Lấp khoảng trống hệ thống y tế cơ sở

11:11, 24/11/2021

(LĐ online) - Tại diễn đàn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội gọi "y tế cơ sở" là một vấn đề rất nóng...

(LĐ online) - Tại diễn đàn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội gọi “y tế cơ sở” là một vấn đề rất nóng. Đó là do qua đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 cho thấy rõ những khoảng trống của y tế cơ sở, vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại cơ sở, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài như hiện nay.
 
Lý do được các đại biểu Quốc hội nêu rõ là tuy các xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế, đạt tỷ lệ tới hơn 99% nhưng chất lượng thì còn rất nhiều điều phải bàn. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần thiết phải đánh giá lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở. Bà cho biết, đã 3 khóa liền là đại biểu Quốc hội nhưng tất cả các khóa chỉ có một chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, chưa kể là 30% đó cũng không đáng kể, nếu so với yêu cầu cần thiết và nhu cầu của Nhân dân. Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị, trong báo cáo của Chính phủ, cần phải bổ sung rõ những giải pháp để tập trung rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ, chính xác thực trạng tình hình năng lực của hệ thống y tế cơ sở hiện nay, đồng thời có những tổng kết thận trọng, xác định rõ nhiệm vụ, chiến lược của hệ thống y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Từ đó có tính toán trong phân bổ các nguồn lực cho việc đầu tư có trọng điểm, tránh lãng phí và mang lại hiệu quả. Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm, củng cố ngay hệ thống y tế cơ sở để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, để trạm y tế xã thực sự là nguồn lực quan trọng, là cơ sở vững chắc để xây dựng xã trở thành "pháo đài" thực hiện “4 tại chỗ” khi có dịch bệnh xảy ra. 
 
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận những yếu kém của hệ thống y tế cơ sở hiện nay. Đến nay, vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế chưa được xây dựng cũng như chưa được sửa chữa để bảo đảm theo các quy định. Cũng mới chỉ có 48,4% các trạm y tế bảo đảm thực hiện được 80% các dịch vụ y tế cơ bản của tuyến xã. Có sự cào bằng, chưa cân đối, chưa hợp lý về nhân lực cho y tế xã. Có xã chỉ có khoảng 10.000 dân nhưng có phường lên tới 130.000 người; trong khi lực lượng y tế tại các trạm y tế xã tối đa khoảng 12 người. 
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang gấp rút chuẩn bị đề án tăng cường năng lực cũng như tăng cường khả năng ứng phó đối với dịch bệnh của hệ thống y tế cơ sở, bao gồm cả tuyến huyện và tuyến xã. Theo đó, Bộ đã nghiên cứu, báo cáo và trao đổi với các chuyên gia, bố trí lại hệ thống y tế cơ sở theo hướng 10.000 người là có một trạm y tế, để khi dịch bệnh xảy ra không bị quá tải và không bị hạn chế như trong thời gian qua tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương. Mô hình trạm y tế lưu động là một trong những giải pháp tình thế để để khắc phục những nhược điểm này. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội "Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế", trong đó có việc đầu tư cho các trạm y tế xã. Bộ Y tế đề nghị các địa phương cũng khẩn trương tăng cường đầu tư cho trạm y tế xã. Về nhân lực, Bộ Y tế cũng cho rằng không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Do đó, Bộ đã, đang và sẽ đưa ra những giải pháp như tăng cường luân phiên, luân chuyển, đưa bác sĩ từ trạm y tế xã lên các trung tâm y tế tuyến huyện để vừa khám bệnh, chữa bệnh, vừa học hỏi, vừa học tập. Trong thời gian đó nâng cao năng lực; thiết lập hệ thống về khám bệnh, chữa bệnh từ xa; tổ chức lại y tế tuyến xã theo nguyên lý y học gia đình, trong đó hình thành nên nhóm bác sĩ y học gia đình, tức là bao gồm kể cả các bác sĩ trong công lập, các trạm y tế và các bác sĩ ở hệ thống tư nhân để làm sao quản lý, chăm sóc được người bệnh. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính đối với trạm y tế. Theo quy định thì mỗi một trạm y tế được cấp 10 - 20 triệu đồng/năm, có địa phương cấp 40 triệu đồng nhưng có nơi lại cấp chưa đầy 10 triệu đồng, bao gồm tất cả những hoạt động tiền điện, tiền nước, tiền xử lý các chất thải cho đến chi phí hành chính…
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh COVID-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp. Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay, lực lượng y tế tại chỗ (bao gồm y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y), ứng dụng công nghệ và một số biện pháp khác để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới. Đây cũng chính là những vấn đề mỗi địa phương cần quan tâm để không có những khoảng trống đáng tiếc về y tế cơ sở trong thời gian tới.
 
TRỌNG NHÂN