Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất ngành Giáo dục năm 2021 là 602,2 tỉ đồng

11:11, 05/11/2021

(LĐ online) - Đây là nội dung bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng trả lời kiến nghị của cử tri bằng văn bản số 2006 vào chiều ngày 04/11/2021. 

(LĐ online) - Đây là nội dung bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng trả lời kiến nghị của cử tri bằng văn bản số 2006 vào chiều ngày 04/11/2021. 
 
Trường Tiểu học Quảng Hiệp, Đức Trọng có tổng mức đầu tư trên 18,7 tỷ đồng đưa vào sử dụng năm học 2021-2022
Trường Tiểu học Quảng Hiệp, Đức Trọng có tổng mức đầu tư trên 18,7 tỷ đồng đưa vào sử dụng năm học 2021-2022
 
ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ TRƯỜNG HỌC
 
Giám đốc Phạm Thị Hồng Hải cho biết như sau: Sở GDĐT đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các phòng GDĐT tổ chức rà soát, thống kê hiện trạng cơ sở mạng lưới trường lớp, các công trình phòng học, trang thiết bị dạy học hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp hay mất an toàn để từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình sử dụng vốn nhà nước và nguồn xã hội hóa để chủ động sửa chữa, duy tu xây mới các công trình và trang bị bổ sung thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học của các cơ sở giáo dục trước khi vào năm học mới. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác xã hội hóa và thu hút các nguồn lực cho hoạt động dạy và học, Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 04/8/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.  
 
Người đứng đầu ngành Giáo dục Lâm Đồng cũng nêu chứng minh bằng số liệu. Cụ thể, kinh phí thực hiện năm 2021 gồm: Cơ sở vật chất 602,2 tỉ đồng (vốn đầu tư công giao 425,200 tỷ đồng; vốn sự nghiệp GDĐT, ước 177,0 tỷ đồng). Dự kiến năm học 2021 - 2022 đưa vào sử dụng 246 phòng học, 78 phòng học bộ môn, 03 nhà đa chức năng, 17 phòng thư viện, 14 khối văn phòng, 7 bếp ăn bán trú, 35 công trình vệ sinh và các công trình hạ tầng như sân, hàng rào, nhà xe, nhà bảo vệ...Về thiết bị dạy học, ngành mua sắm bổ sung cho các cấp học khoảng 170 tỷ đồng. Đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới 187,781 tỷ đồng (trong đó, lớp 1 là 61,95 tỷ đồng; lớp 2 và lớp 6 là 125,831 tỷ đồng). 
 
Theo bà Phạm Thị Hồng Hải, trong giai đoạn 2022-2025, cơ sở vật chất ước vốn đầu tư công khoảng 1.800 tỷ đồng, vốn sự nghiệp ước 700 tỷ đồng. Dự kiến năm học 2021-2022 đưa vào sử dụng 275 phòng học, 132 phòng học bộ môn, 04 nhà Đa chức năng, 24 phòng thư viện, 18 khối văn phòng, 15 bếp ăn bán trú, công trình vệ sinh và các công trình hạ tầng: sân, hàng rào, nhà xe, nhà bảo vệ...Về thiết bị dạy học, mua sắm bổ sung cho các cấp học khoảng 680 tỷ đồng. Đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học để đáp ứng CTGDPT mới (lớp 3,4,5,7,8,9,10,11,12 là 780 tỷ đồng). 
 
“Trong thời gian tới, Sở GDĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của UBND tỉnh và tăng cường công tác huy động xã hội hóa để tiếp tục đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy và học đáp ứng tốt nhất yêu cầu học tập và nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh; đảm bảo chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021, năm 2022 theo lộ trình”, bà Phạm Thị Hồng Hải cho biết.  
 
TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT SỐ 29
 
Cử tri HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng nêu nội dung ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH TW Đảng (Khoá XI). Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; chuẩn bị tốt cho năm học mới, bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19. Giám đốc Phạm Thị Hồng Hải trả lời: Mục tiêu đến năm 2025 của Lâm Đồng là: giáo dục mầm non đạt 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn, 78% giáo viên trình độ đào tạo trên chuẩn; giáo dục tiểu học đạt 85% giáo viên có trình độ đạt chuẩn; giáo dục THCS đạt 90% giáo viên có trình độ đạt chuẩn; giáo dục THPT phấn đấu đạt tỷ lệ 60% cán bộ quản lý và 13% giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên. Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 9011/KH-UBND ngày 05/11/2020 về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Lâm Đồng năm 2021. Hàng năm, Sở GDĐT báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch và xây dựng lộ trình cho các năm đảm bảo cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo chuyên môn theo quy định của Luật Giáo dục 2019. 
 
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 800/CT- BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ GDĐT và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhằm chuẩn bị tốt cho năm học mới, bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19, Sở GDĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, duy tu, sửa chữa các công trình đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn cho học sinh, thực hiện đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid19 theo khuyến cáo của ngành y tế. 
 
Bên cạnh đó tập trung công tác bồi dưỡng đào tạo giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp dạy học phù hợp với các hình thức dạy học (trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình), phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh các cấp học, bậc học. Triển khai thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 1, 2 và 6 đảm bảo chất lượng, hiệu quả; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với nhiệm vụ đổi mới giáo dục, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tổ chức dạy học tích hợp, dạy học theo chủ đề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đến nay công tác dạy và học của các cơ sở giáo dục đã đi vào nền nếp, chương trình được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. 
 
MINH ĐẠO