đời, dùng để ủ rượu cần; có ché lớn ủ đến hàng chục kg gạo, cả làng uống rượu thâu đêm trong mùa hội. Trong bộ ché có một chiếc quý hiếm mà anh Cường gọi vui là “Ché mẹ bồng con” bởi phần trên miệng ché to (mẹ) còn gắn chặt thêm một chiếc ché nhỏ (con) cũng được tạo hình, hoa văn tinh xảo như trước ché “mẹ”, có tuổi đời vài trăm năm, mà cả tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ còn một đôi cái. 
 
Các vật dụng sinh hoạt đan lát bằng che nứa, gỗ gắn với đời sống nông nghiệp, mộc mà không thô, đẹp và tinh xảo đến từng chi tiết như: gùi, cối chày giã gạo, thụt lò rèn, dần, sàng... nhiều hiện vật ít có cơ hội dùng đến nữa vì đã có máy thay thế. Dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm như: cung tên, đao, lao, xà gạc, chụp bắt mối, chúm, đó... dùng để bắt chim trên trời, bắt thú trên rừng, bắt cá dưới nước. Các vật dụng dù đã ngả màu thời gian, nhưng còn in đậm những sợi nan lồ ô được chuốt tỉ mẩn công phu, đan vào nhau bện chặt, tạo hoa văn đậm chất nghệ thuật, thể hiện sự tài hoa khéo léo, mà những người có khả năng tạo tác ra chúng chỉ còn rất ít.
 
Trong đó, nhiều hiện vật quý giá, nổi bật là bộ chiêng 6 của người K’Ho ứng với 6 thang âm có tuổi đời trên 100 năm. Anh Cường kể, vào năm 2006, trong một chuyến đi Đinh Trang Thượng, tình cờ anh gặp một cụ già đã gần 90 tuổi không nói được tiếng Kinh, bộ chiêng của cụ chỉ còn 5 chiếc, 1 cái tùy táng theo người thân đã khuất, cụ bán với giá gần 10 triệu đồng và giúp anh tìm thêm 1 chiếc đúng vị trí thang âm để bổ sung thành bộ chiêng hoàn chỉnh. Hiện tại không gian trưng bày có 2 bộ chiêng, âm thanh rất chuẩn, ngân vang, vẫn được dùng để truyền dạy cho lớp trẻ và phục vụ biểu diễn trong các lễ hội. Cùng với 2 bộ cồng chiêng là các loại nhạc cụ như: kèn bầu, đàn chapi, tù và làm từ sừng trâu... Mỗi hiện vật là một câu chuyện, có số phận, có đời sống riêng khiến người xem thích thú.
 
Để không gian trưng bày phát huy hiệu quả, Trung tâm VHTT huyện Di Linh đã giới thiệu với các trường học trong huyện, đón hàng chục ngàn học sinh đến tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Vào những dịp đặc biệt, sự kiện chính trị trọng đại, ngày lễ lớn, Trung tâm VHTT huyện thường xuyên phối hợp cùng Trường Dân tộc nội trú huyện góp thêm hiện vật để không gian trưng bày di sản văn hóa thêm phong phú, đa dạng. Trong thời gian tới, anh Cường mong muốn xây dựng được một nhà truyền thống để công tác trưng bày bài bản hơn, đồng thời tiếp tục sưu tầm hiện vật nhiều hơn để làm “giàu” thêm bộ sưu tập hiện có.
 
Ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang dần bị mai một. Trong 12 huyện, thành của tỉnh, hiện nay chỉ có Di Linh làm nên được một không gian trưng bày di sản văn hóa đặc sắc. Với trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa, mô hình này sẽ được nhân rộng ra tất cả các huyện, thành, để thế hệ đi sau có cơ hội được nhận diện, chiêm ngưỡng những gì thế hệ đi trước lao động, sáng tạo nên. 
 
QUỲNH UYỂN