Cùng với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ...
Cùng với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, xây dựng các phương án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tiến hành bố trí, sắp xếp đội ngũ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ đó được nâng cao, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, ngày càng chuyên nghiệp.
|
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận trao quyết định bổ nhiệm Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và Chánh Văn phòng Tỉnh ủy |
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ. Các quy trình công tác cán bộ được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ; các trường hợp đề bạt, bổ nhiệm có đánh giá, kết luận về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định. Đặc biệt tỉnh đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 14/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thí điểm, đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng ở tỉnh. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 514/QĐ-UBND, ngày 20/3/2018 về Quy chế thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở; Quyết định số 2534/QĐ-UBND, ngày 7/12/2018 về ban hành Quy chế thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thi tuyển 4 chức danh lãnh đạo, quản lý. Trong đó, gồm có 1 Phó Giám đốc Sở Tư pháp; 1 Phó Trưởng Ban quản lý các Khu Công nghiệp; 1 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới việc đánh giá cán bộ theo hướng đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền; chia nhóm đối tượng, chuẩn bị nội dung, cung cấp thông tin trước khi đánh giá, qua đó việc đánh giá cán bộ ngày càng sát thực hơn.
Về chính sách thu hút nguồn nhân lực, tỉnh Lâm Đồng ban hành nhiều chính sách nhưng việc thu hút trong những năm qua chưa được nhiều, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực, cơ sở vật chất, cơ chê,́ chính sách, điều kiện, môi trường làm việc,... của tỉnh chưa đủ mạnh, chưa đủ cạnh tranh so với các thành phố lớn, nên việc thu hút còn gặp khó khăn, chủ yếu thu hút số sinh viên xuất sắc mới ra trường. Tỉnh cũng đã thu hút được 2 trường hợp tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh chưa có nhiều chuyên gia, nhà khoa học về công tác tại địa phương và chủ yếu khai thác nguồn lực đội ngũ cán bộ trình độ cao hiện có của tỉnh để bố trí làm việc ở các chuyên ngành mũi nhọn, cần thiết cho các lĩnh vực trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài của tỉnh chủ yếu thực hiện theo Nghị định 140 của Chính phủ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành đề án, các kế hoạch để tổ chức thực hiện theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Từ năm 2015 đến nay, Tỉnh ủy ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh; UBND tỉnh ban hành đề án và các kế hoạch triển khai thực hiện. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền phối hợp mở các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từ năm 2015 đến nay, phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 53.326 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia, trong đó đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 165 cho 147 lượt cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài là 68 cán bộ.
Nhìn chung, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Việc sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng có nhiều thay đổi, sáng tạo, phù hợp với tình hình mới. Việc bố trí, tạo môi trường làm việc, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên; tỉnh cũng đã chú ý đến những nhân tố mới có tuổi đời trẻ và có năng lực, phẩm chất, bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp.
NGUYỄN NGHĨA